“Không thể chần chừ” luật riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Trong khu vực Đông Nam Á thì kể cả Lào đã có luật này, chỉ còn Việt Nam và Campuchia là chưa
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay rất khó tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định tại phiên thảo luận sáng 22/11 của Quốc hội về dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tại đây, khá nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng quy định tại dự thảo luật, khi ngân sách đang vô cùng khó khăn. Vì nếu ngân hàng cho vay với lãi suất thấp hơn mặt bằng thì Nhà nước phải cấp bù lãi suất.
Bộ trưởng Dũng giải thích, luật không quy định cứng nhắc bắt buộc các ngân hàng phải có tỷ lệ bao nhiêu hỗ trợ cho doanh nghiệp, mà là khuyến khích các ngân hàng thương mại xây dựng các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa với các lãi suất, với thời hạn vay ưu đãi và thủ tục dễ dàng.
"Nếu các ngân hàng thương mại hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa như vậy thì sẽ được Nhà nước hỗ trợ lại, tức là được cấp bù lãi suất. Cấp bù lãi suất là một phần ngân sách phải bỏ ra nhưng không lớn so với các doanh nghiệp đóng góp, nếu như người ta hoạt động tốt, có lợi nhuận để đóng góp cho đất nước", Bộ trưởng nói.
Trong báo cáo của hệ thống ngân hàng hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa tỷ lệ nợ xấu chiếm dưới 2%, nhưng các doanh nghiệp lớn hiện nay nợ xấu chiếm từ 6-7%, ông thông tin thêm.
Khẳng định là các doanh nghiệp nhỏ và vừa chắc chắn đang rất khó tiếp cận về tín dụng, Bộ trưởng còn đánh giá họ đang khó tiếp cận về mặt bằng, khó tiếp cận về công nghệ, về thị trường, về các tư vấn, về đào tạo, về thông tin.
Trước khó khăn như vậy, Bộ trưởng Dũng cho rằng nếu không có cơ chế chính sách để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì họ rất khó có điều kiện vươn lên.
"Trước đây có Nghị định 90, sau đó là Nghị định 56 nói đến doanh nghiệp nhỏ và vừa, còn lại tất cả các văn bản pháp luật khác đều nói đến doanh nghiệp nói chung, không có một văn bản riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa", Bộ trưởng cho biết.
Nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng, tất cả các cơ chế chính sách trong các nghị định 56 và 90 trước đây đều rời rạc và chung chung, không cụ thể và không có tính khả thi, nên không đi vào cuộc sống.
"Không luật hóa thì chúng ta không thể làm được. Đây là một bước để chúng ta luật hóa và cụ thể hóa những chủ trương, chính sách một cách khả thi hơn để giúp cho các doanh nghiệp một cách cụ thể nhất và khả thi cao nhất", Bộ trưởng Dũng trình bày.
Ông cũng nêu rõ, đã rà soát lại tất cả các nước, hầu hết tất cả các nước đều đã có luật riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ví dụ, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đã làm từ đầu những năm 50 và 60, riêng trong khu vực Đông Nam Á thì kể cả Lào đã có luật này, chỉ còn Việt Nam và Campuchia là chưa.
"Chúng tôi cho rằng không thể chậm trễ hơn được, và không thể chần chừ được nữa", ông Dũng nói.
Liên quan đến ý kiến về quy định liên quan đến các hộ kinh doanh tại dự án luật, Bộ trưởng nói, luật không hỗ trợ cho các hộ kinh doanh, mà khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp.
Bởi vì theo ông, hiện nay có 3,4 triệu hộ kinh doanh, có 2 triệu hộ đăng ký, nhưng không muốn chuyển sang làm doanh nghiệp. Vì hộ kinh doanh được khoán thuế, không phải đóng bảo hiểm cho người lao động, không chịu sự giám sát kiểm tra, không phải thành lập kế toán trưởng rồi kế toán viên, thủ kho như hoạt động của một doanh nghiệp.