15:43 12/10/2023

Kiến nghị giảm tuổi nghỉ hưu cho nhóm lao động trực tiếp

Phúc Minh

Công đoàn Hà Nội kiến nghị phân loại nhóm lao động trực tiếp và một số khu vực sản xuất để họ được nghỉ hưu sớm hơn so với tuổi quy định. Tuổi nghỉ hưu hiện đang tăng theo lộ trình đến khi đủ 60 tuổi với nữ, 62 với nam…

Ảnh minh họa - N.Dương.
Ảnh minh họa - N.Dương.

Ông Tạ Văn Dưỡng, Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội, cho biết qua ghi nhận ý kiến của người lao động liên quan đến dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) thì công nhân lao động sản xuất trực tiếp ở các doanh nghiệp mong muốn được giảm tuổi nghỉ hưu so với quy định hiện hành.

CÔNG NHÂN TRỰC TIẾP KHÓ LÀM VIỆC ĐẾN TUỔI NGHỈ HƯU

Hiện Bộ luật Lao động năm 2019 quy định việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi, và thêm 4 tháng đối với lao động nữ đến khi đủ 60 tuổi.

Tuy nhiên, từ thực tế cơ sở, ông Tạ Văn Dưỡng cho rằng đa phần công nhân trực tiếp thường khó làm việc đến khi đủ tuổi nghỉ hưu, thậm chí chỉ cần đến độ tuổi 45, nhiều người lao động gặp khó khăn khi phải làm việc với cường độ lớn, cần độ chính xác cao trong các dây chuyền sản xuất công nghiệp.

“Lúc này sức khỏe, độ nhanh nhẹn của người lao động đều giảm, rất khó để đáp ứng yêu cầu”, ông Dưỡng nói. Thêm rằng ngay cả một số doanh nghiệp cũng mong muốn cho người lao động được nghỉ hưu sớm, bởi những lao động lớn tuổi khi làm việc trong các dây chuyền có thể không theo kịp tiến độ, năng suất không được đáp ứng, trong khi đó, thu nhập, tiền lương của họ thường cao hơn nhóm lao động trẻ.

Theo ông Dưỡng, lao động lớn tuổi cũng thường là đối tượng mà các doanh nghiệp “nhắm” đến đầu tiên khi quyết định cắt giảm lao động, thậm chí có thể coi đây là “luật bất thành văn”. Thực tế đã có trường hợp doanh nghiệp muốn sa thải những lao động trên 35 tuổi để tuyển dụng những lao động trẻ vào dây chuyền sản xuất.

“Quy định về cắt giảm lao động hiện nay khá đơn giản, chỉ cần một đề án sắp xếp lại sản xuất là doanh nghiệp có thể cắt giảm hàng nghìn công nhân và nhóm đầu tiên họ nhắm đến luôn là lao động lớn tuổi”, ông Dưỡng nêu thực tế.

Đại diện Công đoàn Hà Nội cho rằng đây rất có thể là kẽ hở để một số doanh nghiệp “lách luật”, vì vậy, khi doanh nghiệp có thông báo cắt giảm lao động, cần xem xét nắm tình hình cụ thể, ngoài các yếu tố do khó khăn chung, suy thoái dẫn đến thiếu đơn hàng.

“Đây là nội dung cần quan tâm trong vấn đề quản lý nhà nước để các doanh nghiệp không lợi dụng quy định về cắt giảm lao động, đơn phương chấm dứt hợp đồng nhằm sa thải lao động lớn tuổi khi họ không đáp ứng được yêu cầu và năng suất lao động của doanh nghiệp”, ông Dưỡng nêu quan điểm.

Ngoài đề xuất nên phân loại nhóm lao động trực tiếp và một số khu vực sản xuất được nghỉ hưu sớm, công đoàn Hà Nội cũng kiến nghị xem xét đưa giáo viên mầm non vào nhóm nghề nặng nhọc, độc hại để họ được hưởng chính sách nghỉ hưu sớm 5 năm so với quy định hiện hành.

Riêng với nhóm lao động trực tiếp, ông Dưỡng cho rằng tuổi nghỉ hưu tăng cũng phần nào ảnh hưởng đến quyết định rút bảo hiểm xã hội một lần. Bởi sau khi chấm dứt hợp đồng lao động mà chưa đủ tuổi nghỉ hưu, nếu trong một thời gian không có việc làm và không tham gia tiếp bảo hiểm xã hội thì người lao động thường lựa chọn rút bảo hiểm xã hội một lần.

LINH HOẠT TUỔI NGHỈ HƯU THEO NHÓM NGÀNH NGHỀ

Từ thực tế như trên, đại diện Công đoàn Hà Nội cho rằng quy định tuổi nghỉ hưu nên linh hoạt theo nhóm ngành nghề. Chẳng hạn, với nhiều trường hợp đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội, nhưng chưa đủ tuổi có thể linh hoạt cho nghỉ trước hay không?

Công nhân làm việc trong nhà máy may. Ảnh - N.Dương.
Công nhân làm việc trong nhà máy may. Ảnh - N.Dương.

“Chính sách cần linh hoạt, tăng quyền lợi để thu hút người lao động tự nguyện tham gia, từ đó giảm việc rút bảo hiểm một lần. Còn bằng các biện pháp “cứng”, mệnh lệnh hành chính thì có thể rất khó thực hiện. Sửa luật sắp tới cũng phải tính đến những câu chuyện này, tránh vấn đề bức xúc xã hội”, Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội, nêu quan điểm.

Thực tế, kiến nghị giảm tuổi nghỉ hưu với nhóm lao động trực tiếp đã được đề cập nhiều lần, nhất là vào mỗi lần sửa đổi chính sách liên quan đến lao động, bảo hiểm xã hội. Hồi tháng 5, khi góp ý vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), các hiệp hội doanh nghiệp đề xuất cho lao động nam được về hưu sớm ở 60 tuổi, nữ 55.

Theo các hiệp hội doanh nghiệp, lao động trong các nhà máy chủ yếu làm việc chân tay, nhiều trường hợp tham gia bảo hiểm xã hội từ rất sớm nên có thời gian và mức đóng bảo hiểm xã hội cao. Khi đến 55 - 60 tuổi thì sức khỏe họ cũng đã giảm sút, không đảm bảo được yêu cầu công việc, có nguy cơ mất việc, song lại chưa đủ tuổi nghỉ hưu theo luật định.

Mới đây, cử tri một số địa phương cũng đã gửi kiến nghị đến Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét giảm tuổi nghỉ hưu cho các công nhân lao động trực tiếp tại các khu công nghiệp, làm các công việc nặng nhọc, độc hại, giáo viên mầm non..., nhằm hạn chế việc rút bảo hiểm xã hội mội lần.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, vấn đề tuổi nghỉ hưu đã được thảo luận, thống nhất thông qua tại Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và cân nhắc kỹ lưỡng khi xây dựng Bộ luật Lao động năm 2019. Ngoài ra, việc tăng tuổi nghỉ hưu cũng đã xem xét tính đến các yếu tố về tính chất, loại hình lao động và sức khỏe của người lao động, tùy trường hợp mà có thể nghỉ hưu sớm hơn tối đa 5 - 10 tuổi so với người lao động làm việc trong điều kiện bình thường.

Vì vậy, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, rà soát để sửa đổi, bổ sung danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, trong đó có việc làm cơ sở xét điều kiện về tuổi hưởng lương hưu của người lao động.