16:17 16/01/2024

Không nên chờ đợi, thấy vướng mắc mới đề xuất cơ chế đặc thù

Nhật Dương

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội, trong bối cảnh phát triển nhanh chóng hiện nay, sẽ nảy sinh rất nhiều mối quan hệ mới, vấn đề mới. Vì vậy, không nên chờ đợi các địa phương, ngành, lĩnh vực thấy vướng mắc rồi mới đề xuất cơ chế đặc thù, mà cần chủ động đưa ra cơ chế, chính sách tháo gỡ...

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội đề nghị cần chủ động hơn nữa trong thiết kế các cơ chế đặc thù. Ảnh: Quochoi.vn.
Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội đề nghị cần chủ động hơn nữa trong thiết kế các cơ chế đặc thù. Ảnh: Quochoi.vn.

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, chiều 16/1/2024, Quốc hội đã thảo luận “dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia”.

NHIỀU BẤT CẬP CẦN ĐƯỢC KHẮC PHỤC BẰNG CƠ CHẾ ĐẶC THÙ

Thảo luận tại phiên họp, Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội thường xuyên thông qua các Nghị quyết về cơ chế đặc thù.

Các cơ chế đặc thù này thường cho phép các đối tượng thực thi được thực hiện phương thức hành động khác với quy định của pháp luật hiện hành, để bỏ qua một số khâu không cần thiết, bỏ qua một số quy định vướng mắc chưa phù hợp để đẩy nhanh tiến độ công việc.

Việc sử dụng cơ chế đặc thù đều mang lại hiệu quả tốt, chưa có cơ chế đặc thù nào mang lại tác động xấu.

Theo đại biểu, việc thiết lập các cơ chế đặc thù sẽ giúp khắc phục sự khô cứng của quy định pháp luật, đưa kế hoạch triển khai phù hợp hơn với điều kiện, hoàn cảnh thực tế, qua đó mang lại kết quả tốt. Bởi, pháp luật có thể phù hợp ở lĩnh vực này, nhưng chưa thực sự phù hợp ở lĩnh vực khác, hoàn cảnh cụ thể khác.

Vì vậy, khi luật pháp ban hành hướng đến một nhóm đối tượng cụ thể, có thể dẫn đến việc không phù hợp khi soi chiếu sang vấn đề, lĩnh vực khác, hoàn cảnh khác. 

Đại biểu cũng cho rằng, trong bối cảnh phát triển nhanh chóng hiện nay, sẽ nảy sinh rất nhiều mối quan hệ mới, vấn đề mới. Chính vì vậy, trong tương lai, sẽ còn nhiều điểm bất cập về pháp luật cần được khắc phục bằng các cơ chế đặc thù.

“Không nên chờ đợi các địa phương, các ngành, các lĩnh vực thấy vướng mắc rồi mới đề xuất cơ chế đặc thù, mà cần chủ động đưa ra cơ chế, phương thức để khắc phục, tháo gỡ những vướng mắc trong pháp luật bằng các cơ chế đặc thù”, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Cho ý kiến tại phiên họp, Đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn đề nghị cần làm rõ một số nội dung đảm bảo khi ban hành các địa phương có thể thực hiện ngay.

Tại điểm c, khoản 1, Điều 4 dự thảo Nghị quyết quy định về phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm có nêu: “Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm của từng chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết đến dự án thành phần. Trường hợp cần thiết, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp huyện quyết định phân bổ chi tiết đến từng dự án thành phần thuộc chương trình mục tiêu quốc gia”. 

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Quochoi.vn.
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Quochoi.vn.

Theo đại biểu, cần làm rõ, “trường hợp cần thiết” là trường hợp nào, để Hội đồng nhân dân tỉnh có cơ sở giao cho cấp huyện thực hiện nếu huyện đáp ứng được yêu cầu, hoặc trường hợp giao cho cấp huyện phân bổ chi tiết sẽ thuận lợi hơn trong quá trình triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, tại điểm b, khoản 2 Điều 4 dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm của chương trình mục tiêu quốc gia quy định: "Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, theo thẩm quyền phân cấp, quyết định việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước của các chương trình mục tiêu quốc gia chưa giải ngân hết trong năm 2023 đã được kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân sang năm 2024”.

Tuy nhiên theo quy định tại khoản 7 Điều 67 Luật Đầu tư công quy định: "Hội đồng nhân dân các cấp điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn ngân sách địa phương..."

Do vậy, đại biểu đề nghị làm rõ việc điều chỉnh vốn ngân sách nhà nước (gồm vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) như dự thảo Nghị quyết có phải thực hiện trình Hội đồng nhân dân các cấp phê duyệt trước khi Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện điều chỉnh hay không? 

QUY ĐỊNH RÕ TIÊU CHÍ, NGUYÊN TẮC PHÂN BỔ NGÂN SÁCH

Thống nhất với cơ chế đặc thù thực hiện dự toán chi thường xuyên, song Đại biểu Mai Văn Hải, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đề nghị quy định rõ tiêu chí, nguyên tắc phân bổ ngân sách.

Theo đại biểu Hải, trên thực tế, khi Chính phủ giao dự toán chi thường xuyên để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo dự án thành phần, lĩnh vực sẽ đảm bảo được việc kiểm soát chi đúng mục đích theo mục tiêu đề ra. 

Nhưng bên cạnh đó, cũng còn những khó khăn, vướng mắc nảy sinh, như trường hợp chi không đúng đối tượng, nội dung chi không còn phù hợp với thực tiễn của địa phương, dẫn đến kết quả giải ngân vốn ngân sách thấp, đặc biệt là vốn sự nghiệp của chương trình mục tiêu quốc gia...

Để khắc phục vấn đề trên, đại biểu cho rằng, Thủ tướng Chính phủ giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hàng năm theo tổng kinh phí chi thường xuyên cho từng chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời, giao cho Hội đồng nhân dân địa phương phân bổ chi tiết đến từng dự án thành phần là hoàn toàn phù hợp.

Điều này giúp cho các địa phương chủ động hơn, và phân bổ sát thực tiễn thực hiện các nội dung của các chương trình mục tiêu quốc gia.

Đại biểu Mai Văn Hải, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Quochoi.vn.
Đại biểu Mai Văn Hải, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Quochoi.vn.

Đại biểu Hải cũng đề nghị tại điểm c khoản 1 cần làm rõ khi nào cần thiết Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp huyện phân bổ chi tiết đến từng dự án thành phần.

Theo đại biểu, nên xem xét giao cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân bổ cho các huyện, thị xã, thành phố trong tổng kinh phí chi thường xuyên, và giao Hội đồng nhân dân cấp huyện phân bổ chi tiết đến từng dự án nội dung thành phần. Qua đó giúp chủ động cho các huyện và sử dụng chi thường xuyên sát thực tiễn và hiệu quả.

Đại biểu cũng đề nghị cần phải có quy định rõ tiêu chí, nguyên tắc phân bổ để các địa phương thực hiện đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả, thực hiện tốt các mục tiêu của chương trình mục tiêu quốc gia đề ra, tránh tình trạng phân bổ một cách chủ quan, tập trung vào một số dự án cụ thể.

Cũng liên quan đến cơ chế phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm, Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội cho rằng, quy định như dự thảo Nghị quyết rất thông thoáng về phân bổ vốn, song ông đề nghị năng lực sử dụng vốn, đặc biệt ở cấp huyện để thực hiện các tiểu dự án của Chương trình, đồng thời băn khoăn nếu qua nhiều cấp như vậy thì liệu có mất nhiều thời gian quá không?

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Ban quản lý các chương trình sắp xếp kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững để hỗ trợ cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc các hộ gia đình nghèo được học mẫu giáo. Mức hỗ trợ sẽ tùy thuộc vào địa phương đó và các chương trình mục tiêu quốc gia.