Khởi công dự án tăng cường giao thông đô thị bền vững cho tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội gần 55 triệu USD
Dự án "Tăng cường giao thông đô thị bền vững cho dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, Nhổn - ga Hà Nội có tổng mức đầu tư hơn 1.282 tỷ đồng, hướng đến việc phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng đa phương thức và thu hút hành khách...
Ngày 7/10, UBND TP. Hà Nội tổ chức khởi công dự án "Tăng cường giao thông đô thị bền vững cho dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, tuyến Nhổn - ga Hà Nội". Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.282 tỷ đồng, tương ứng 54,75 triệu USD từ nguồn vốn vay Quỹ Công nghệ sạch (CTF), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và vốn đối ứng từ ngân sách thành phố 5,8 triệu USD.
Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư, xây dựng các công trình giao thông TP. Hà Nội làm chủ đầu tư và dự kiến hoàn thành trước năm 2025.
Mục tiêu của dự án nhằm phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng đa phương thức, thân thiện với môi trường; khuyến khích hành khách chuyển từ sử dụng phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng.
Cụ thể, hợp phần 1 có các nội dung gồm xây dựng các điểm trung chuyển hành khách tại một số nhà ga đường sắt Nhổn - ga Hà Nội: ga số 8 (Cầu Giấy) và ga số 9 (Ngọc Khánh); cải tạo vỉa hè, lòng đường, cây xanh, chiếu sáng, bãi đỗ phương tiện giao thông cá nhân, công trình dịch vụ và tiện ích; cải tạo đồng bộ hè, đường, tổ chức giao thông từ Nhổn - Xuân Thủy (từ ga số 1 đến ga số 6).
Đồng thời, xây dựng những công trình hạ tầng kỹ thuật để tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách tiếp cận các nhà ga của tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội 3 và một số hạng mục như mở rộng cầu Giấy, thảm mặt đường bên dưới dọc theo tuyến đường sắt.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.282 tỷ đồng, từ nguồn vốn vay Quỹ Công nghệ sạch (CTF), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), gồm 3 hợp phần chính, gồm: cải tạo hạ tầng giao thông tiếp cận nhà ga dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội; các giải pháp giao thông công cộng; nghiên cứu chính sách và quy định.
Hợp phần 2, thí điểm sử dụng loại xe buýt có lượng phát thải thấp, công nghệ mới; sử dụng hệ thống giao thông thông minh trên xe buýt và hệ thống kiểm soát vận hành; đầu tư xây dựng hệ thống dịch vụ bảo dưỡng, hạ tầng dịch vụ, hệ thống trạm sạc (depot) tại trạm trung chuyển đa phương thức, điểm đỗ xe công cộng và điểm đầu cuối xe buýt tại phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm.
Hợp phần 3, nghiên cứu các chính sách và quy định đưa ra giải pháp về chính sách nhằm khuyến khích và dễ dàng tiếp cận với đường sắt đô thị, giao thông công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân trên địa bàn 6 quận tại Hà Nội, gồm Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm.
Dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội do Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư đang được triển khai có chiều dài 12,5km, gồm 8,5km đi trên cao và 4km đi ngầm; với 12 nhà ga, 1 depot rộng 15,5 ha (khu tổ hợp tập kết, sửa chữa tàu..) và 10 đoàn tàu.
Tổng mức đầu tư 32.910 tỷ đồng (khoảng 1.176 triệu Euro) từ nguồn vay ODA của Tổng cục Kho bạc của Chính phủ Pháp; Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và 218 triệu Euro vốn đối ứng từ ngân sách TP. Hà Nội.
Tại phiên họp của HĐND TP. Hà Nội ngày 12/9, nghị quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trên được thông qua, với thời gian hoàn thành dự án từ 2009-2022 được lùi thành năm 2009-2027 (chưa bao gồm thời gian bảo hành 24 tháng). Còn tổng mức đầu tư dự án được đề xuất tăng từ trên 32.900 tỷ đồng lên hơn 34.800 tỷ đồng, tăng thêm hơn 1.900 tỷ đồng.
Tuyến đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội dù đội vốn lên gần 35.000 tỷ, "lụt" tiến độ 7 năm nhưng tính đến đầu tháng 10, tiến độ toàn dự án mới đạt 75,1%. Trong đó, tiến độ thi công đoạn trên cao đạt 96,3%; đoạn ngầm đạt 39%. Thành phố đang cùng chủ đầu tư tập trung hoàn thiện nốt các phần việc trên cao để đưa vào khai thác thương mại cuối năm 2022, đồng thời tiếp tục xử lý các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ đoạn đi ngầm, đưa vào khai thác toàn tuyến năm 2027.