Khủng hoảng ngân hàng dịu bớt, chứng khoán Mỹ và giá dầu cùng hồi phục, Bitcoin vượt 28.000 USD
Bất ổn trong hệ thống ngân hàng 2 tuần qua đã làm gia tăng tầm quan trọng của quyết định lãi suất mà Fed dự kiến sẽ đưa ra vào ngày thứ Tư...
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (20/3), khi nhà đầu tư hy vọng rằng cuộc khủng hoảng ngân hàng đang dịu di sau khi Chính phủ Thuỵ Sỹ vào cuộc để UBS mua lại Credit Suisse. Hy vọng này cũng là động lực để dầu thô hồi giá sau khi rớt xuống mức thấp nhất trong vòng 15 tháng, trong khi Bitcoin lập đỉnh giá mới của 9 tháng.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tưang 382,6 điểm, tương đương tăng 1,2%, chốt ở 32.244,58 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,89%, đạt 3.951,57 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,39%, đạt 11.675,54 điểm.
Cổ phiếu ngân hàng khu vực tăng trong phiên đầu tuần sau khi giảm chóng mặt trong tuần trước. Phố Wall kỳ vọng nhà chức trách sẽ có thêm động thái để khôi phục niềm tin vào hệ thống ngân hàng sau khi Bộ Tài chính, Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC) và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tuần trước can thiệp bằng cách bảo lãnh cho tiền gửi không thuộc diện bảo hiểm tại Silicon Valley Bank (SVB) và bơm thêm vốn mới cho các ngân hàng gặp vấn đề thanh khoản.
Quỹ SPDR Regional Banking ETF chuyên cổ phiếu ngân hàng khu vực tăng 1% sau khi giảm 14% trong tuần trước. PacWest First Citizens và Fifth Third Bancorp là vài trong số những cổ phiếu tăng mạnh nhất. Trong phiên, có lúc quỹ ETF này tăng 5%, nhưng không giữ được toàn bộ thành quả tăng khi đóng cửa vì cổ phiếu ngân hàng First Republic “bốc hơi” 47%.
First Republic đang là một “điểm nóng” trong cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ, dù một nhóm gồm 11 ngân hàng lớn vào tuần trước đã tuyên bố gửi 30 tỷ USD vào nhà băng đang gặp khó này nhằm mục đích củng cố niềm tin vào hệ thống.
“Đang có một vấn đề mang tính căn bản. Những người có tiền gửi không thuộc diện bảo hiểm tại các ngân hàng khu vực đang cảm thấy lo lắng, mà hệ thống ngân hàng được dựa trên nền tảng là năng lực thanh khoản và niềm tin. Bạn sẽ không gửi tiền tiết kiệm cả đời của bạn vào một nơi mà bạn không tin là chắc chắn sẽ rút được khi cần”, Giám đốc điều hành Eric Diton của The Wealth Alliance phát biểu.
Bất ổn trong hệ thống ngân hàng 2 tuần qua đã làm gia tăng tầm quan trọng của quyết định lãi suất mà Fed dự kiến sẽ đưa ra vào ngày thứ Tư. Ở thời điểm ngày thứ Hai, thị trường lãi suất tương lai phản ánh khả năng 73% Fed sẽ nâng lãi suất với bước nhảy 0,25 điểm phần trăm trong lần họp này; khả năng Fed không nâng lãi suất là 27% - theo dữ liệu từ công cụ FedWatch của sàn giao dịch CME.
Nhiều nhà giao dịch bắt đầu tính đến khả năng Chủ tịch Fed Jerome Powell sắp bắt đầu đảo ngược chính sách tiền tệ thắt chặt mạnh mẽ mà ngân hàng trung ương này đã theo đuổi từ tháng 3/2022 tới nay. Một sự xoay trục như vậy của Fed sẽ diễn ra trong bối cảnh một cuộc khủng hoảng tài chính có nguy cơ xuất hiện.
“Toàn bộ hiệu ứng của việc tăng lãi suất vẫn chưa được cảm nhận hết. Các ngân hàng khu vực vốn chiếm khoảng 1/3 tất cả hoạt động cho vay ở Mỹ, và giờ đây họ sẽ phải cắt giảm cho vay để củng cố bảng cân đối kế toán”, ông Diton nói. “Như vậy, dòng vốn trong toàn bộ nền kinh tế sẽ thắt chặt hơn nhiều, và làm thay công việc của Fed hiện nay là làm giảm tốc các hoạt động kinh tế. Bởi vậy, cho dù Fed không nâng lãi suất hay nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào ngày thứ Tư, tôi cho rằng có khả năng cao Fed sau đó sẽ chuyển sang trạng thái chờ xem các diễn biến sắp tới thế nào”.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao tháng 5 ở London tăng 0,82 USD/thùng, tương đương tăng 1,1%, chốt ở 73,79 USD/thùng. Giá dầu WTI giao tháng 4 ở New York tăng 0,9 USD/thùng, tương đương tăng 1,4%, chôt sở 67,64 USD/thùng.
Trong phiên, có lúc giá dầu Brent tụt khỏi mốc 72 USD/thùng, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021. Giá dầu WTI cũng có lúc không giữ được mốc 65 USD/thùng. Tuần trước, giá cả hai loại dầu giảm hơn 10% trong bối cảnh khủng hoảng ngân hàng gây căng thẳng đối với các tài sản rủi ro như cổ phiếu và hàng hoá cơ bản.
Sự can thiệp của các nhà chức trách nhằm ngăn khủng hoảng lan rộng, mới nhất là việc Chính phủ Thuỵ Sỹ thúc đẩy một cuộc sáp nhập giữa hai ngân hàng lớn nhất nước này là UBS và Credit Suisse, đã giúp trấn an phần nào tâm lý nhà đầu tư. Nhờ đó, giá dầu đã có một phiên hồi phục cùng với giá cổ phiếu.
“Diễn biến giá dầu đang bị chi phối bởi nỗi sợ hãi. Các yếu tố nền tảng cung và cầu chưa hề thay đổi. Giá dầu chỉ đang biến động theo mối lo về hệ thống ngân hàng”, nhà phân tích Phil Flynn của Price Futures Group nhận định với hãng tin Reuters.
Giới phân tích cho rằng cuộc họp tuần này của Fed sẽ có tác động không nhỏ đến giá dầu. “Biến động sẽ còn xảy ra trong tuần này, vì mối lo của thị trường tài chính vẫn còn đó”, một báo cáo của ngân hàng ING Bank nhận định và nói thêm rằng quyết định của Fed sẽ làm tăng thêm độ bấp bênh trên các thị trường.
Nguồn thạo tin tiết lộ với Reuters rằng nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) nhiều khả năng sẽ không điều chỉnh trần giá 60 USD/thùng đối với dầu Nga trong cuộc họp tuần này. Đây là trần giá mà G7 đã áp từ tháng 12 năm ngoái và dự định có sự điều chỉnh vào trung tuần tháng 3.
Trong khi đó, nhóm OPEC+ chuẩn bị có cuộc họp sản lượng vào ngày 3/4. Hồi tháng 10 năm ngoái, nhóm này nhất trí giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày cho tới cuối năm 2023. OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga.
Trên thị trường tiền ảo, giá Bitcoin có lúc vượt 28.000 USD trong phiên ngày 20/3 theo giờ Mỹ, cao nhất kể từ tháng 6 năm ngoái. Xu thế tăng giá của Bitcoin đã duy trì trong 1 tuần trở lại đây, trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu biến động mạnh.
Theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com, giá Bitcoin lúc hơn 6h sáng nay theo giờ Việt Nam đứng ở mức 27.914 USD, giảm hơn 1% so với cách đó 24 tiếng nhưng đã tăng hơn 15% trong vòng 1 tuần.