Kiến nghị không cho phép bán thuốc lá tại nhà hàng, khách sạn
90% cán bộ lãnh đạo hiểu biết về tác hại của thuốc lá nhưng bản thân còn nhiều người hút
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị uỷ ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo, xem xét việc không cấp giấy phép bán lẻ thuốc lá tại các địa điểm cấm hút thuốc như khách sạn, nhà hàng…
Nội dung này được nêu tại báo cáo hoạt động và quản lý quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá, vừa được Bộ trưởng Tiến gửi đến Quốc hội.
Theo báo cáo, sau gần 4 năm thực hiện Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá thì 90% cán bộ lãnh đạo hiểu biết về tác hại của thuốc lá, 80% lãnh đạo bộ, ngành và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc hiểu biết về quy định của luật. 75% cán bộ, nhân viên cơ quan bộ, ngành và đơn vị trực thuộc biết về các quy định cấm hút thuốc lá nơi làm việc.
Một cuộc điều tra tiến hành năm 2016 về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành (GATS)”cho thấy việc thực thi luật bước đầu đã có hiệu quả. Tỷ lệ nam giới hút thuốc giảm 2,1% (từ 47,4% xuống 45,3%), tỷ lệ nữ giới hút thuốc giảm 0,3% (từ 1,4% xuống 1,1%). Tỷ lệ hút thuốc chung ở khu vực thành thị giảm 2,7% (từ 23,3% xuống 20,6%). Trong đó, tỷ lệ này ở nam giới giảm 5% (từ 47,7% xuống 42,7%).
Từ năm 2015 đến nay, tiền phạt vi phạm về phòng chống tác hại của thuốc lá là 430 triệu đồng.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng dù đã giảm nhưng tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới trưởng thành của Việt Nam vẫn ở mức cao (45,3%).
Tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc còn cao tại một số địa điểm công cộng như: nhà hàng, quán bar... Tình trạng vi phạm quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng vẫn diễn ra khá nhiều.
Một hạn chế trong thi hành luật là khả năng tiếp cận với các sản phẩm thuốc lá còn rất dễ dàng, thuốc lá được bày bán khắp nơi, giá thuốc lá rẻ.
Nguyên nhân chủ quan được báo cáo nêu là lãnh đạo của một số cơ quan đơn vị còn chưa quan tâm chỉ đạo thực hiện quy định của luật, bản thân lãnh đạo còn nhiều người hút thuốc lá. Việc chấp hành trách nhiệm của người đứng đầu các địa điểm cấm hút thuốc được quy định trong luật còn chưa nghiêm.
Đáng chú ý, thuế thuốc lá của Việt Nam còn rất thấp. Theo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, hiện nay, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá của Việt Nam là 70% giá xuất xưởng. Bộ trưởng Tiến nhấn mạnh rằng, nếu tính trên giá bán lẻ mức thuế này chỉ chiếm 42%. Việt Nam là nước có mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá gần như thấp nhất trong khu vực ASEAN (chỉ cao hơn Campuchia) và rất thấp so với các nước phát triển.
Trong khi đó theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, để giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm thuốc lá cần phải ở mức 60% đến 80% giá bán lẻ thuốc lá. Thuế thuốc lá thấp làm giá thuốc lá rẻ. Theo tính toán thì giá trung bình của một bao thuốc lá hai mươi điếu có xu hướng giảm (12.700 đồng Việt Nam/bao năm 2010 và 11.819 đồng Việt Nam/bao năm 2015 sau khi đã hiệu chỉnh lạm phát). Giá thuốc lá rẻ làm tăng khả năng tiếp cận và mua thuốc lá của thanh thiếu niên và người nghèo, giảm hiệu quả của công tác phòng chống tác hại của thuốc lá.
Bộ trưởng cũng cho biết, tình trạng vi phạm việc trưng bày các sản phẩm thuốc lá và quảng cáo tiếp thị các sản phẩm thuốc lá tại điểm bán còn xảy ra phổ biến. Các doanh nghiệp sử dụng lực lượng nhân viên tiếp thị trực tiếp các sản phẩm thuốc lá tới người tiêu dùng tại các quán ăn, nhà hàng vẫn phổ biến, đặc biệt là tại các tỉnh, thành phố lớn với nhiều thủ đoạn tinh vi và các cơ quan chức năng chưa thực sự quan tâm để ngăn ngừa tình trạng này.
Về quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá, theo đánh giá của Bộ trưởng thì tiến độ triển khai hoạt động chậm và tỷ lệ thanh quyết toán thấp. Theo kế hoạch, giai đoạn 2017 - 2018, quỹ hỗ trợ 63 tỉnh, thành phố; 4 thành phố du lịch; 29 bộ, ngành trung ương, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và 10 bệnh viện để triển khai các hoạt động về phòng chống tác hại của thuốc lá.
Phần kiến nghị, Bộ trưởng Tiến đề nghị Quốc hội chỉ đạo việc đánh giá tác động của việc tăng thuế thuốc lá hiện nay đến tiêu dùng các sản phẩm thuốc lá và cần có lộ trình tiếp tục tăng thuế đến mức có thể giúp giảm tỷ lệ hút thuốc, góp phần đạt mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc, đồng thời cũng giúp tăng nguồn thu đáng kể cho ngân sách.
Với chính quyền địa phương, kiến nghị của Bộ trưởng là chỉ đạo các sở, ban, ngành xem xét việc không cấp giấy phép bán lẻ thuốc lá tại các địa điểm cấm hút thuốc lá theo đúng quy định tại khoản 2, điều 25 Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá (như cấp phép bán lẻ thuốc lá tại các khách sạn, nhà hàng…).