11:27 13/04/2021

Không nên xem thường triệu chứng mất ngủ

Hoài Phương

Theo PGS TS BS. Trịnh Thị Diệu Thường - Trưởng Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3, hiện nay mất ngủ rất thường gặp, khoảng 30 - 45% người lớn bị mất ngủ. Nguyên nhân của mất ngủ chủ yếu là các tổn thương về tâm lý như căng thẳng trong công việc, lo lắng suy nghĩ quá nhiều, vừa trải qua các chấn động về tâm lý.
Bên cạnh đó, tình trạng trầm cảm hoặc hưng cảm đang là một trong những nguyên nhân chính gây ra mất ngủ. Ngoài ra, một số bệnh lý cũng gây ra mất ngủ như: tổn thương thần kinh trung ương, hội chứng ngưng thở khi ngủ, các bệnh lý nội tiết chuyển hóa... Chế độ ăn uống các chất kích thích như rượu bia, cà phê, trà, nước tăng lực và tình trạng tuổi già cũng là những nguyên nhân gây ra mất ngủ. Đôi khi có những trường hợp mất ngủ mà không có bất kỳ nguyên nhân nào. Hậu quả của mất ngủ là khiến cho chất lượng cuộc sống giảm sút đáng kể: làm tăng sự mệt mỏi, giảm sự minh mẫn trong công việc làm giảm hiệu suất, buồn ngủ vào ban ngày, lú lẫn, suy giảm trí nhớ, căng thẳng lo âu, thậm chí gây ra trầm cảm, các bệnh lý tâm thần khác và cả nguy cơ tai nạn. Khi bị mất ngủ, nhiều người thường tự mua thuốc điều trị gây ra tình trạng lạm dụng thuốc, lờn thuốc, gây khó khăn trong việc điều trị sau này. Mất ngủ còn làm tăng kích hoạt hệ thần kinh, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch (tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim,…), tăng nguy cơ tiểu đường, tổn hại gan, hệ tiêu hóa hoạt động kém, da nhanh lão hóa và sạm da, yếu sinh lý… Theo BS. Trịnh Thị Diệu Thường, để điều trị mất ngủ, cần phối hợp nhiều phương pháp khác nhau mới có thể đạt hiệu quả cao trong điều trị, quan trọng nhất là tìm ra được nguyên nhân của mất ngủ để điều trị dứt điểm. Các phương pháp điều trị gồm: trị liệu hành vi, vệ sinh giấc ngủ, kiểm soát kích thích, thư giãn, điều trị nhận thức và dùng thuốc.
Không nên xem thường triệu chứng mất ngủ - Ảnh 1.
Hiện nay trên thế giới, ngoài các phương pháp trên người ta còn ứng dụng các phương pháp điều trị bằng Y học cổ truyền, cho thấy có tác dụng tốt và ít gây ra các tác dụng phụ, tránh lệ thuộc vào các thuốc ngủ như: châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, dưỡng sinh và sử dụng các thuốc có nguồn gốc từ thảo dược. Tùy vào từng thể bệnh cụ thể mà bác sĩ sẽ đưa ra phương huyệt, vùng xoa bóp, các động tác tập dưỡng sinh cũng như các vị thuốc thích hợp. Một số thảo dược trong Y học cổ truyền có tác dụng an thần giúp ngủ ngon, được dùng để điều trị mất ngủ như: Lạc tiên, Bình vôi, Long nhãn, Liên tâm, Viễn chí, Toan táo nhân, Bá tử nhân và phối ngũ các vị thuốc khác trên từng thể bệnh khác nhau.
Đối với châm cứu, cần lựa chọn các huyệt: Thần môn trên tay, Thần môn trên loa tai, Nội quan và kết hợp các huyệt vị khác tùy vào từng thể bệnh. Có thể kết hợp thêm liệu pháp xoa bóp bấm huyệt: sử dụng các thủ thuật xoa, miết, phân hợp, day ấn huyệt vùng đầu mặt cổ giúp khí huyết lưu thông cho giấc ngủ sâu và ngon hơn.Sự kết hợp giữa Y học hiện đại và Y học cổ truyền không những làm tăng hiệu quả điều trị đối với mất ngủ thông thường mà còn có thể điều trị tốt ở cả trường hợp mất ngủ khó chữa, giúp dự phòng mất ngủ tái phát, đồng thời giảm tác dụng phụ và hạn chế được việc lệ vào thuốc ngủ. Ngoài ra, các bác sĩ khuyến cáo, nếu bị mất ngủ, người dân không nên tự ý sử dụng thuốc. Hãy đến khám tại các cơ sở y tế uy tín để được các bác sĩ tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.