Khối ngoại bán ròng, dấu hiệu mới?
Giá trị vốn rút ra mấy ngày qua không lớn, nhưng việc bán ra liên tục tập trung ở một số mã cho thấy tín hiệu của sự thoái vốn
Hôm 18/3, lần đầu tiên sau hơn một năm sàn HSX mới lại chứng kiến một đợt xả hàng mạnh đến như vậy từ khối nhà đầu tư nước ngoài. Mặc dù xét về tổng thể toàn thị trường, giá trị vốn rút ra không lớn, nhưng rõ ràng hành động bán ra liên tục tập trung ở một số mã cố định cho thấy tín hiệu của hành động thoái vốn.
Trong cơ cấu giao dịch của phiên cuối tuần, tại HSX, khối ngoại mua vào qua khớp lệnh 234,1 tỷ đồng, bán ra 440,6 tỷ đồng, tương đương giá trị ròng -206,5 tỷ đồng. Giá trị bán ra qua giao dịch thỏa thuận là 75,88 tỷ đồng, mua vào 67,34 tỷ đồng, tương đương bán ròng 8,54 tỷ đồng.
Tại HNX, nhà đầu tư nước ngoài mua tổng cộng 48,95 tỷ đồng, bán ra 14,02 tỷ đồng. Giá trị bán ròng tương ứng 34,93 tỷ đồng. Đây là quy mô mua ròng lớn nhất tại HNX kể từ phiên ngày 24/2 vừa qua (35,59 tỷ đồng).
Tính chung trên cả hai sàn, khối ngoại bán ròng tính theo phiên, đạt 180,11 tỷ đồng. Như vậy tuần này khối ngoại đã bán ròng 3/5 phiên. Giá trị bán ròng tính chung trong tuần đạt 129,28 tỷ đồng.
Từ đầu tháng 2/2011 đến nay, xu hướng bán ra của khối ngoại là rất rõ rệt. Tổng cộng các giao dịch qua hai sàn, cả khớp lệnh lẫn thỏa thuận (trừ trái phiếu), nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 15/29 phiên, với lượng vốn ròng +44,76 tỷ đồng. Mặc dù vốn vào vẫn dương, nhưng quy mô như vậy là tương đối thấp so với các tháng trước, bất chấp giá cổ phiếu giảm khá mạnh.
Tuy nhiên bức tranh trên sàn HSX, đặc biệt là qua giao dịch khớp lệnh không được đẹp như vậy. Sàn HSX là nơi tập trung các cổ phiếu có vốn hóa lớn, thanh khoản cao nên không có gì lạ khi từ trước đến nay, tỷ trọng rất lớn các giao dịch của khối ngoại được thực hiện tại đây. Từ đầu tháng 2/2011, khối ngoại đã bán ròng 17/29 phiên qua các giao dịch khớp lệnh tại HSX với giá trị bán ròng 212,9 tỷ đồng. Đây là một đợt rút vốn khá bất ngờ, dù không thực sự mạnh. Một phần nguyên nhân là do hoạt động mua vào giảm đi nhiều sau khi tỷ giá thay đổi, trong khi lượng bán ra lại tăng nhẹ.
Giá trị giao dịch mua của khối ngoại tăng lên từ tháng 1/2011 trở về trước gắn với sự xuất hiện nổi bật của các quỹ ETF. Các mã vốn hóa lớn tăng điển hình là BVH, MSN và VIC. Tình trạng bán ra mạnh tại các cổ phiếu này vài phiên gần đầy vẫn chưa đủ cơ sở chắc chắn để khẳng định một sự rút vốn. Dấu hiệu đáng chú ý hơn là ở một số cổ phiếu khác như HAG, DPM, PVD, PVF, REE, thậm chí cả VCB.
Theo phán đoán của Công ty chứng khoán HSC, việc các nhà đầu tư nước ngoài bán ra có hệ thống trong một vài phiên vừa qua có lẽ là từ một hay hai nhà đầu tư và các giao dịch này tập trung vào khoảng 10-15 mã trong các giao dịch thỏa thuận. HSC cũng nhận thấy hoạt động bán ròng của các quỹ ETF.
Tuy nhiên, điều này có thể lý giải hiện tượng giảm giá của BVH hay VIC nhưng các mã còn lại không nằm trong danh sách ưu tiên của các quỹ nước ngoài mới mà nằm trong tay các quỹ có thâm niên. Việc bán ròng rất mạnh trong một hai phiên vừa qua khi cầu tăng lên cho thấy hoạt động bán ra rất quyết liệt.
Công ty chứng khoán ACB lại nhìn nhận vấn đề dưới góc độ cơ bản. Theo quan điểm này, nguyên nhân dẫn đến việc khối ngoại bán ròng do biến động mạnh về mặt vĩ mô trên thế giới, đà tăng của thị trường quốc tế bị chững lại và giá cổ phiếu thế giới giảm xuống mức hấp dẫn. Nhà đầu tư nước ngoài có thể chuyển nguồn vốn sang thị trường chứng khoán các nước. Ngoài ra, phần lớn các blue-chip trên thị trường Việt Nam đã mở hết room nên lực cầu cho các cổ phiếu này không còn cao như trước nữa. Thêm vào đó, gần đây các cổ phiếu này cũng không có hỗ trợ từ phía cơ bản nên cũng khó có cơ sở để tăng trưởng. Do đó, khối ngoại có thể giảm đầu tư vào VN-Index do tình hình hiện tại thiếu yếu tố khả quan.
Việc khối ngoại liên tục bán ròng mạnh vài phiên gần đây có thể đem lại những quan ngại nhất định. Tuy nhiên cũng nên nhìn nhận rằng đó cũng là hoạt động đầu tư bình thường của bất kỳ tổ chức nào, có mua vào thì phải có bán ra. Hai điểm có thể ủng hộ khả năng này là vẫn có dòng vốn chảy vào chứ không chỉ đơn thuần bán một chiều; và giá trị vốn rút ra dù là thực thì cũng chưa đủ lớn để lo ngại.
Một hiện tượng mới đây gây nhiều chú ý là dòng vốn nước ngoài đang liên tục mua rất mạnh CTG. Hai tuần gần đây, khối ngoại đã tích lũy thêm hơn 14,3 triệu CTG. Quy mô mua ròng tại cổ phiếu này thường xuyên chiếm trên 40% tổng giá trị mua vào của nhà đầu tư nước ngoài qua khớp lệnh tại HSX. Ở nhiều mã khác dòng vốn vào và ra khá cân bằng. Hoạt động bán ra cũng chỉ tập trung ở một số mã.
Về tổng thể, lượng vốn vào ròng từ đầu năm 2011 đến nay vẫn dương khoảng 1.600 tỷ đồng, bất chấp các hoạt động bán ra gần đây. Đó là chưa kể đến con số gần 16.150 tỷ đồng của năm 2010. Lượng vốn này khó có thể chảy ngược mà không có những dấu hiệu dễ nhận thấy. Việc khối ngoại bán ra, có thể là đảo danh mục, thậm chí là thoái vốn nhưng cũng không phải là một xu hướng trên bình diện chung.