10:40 04/10/2023

Sẽ tăng tuổi nghỉ hưu với người làm việc trong điều kiện lao động bình thường

Nhật Dương

Theo lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, năm 2024 tới, lao động nam sẽ nghỉ hưu ở tuổi 61 và nữ ở 56 tuổi 4 tháng, tuổi nghỉ hưu này chỉ áp dụng với người làm việc trong điều kiện lao động bình thường, một số trường hợp khác vẫn được nghỉ hưu ở tuối thấp hơn không quá 5 năm...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong năm 2024 tới đây, tuổi nghỉ hưu của người lao động sẽ có sự thay đổi, đây cũng là một trong những yếu tố để tính điều kiện hưởng lương hưu của người lao động.

TIẾP TỤC TĂNG TUỔI NGHỈ HƯU

Bộ luật Lao động 2019 đã quy định, kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam, và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028, và cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.

Như vậy, theo lộ trình này, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường năm 2024 đối với lao động nam là 61 tuổi, lao động nữ là 56 tuổi 4 tháng.

Bảng tính tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc trong điều kiện bình thường từ năm 2024 trở đi.
Bảng tính tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc trong điều kiện bình thường từ năm 2024 trở đi.

Bên cạnh đó, căn cứ Nghị định 135/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu, thì người lao động thuộc các trường hợp dưới đây có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn, nhưng không quá 5 tuổi tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Cụ thể, người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.

Người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1/1/2021. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

Người lao động có tổng thời gian làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành, và thời gian làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1/1/2021 từ đủ 15 năm trở lên.

Theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động năm 2024 nếu được về hưu sớm tối đa 5 năm đối với nam sẽ là 56 tuổi, nữ 51 tuổi 4 tháng.

ĐIỀU KIỆN HƯỞNG LƯƠNG HƯU

Để được hưởng lương hưu trong năm 2024 (áp dụng cho người làm việc trong điều kiện lao động bình thường), căn cứ theo quy định tại Điều 54, Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động cần đáp ứng đủ 2 điều kiện sau: Khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên; đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định, đối với lao động nam là từ đủ 61 tuổi, lao động nữ là từ đủ 56 tuổi 4 tháng.

Chi trả lương hưu cho người hưởng. Ảnh - BHXH Việt Nam.
Chi trả lương hưu cho người hưởng. Ảnh - BHXH Việt Nam.

Mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Trong đó, tỷ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nam nghỉ hưu, cứ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội. Đối với lao động nữ nghỉ hưu, cứ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội, người lao động được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Để có tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa là 75% thì lao động nữ nghỉ hưu năm 2024 phải đóng đủ 30 năm bảo hiểm xã hội trở lên, còn lao động nam phải đóng đủ 35 năm bảo hiểm xã hội trở lên.

Điều kiện về tuổi hưởng lương hưu đối với một số trường hợp đặc biệt sẽ do Chính phủ quy định.

Liên quan đến điều kiện hưởng lương hưu, tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Chính phủ thống nhất đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm. Quy định này nhằm tạo điều kiện, thu hút nhóm người lao động cao tuổi, từ 45 tuổi đến 55 tuổi, thậm chí kể cả đối với một số nhóm đối tượng đã hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần có thể tham gia, hoặc quay lại tham gia bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu.

Ban soạn thảo dự án Luật cho rằng, trong trường hợp khi hưởng mức lương hưu tương ứng với thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu sẽ khiêm tốn hơn những người có thời gian đóng dài và đầy đủ, nhưng với mức lương hưu hàng tháng ổn định, định kỳ được Nhà nước điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng; được đóng bảo hiểm y tế, khi mất thì có chế độ tiền tuất thì sẽ góp phần bảo đảm tốt hơn cuộc sống khi về già của người lao động.

Đánh giá chính sách giảm năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu xuống 15 năm là rất tốt, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho rằng, việc sửa đổi này sẽ giúp nhiều người tham gia bảo hiểm xã hội muộn, hoặc có quá trình đóng không liên tục có thể được hưởng mức lương hưu tối thiểu.

Với những lo ngại về mức lương hưu thấp, ông Huân nhìn nhận việc giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm xuống 15 năm thì mức hưởng thấp là do phụ thuộc quan hệ đóng – hưởng, tức là đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít.

“Nếu mức lương hưu thấp thì không có ý nghĩa nhiều. Do đó, sau này một bộ phận nhỏ những người có lương hưu thấp, chúng ta cần có chính sách hỗ trợ tăng lương được lấy từ nguồn Quỹ bảo hiểm xã hội để giúp họ bảo đảm cuộc sống khi về già”, nguyên Thứ trưởng Phạm Minh Huân chia sẻ.