16:39 04/03/2024

Nông nghiệp vẫn là trụ cột kinh tế của Thái Bình

Trương Quốc Cường

Thái Bình đã có khoảng 2.000 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện tích tụ, tập trung để sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với tiêu thụ nông sản; tổng diện tích đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung trên 8.000ha; bình quân 4,08 ha/tổ chức, hộ gia đình, cá nhân...

Năm 2023, tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp Thái Bình ước đạt 29.782 tỷ
Năm 2023, tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp Thái Bình ước đạt 29.782 tỷ

Năm 2023, tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp Thái Bình ước đạt 29.782 tỷ đồng, gấp 1,1 lần năm 2020, trong đó giá trị sản xuất trồng trọt đạt 12.254 tỷ đồng, tăng 0,6% so với năm 2022; giá trị sản xuất chăn nuôi đạt 10.426 tỷ đồng, tăng 3,5% so với năm 2022; giá trị sản xuất thủy sản ước đạt 5.938 tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm 2022. Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 2,4%/năm. 

Theo kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp Thái Bình giai đoạn 2021 - 2025, hiện tỉnh đã và đang phối hợp với các địa phương xây dựng 33 mô hình phát triển nông nghiệp, thực thi nhiều giải pháp, chính sách bám sát thực tiễn nhằm đẩy mạnh nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu... 

Thực hiện chủ trương khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của sản phẩm nông sản,  HĐND tỉnh Thái Bình đã ban hành nhiều Nghị quyết cụ thể quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai; mua máy cấy, hệ thống thiết bị sấy phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 – 2025 – 2028...

Mức kinh phí hỗ trợ đối với UBND cấp xã có diện tích đất tích tụ, tập trung trên địa bàn quản lý tăng từ 1 triệu đồng/ha lên 1,5 triệu đồng/ha, cơ sở thôn cũng được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/ha... 

Các đối tượng thực hiện tích tụ, tập trung đất đai được hưởng nhiều ưu đãi như hỗ trợ 1.000 đồng/m2 để cải tạo đất, cải tạo mặt bằng vùng sản xuất tập trung, hỗ trợ kinh phí xây dựng hệ thống đường giao thông trong vùng sản xuất, hỗ trợ 100% chi phí xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa, hỗ trợ 50% chi phí xây dựng nhà màng, nhà lưới… 

Hiện tại, trên địa bàn Thái Bình đã  có khoảng 2.000 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện tích tụ, tập trung để sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với tiêu thụ nông sản; tổng diện tích đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung trên 8.000ha; bình quân 4,08 ha/tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.

Qua rà soát, có trên 1.511 hộ tích tụ quy mô dưới 5 ha; 324 hộ tích tụ được từ 5 - 10ha và 133 hộ tích tụ được diện tích hơn 10ha. Hầu hết các mô hình đều được đánh giá có hiệu quả hơn từ 1,5 đến 2 lần so với sản xuất thông thường khi chưa được tích tụ, tập trung. 

Các chủ đại điền chính là lớp nông dân mới góp phần phát triển ngành nông nghiệp địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với hoạt động chế biến và bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp theo nhu cầu của thị trường. Qua theo dõi của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số lượng đại điền trên địa bàn tỉnh tăng lên rất nhanh trong thời gian qua. Tháng 10/2022 có khoảng 1.700 đại điền; trong năm 2023 tăng lên khoảng 2.000 đại điền và hiện nay số đại điền đang tiếp tục lớn mạnh.

Cùng với đó Thái Bình đã cơ giới hóa 100% trong khâu làm đất; xấp xỉ 100% khâu thu hoạch và khoảng 24% khâu cấy; trên 8.000ha diện tích được chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh bằng thiết bị bay không người lái. Đã thực sự làm thay đổi cách thức sản xuất nông nghiệp từ sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa, giải quyết khan hiếm lao động lúc mùa vụ, rút được phần lớn lao động nông thôn chuyển sang sản xuất công nghiệp và dịch vụ.  

Theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến này toàn tỉnh Thái Bình đã có 179 sản phẩm OCOP (có 48 sản phẩm đạt 4 sao, 131 sản phẩm xếp hạng 3 sao) với tổng số 91 cơ sở sản xuất của 8 huyện, thành phố có sản phẩm OCOP (trong đó có 32 doanh nghiệp, 36 HTX và 23 hộ kinh doanh). Giá trị kinh tế của các sản phẩm được nâng lên từ 20% trở lên nhờ đạt tiêu chí OCOP, công nghệ số đã đưa các sản phẩm đến với người tiêu dùng một cách nhanh hơn nên doanh số bán hàng của các đơn vị tăng từ 20% - 30%, trong đó doanh thu bán hàng qua mạng và sàn giao dịch điện tử chiếm 30%.  

Một trong những mục tiêu tất yếu phải hướng đến của tỉnh Thái Bình trong giai đoạn 2021 - 2025 là phát triển nền nông nghiệp xanh, tuần hoàn và bền vững. Hiện tại, nhiều địa phương trên địa bàn Thái Bình đã và đang hình thành các mô hình áp dụng khoa học - công nghệ, quy trình trình kỹ thuật canh tác tiết kiệm nhiên liệu vận hành máy nông nghiệp, hạn chế sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật nhằm giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường…

Điển hình như các mô hình canh tác lúa SRI ở các huyện Đông Hưng, Vũ Thư, Tiền Hải, Kiến Xương và Thái Thụy... tạo điều kiện cho lúa có khả năng quang hợp cao nhất, cây lúa khỏe, chống chịu sâu bệnh tốt,  hay mô hình sử dụng chế phẩm Sumitri, Azotobacter để xử lý rơm rạ sau thu hoạch. Mục tiêu chính là nhằm giảm thiểu mối nguy hại do lạm dụng hóa chất, nhất là thuốc bảo vệ thực vật đối với sức khỏe cộng đồng, môi trường và an toàn thực phẩm. 

Cùng với nỗ lực phát triển kinh tế công nghiệp, dịch vụ và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, Thái Bình vẫn đặc biệt chú trọng đầu tư để đảm bảo kinh tế nông nghiệp tiếp tục là trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế lâu dài, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

Với hướng phát triển theo tiêu chuẩn nông nghiệp tuần hoàn, áp dụng các nguyên tắc của Kinh tế tuần hoàn vào thực hành sản xuất, kinh doanh, phân phối và tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp.  đây cũng là xu thế tất yếu của nền kinh tế nông nghiệp toàn cầu, mang tầm chiến lược trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, với cam kết tại Hội nghị biến đổi khí hậu COP 26 đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.