Khuyến nghị hàm lượng natri tối đa cho một số thực phẩm chế biến sẵn
Khuyến nghị hàm lượng natri tối đa cho một số thực phẩm chế biến bao gói sẵn tại Việt Nam, nhằm tạo điều kiện cho các nhà sản xuất, chế biến thực phẩm cải tiến công thức, tạo ra các thực phẩm giảm natri vì sức khỏe cộng đồng...
Ngày 28/3, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã đưa ra khuyến nghị về hàm lượng natri tối đa cho một số thực phẩm chế biến bao gói sẵn tại Việt Nam.
Cục Y tế dự phòng cho biết natri rất cần thiết đối với cơ thể người, nhưng ăn thừa natri lại gây tác hại cho sức khỏe. Tiêu thụ thừa natri là yếu tố nguy cơ chính gây tăng huyết áp dẫn đến đột quỵ (như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim), làm tăng nguy cơ gây ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và những rối loạn sức khỏe khác.
Tổ chức Y tế thế giới cũng khuyến cáo, người trưởng thành chỉ nên ăn dưới 2.000mg natri/ngày (tương đương với 5g muối/người/ngày). Điều tra năm 2015 cho thấy, trung bình một người trưởng thành Việt Nam tiêu thụ 3.760 mg natri/ngày (tương đương với 9,4g muối/ngày), nhiều gấp khoảng 2 lần so với khuyến cáo.
Các nghiên cứu cho thấy xu hướng tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn, bao gói sẵn của người dân Việt Nam ngày càng tăng cao, đặc biệt ở lứa tuổi vị thành niên.
Thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn là những nguồn thực phẩm chứa nhiều muối và natri. Thực phẩm và đồ uống là nguồn đóng góp cao nhất (35%) vào chi tiêu lương thực trung bình hằng tháng trong cả nước, và bằng 15% GDP cả nước.
Thức ăn đường phố cũng là món ăn phổ biến được tiêu thụ thường xuyên ở các khu vực thành thị với 95,5% người dân ăn thức ăn đường phố. Trong đó, 51% dùng thức ăn đường phố vào bữa ăn hàng ngày, và 82% dùng vào bữa sáng. Xu hướng tiêu thụ nhiều các loại thức ăn nhanh là do sự tiện lợi, phục vụ nhanh, chi phí thấp và không mất thời gian chuẩn bị.
Trước những thực tế nêu trên, Cục Y tế dự phòng cho rằng việc đưa ra các khuyến cáo hàm lượng natri tối đa trong 100g thực phẩm là hết sức cần thiết, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, nhà sản xuất áp dụng các biện pháp giảm natri trong công thức chế biến, thay thế natri bằng gia vị khác trong thực phẩm, góp phần cung cấp cho cộng đồng sản phẩm thực phẩm ít natri hơn.
Cục Y tế dự phòng đã chủ trì, phối hợp với các Vụ, Cục, Viện, Bệnh viện và chuyên gia từ Tổ chức Y tế thế giới xây dựng Khuyến nghị “Hàm lượng natri tối đa cho một số thực phẩm chế biến bao gói sẵn tại Việt Nam”.
Mục đích nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có thêm điều kiện tiếp cận thực phẩm tốt hơn cho sức khỏe, góp phần phòng ngừa bệnh không lây nhiễm.
Đồng thời, tạo điều kiện cho các nhà sản xuất, chế biến thực phẩm cải tiến công thức thực phẩm, để tạo ra các thực phẩm giảm natri vì sức khỏe cộng đồng, cũng như gia tăng giá trị của chính doanh nghiệp.
Đây cũng là công cụ để phân loại thực phẩm nhiều natri hay ít natri hơn, nhằm góp phần cải thiện chất lượng dinh dưỡng chung của chế độ ăn. Thực hiện mục tiêu giảm tiêu thụ natri tại Việt Nam và toàn cầu.
Khuyến nghị hàm lượng natri dùng để khuyến nghị các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm xem xét áp dụng để sản xuất các thực phẩm giảm natri.
Qua đó, nhằm cung cấp đến người dân các sản phẩm thực phẩm tốt hơn cho sức khỏe, và để tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn, sử dụng các thực phẩm giảm natri, góp phần nâng cao sức khỏe, phòng, chống các bệnh không lây nhiễm.
Dựa trên Khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới và kết quả rà soát, khuyến nghị hàm lượng natri tối đa trên 100g thực phẩm, đối với 11 nhóm thực phẩm chính, và 46 tiểu nhóm thực phẩm, phù hợp với danh mục quản lý tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP, và các sản phẩm có tại thị trường Việt Nam.
Đơn cử, với nhóm thực phẩm là bánh ngọt, bánh quy và các loại bánh khác, ngưỡng natri được khuyến nghị tối đa là 300mg/100g; đồ ăn nhẹ vị mặn tối đa 600mg/100g; ngũ cốc ăn sáng tối đa 100mg; phô mai tối đa 720mg; thực phẩm chế biến sẵn, tiện lợi và món ăn tổng hợp tối đa 1.200 mg; bơ và các loại dầu, mỡ khác tối đa 400mg; bánh mì, các sản phẩm từ bánh mì và bánh mì giòn tối đa 330mg…