Kiên định mục tiêu về một Việt Nam tự cường
"Chúng ta không chỉ quan tâm đến tốc độ tăng trưởng kinh tế mà còn ý thức rất rõ yêu cầu nâng cao chất lượng tăng trưởng, chú trọng phát triển bền vững"
Lần đầu tiên, tư duy nhiệm kỳ được trút bỏ khi cả guồng máy hối hả chạy trên chặng đua hướng tới 100 năm Ngày thành lập nước (2/9/2045). Năm 2019, bắt đầu với một khí thế như vậy 26 năm phía trước, bỗng chốc như đã là ngày mai, không còn thời gian nếu còn chậm trễ...
Khi chèo chống đưa nền kinh tế trong 3 năm qua liên tiếp đạt được những kỳ tích, với kết quả tăng trưởng tốt hơn mọi dự báo, thì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn thường thấy rằng, "Một đất nước có thu nhập bình quân đầu người còn thấp như chúng ta thì có gì quá phấn khởi, mà còn là nỗi buồn bực của người làm lãnh đạo. Phải phát triển kinh tế tốt hơn nữa để cải thiện hơn nữa thu nhập cho người dân".
Vào thời khắc khởi động cho chặng đua hướng tới 100 năm ngày thành lập nước, người đứng đầu Chính phủ nhìn lại gần 75 năm sau ngày độc lập, gần 45 năm sau thống nhất và hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước đã đạt được nhiều thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và ghi nhận như một hình mẫu của nền kinh tế chuyển đổi có nhiều thành công trong phát triển và giảm nghèo.
Ông dẫn lại một báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB) có tên "Bước tiến mới: Giảm nghèo và thịnh vượng chung ở Việt Nam" ghi nhận trong ba thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được những kết quả to lớn trong việc giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho hàng chục triệu người.
Theo Thủ tướng, mặc dù có những giai đoạn thăng trầm như bất kỳ quốc gia nào khác, song về tổng thể, so với mặt bằng chung của thế giới, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong ba thập niên kể từ khi đổi mới là rất ấn tượng. Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1986- 2017 đạt 6,63%/năm. 20 năm gần nhất tăng bình quân 6,3%/năm, 10 năm gần nhất tăng 6%/năm, riêng năm 2017 tăng 6,81%, năm 2018 tăng 7,08%. Việt Nam đã chuyển từ nhóm thu nhập thấp sang thu nhập trung bình, tỷ lệ nghèo giảm từ mức trên 60% xuống còn khoảng 7%, và quy mô nền kinh tế hiện đứng thứ 44 thế giới theo GDP danh nghĩa và thứ 34 khi tính theo sức mua tương đương quốc tế.
Quy mô nền kinh tế tăng gấp hơn 17,4 lần, từ 14 tỷ USD năm 1985 lên ước đạt 244 tỷ USD năm 2018. Thu nhập bình quân đầu người năm 1985 chỉ đạt 230 USD nay đã tăng lên gần 2.540 USD (tính theo sức mua tương đương là gần 7.640 USD). Khoảng cách thu nhập giữa Việt Nam và các nước đã thu hẹp đáng kể. Nếu như vào đầu thập niên 90, thu nhập đầu người của Singapore cao hơn 125 lần so với Việt Nam, thì nay chỉ còn 24 lần; Thái Lan từ gấp 16 lần Việt Nam nay chỉ còn 2,5 lần; Nhật Bản từ 267 lần thì nay còn khoảng 16 lần; Hoa Kỳ từ 252 lần xuống còn 25 lần; các nước OECD từ 184 lần xuống còn 16 lần...
"Chúng ta không chỉ quan tâm đến tốc độ tăng trưởng kinh tế mà còn ý thức rất rõ yêu cầu nâng cao chất lượng tăng trưởng, chú trọng phát triển bền vững", Thủ tướng khẳng định, "Thực hiện nghị quyết của Trung ương, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao hiệu quả đầu tư, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo các quyền con người, quyền tài sản và quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, chăm lo đời sống văn hóa - tinh thần, cải thiện phúc lợi, tạo cơ hội học hành, tiếp cận y tế cho nhân dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số; thực hiện chính sách phát triển tam nông; đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân trong các hoạt động của đời sống kinh tế và xã hội; củng cố năng lực quốc phòng, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, sẵn sàng ứng phó và không để bị bất ngờ trong mọi tình huống hay trước bất kỳ các thách thức và mối đe dọa nào có thể xảy đến".
Để bảo vệ các thành quả đã có và đạt được trọn vẹn những mục tiêu phát triển mà người đứng đầu Chính phủ trăn trở, "Đây là cả một chặng đường đầy khó khăn, đòi hỏi chúng ta phải không ngừng đổi mới, cải cách, luôn kiên định với lý tưởng, phải nỗ lực, quyết tâm trong nhiều giai đoạn, không chỉ trong nhiệm kỳ này mà cả những nhiệm kỳ kế tiếp". Ông có niềm tin rằng, "Chắc chắn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, chúng ta sẽ tận dụng tốt các cơ hội, luôn chung sức, đồng lòng, kiên định niềm tin vào lý tưởng và mục tiêu về một nước Việt Nam độc lập, tự cường, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Làm tốt hơn nữa công tác cán bộ
Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 nêu rõ, dân tộc nào cũng có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Vì vậy, Hồ Chí Minh, Đảng và Chính phủ lâm thời khi quyết định đặt tên nhà nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đồng thời cũng xác định mục tiêu là ĐỘC LẬP - TỰ DO - HẠNH PHÚC.
Độc lập, tự do, hạnh phúc là vấn đề chiến lược lâu dài và là sự thống nhất trong bản chất của nhà nước cách mạng. Bản chất của nhà nước cách mạng là nhà nước không phải là tổ chức để cai trị dân mà là cơ quan để phục vụ nhân dân, cán bộ của Nhà nước là công bộc của dân.
Hai lần tới dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị Chính phủ và địa phương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đều bày tỏ trăn trở về việc phải làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí những cán bộ thật sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết, thật sự vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy nhà nước.
Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, ưu ái tuyển dụng người thân không đủ tiêu chuẩn. Phát huy dân chủ, nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ; nâng cao đạo đức, văn hoá, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức. Đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đặc biệt là xây dựng Chính phủ, chính quyền các cấp thật sự trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Còn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, "Hành trình của dân tộc ta còn rất dài, với rất nhiều thách thức phía trước và hơn thế nữa nội hàm giá trị cốt lõi và định hướng xuyên suốt của chúng ta trong mọi hành trình, chặng đường phát triển là không để một người dân nào bị bỏ lại phía sau, từ thành thị tới nông thôn, từ miền ngược đến miền xuôi, biên giới, hải đảo".
Ông cũng thấy là, "Niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và quyết tâm của tất cả chúng ta trong việc giải quyết những vấn đề lớn của đất nước, từ công cuộc chống tham nhũng đến vấn đề bảo vệ môi trường, nông nghiệp, nông dân, nông thôn, miền núi, dân tộc... chưa bao giờ lớn và sâu sắc như lúc này. Đến những vùng khó khăn, xa xôi, chúng tôi thấy được ánh mắt, nụ cười của niềm tin của người dân, của người lãnh đạo và các loại hình doanh nghiệp".
Chấm dứt thời kỳ "nghĩ ngắn, ăn đong"
Chính phủ bắt đầu nhiệm kỳ mới vào năm 2016, với lần đầu tiên các kế hoạch về đầu tư công trung hạn, ngân sách nhà nước (NSNN) cho cả giai đoạn 5 năm được trình ra Quốc hội, chấm dứt thời kỳ "nghĩ ngắn, ăn đong", "làm đến đâu biết đến đó", chuyển sang thời kỳ, nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, "Nghĩ xa, nhìn tổng thể, hành động nhanh, làm việc lớn bắt đầu từ việc nhỏ".
Khi có tầm nhìn xa hơn, như với kế hoạch đầu tư công trung hạn cho giai đoạn 2016- 2020, đã đưa kỷ luật, kỷ cương tài chính về đầu tư công đi vào nền nếp, mặc dù giải ngân còn khó khăn nhưng cũng thể hiện sự thận trọng hơn, chặt chẽ hơn trong quản lý đầu tư công. Hiệu quả đầu tư của toàn bộ nền kinh tế nói chung và đầu tư công nói riêng đã được cải thiện một bước, bước đầu khắc phục được tình trạng quyết định chủ trương và quyết định đầu tư chưa phù hợp, thậm chí tùy tiện, không căn cứ vào khả năng cân đối vốn, giảm được nợ đọng xây dựng cơ bản, quản lý chặt chẽ vốn ứng trước và khắc phục được tình trạng phân bổ hàng năm. Cơ cấu chi ngân sách cho đầu tư phát triển có bước chuyển dịch tích cực, tỷ trọng chi đầu tư phát triển từ ngân sách các năm 2016 - 2018 tăng lên mức 26 - 27%, vượt mục tiêu đặt ra là 25 - 26%.
Cơ cấu đầu tư giữa các ngành, lĩnh vực được điều chỉnh phù hợp hơn. Hiệu quả vốn đầu tư toàn xã hội bước đầu tăng lên, hệ số ICOR giảm từ 6,36 của giai đoạn 2011 - 2014 xuống còn 6,11 trong giai đoạn 2015 - 2017. Xét trên tổng thể, việc phân vốn đầu tư công về cơ bản đã tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí, định mức và thực hiện theo từng thứ tự ưu tiên trong phân bổ vốn NSNN giai đoạn 2016 - 2020, góp phần khắc phục dần tình trạng không cân đối được nguồn vốn, bị động, đầu tư cắt khúc như trước đây.
Với kế hoạch trung hạn cho ngân sách nhà nước, kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, điều hành NSNN cũng được siết chặt; hạn chế việc tùy tiện điều chỉnh dự toán, từng bước gắn kết giữa chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng từng bước được chú trọng và tăng cường hơn.
Bước đầu tạo tính chủ động cho các bộ, ngành trong việc dự báo khả năng thu ngân sách và nhu cầu chi tiêu để thực hiện các nhiệm vụ của bộ, ngành được giao. Đặc biệt, khi thực hiện một tầm nhìn dài cho 5 năm, thì trong 3 năm qua ghi nhận sự diễn biến rất tích của bội chi. Bội chi năm 2016 là 5,12% GDP xuống còn 3,48% GDP của năm 2017, và 3,67% GDP của năm 2018, dự kiến năm 2019 là 3,6% GDP và 2020 là 3,4% GDP.
Mục tiêu bình quân 5 năm bội chi 3,9% GDP là trong tầm tay. Cơ cấu chi ngân sách nhà nước có chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư trong tổng chi ngân sách nhà nước. Năm 2019, xác định tỷ trọng chi thường xuyên là 63,8%, thấp hơn năm 2018 là 64,1%, tỷ trọng chi đầu tư phát triển là 26,3%, cao hơn năm 2018 (26,2%) bảo đảm mục tiêu cơ cấu chi đầu tư - chi thường xuyên theo Nghị quyết của Quốc hội.