23:24 02/07/2024

Kiến nghị tăng thu, giảm chi ngân sách Nhà nước 21.346 tỷ đồng

Phan Nam

Từ kết quả kiểm toán năm 2023, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị tăng thu, giảm chi ngân sách Nhà nước 21.346,33 tỷ đồng, kiến nghị khác 28.595,09 tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hoặc hủy bỏ một số nội dung không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn của 198 văn bản….

Toàn cảnh họp báo của Kiểm toán Nhà nước
Toàn cảnh họp báo của Kiểm toán Nhà nước

Chiều 02/7, Kiểm toán nhà nước đã tổ chức họp báo công bố công khai báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2023 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước năm 2022.

SỐ TIỀN PHẢI NỘP NGÂN SÁCH TĂNG THÊM GẦN 4.000 TỶ ĐỒNG

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung chia sẻ: trong năm 2023, Kiểm toán nhà nước đã tổ chức thực hiện kiểm toán thành công 135 nhiệm vụ với 174 Đoàn kiểm toán và phát hành 248 Báo cáo kiểm toán.

Trong đó, thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách tại 25 bộ, cơ quan trung ương và 52 địa phương; Thực hiện 33 nhiệm vụ kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động, chiếm 26% tổng số nhiệm vụ kiểm toán theo đúng lộ trình thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030; với một số cuộc kiểm toán trọng tâm, có phạm vi kiểm toán nhiều bộ ngành và địa phương.

Báo cáo cụ thể về kết quả kiểm toán, ông Vũ Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Kiểm toán nhà nước, cho biết: trong công tác thu ngân sách Nhà nước, tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu các loại thuế, phí lệ phí, các khoản thu khác… vẫn diễn ra tại các đơn vị được kiểm toán. Kiểm toán nhà nước xác định số phải nộp ngân sách Nhà nước tăng thêm 3.841 tỷ đồng.

Công tác quản lý thu của cơ quan thuế cũng còn hạn chế.  Một số cơ quan thuế xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế chưa đầy đủ; chưa kiểm tra đầy đủ các loại hồ sơ khai thuế đối với người nộp thuế lựa chọn kiểm tra tại cơ quan thuế theo quy định...

Trong quản lý tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, vẫn tồn tại tình trạng đơn vị sử dụng đất nhưng chưa có quyết định thuê đất hoặc hợp đồng thuê đất; chưa thực hiện cho thuê đất đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính; còn trường hợp cho thuê đất để thực hiện các dự án đã hết thời hạn thuê đất nhưng chưa lập thủ tục để trình UBND tỉnh cho phép gia hạn sử dụng đất hoặc thu hồi đất theo quy định; chưa điều chỉnh hoặc chậm điều chỉnh đơn giá thuê đất khi hết thời kỳ ổn định đơn giá thuê đất; chậm chuyển thông tin xác định nghĩa vụ tài chính sang cơ quan thuế; xác định giá đất hoặc vị trí thửa đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa phù hợp với quy định...

Còn nhiều trường hợp khai thác khoáng sản nhưng chưa có hợp đồng thuê đất hoặc quyết định cho thuê đất; chưa thu đầy đủ và tính chưa chính xác phí bảo vệ môi trường.

HƠN 166.213 TỶ ĐỒNG TIỀN NỢ THUẾ

Theo tính toán của Kiểm toán nhà nước, tổng nợ thuế do cơ quan thuế quản lý (chưa bao gồm nợ dầu thô và nợ ngoài ngành thuế) đến 31/12/2022 là 158.914,7 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2021. Một số địa phương không đạt chỉ tiêu thu nợ do Tổng cục Thuế giao. Tại nhiều địa phương, cơ quan thuế áp dụng biện pháp cưỡng chế nợ thuế chưa đầy đủ, kịp thời đối với người nộp thuế; phân loại nợ chưa đúng quy định...

Tổng nợ thuế do cơ quan hải quan quản lý đến 31/12/2022 là 7.298,7 tỷ đồng, tăng 3,8% so với năm 2021; còn một số Cục Hải quan không đạt chỉ tiêu thu nợ do Tổng cục Hải quan giao…

 

Chi chuyển nguồn có xu hướng tăng cao:

Nếu không tính chuyển nguồn nguồn cải cách tiền lương, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thì chuyển nguồn năm 2022 sang năm 2023 là 426.952 tỷ đồng, tăng 55.917 tỷ đồng so năm 2021. Kết quả kiểm toán tại một số địa phương cho thấy chuyển nguồn kinh phí không phù hợp quy định 11.785,98 tỷ đồng; một số địa phương chuyển thiếu 12.665,25 tỷ đồng nguồn cải cách tiền lương năm 2022 sang 2023; một số địa phương thực hiện chi chuyển nguồn chưa đủ thủ tục.

Nguồn: Kiểm toán Nhà nước

Về công tác khoanh, xóa nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14, báo cáo của Kiểm toán nhà nước cho biết lũy kế từ khi thực hiện Nghị quyết đến 30/6/2023, đã khoanh nợ 704.614 người nộp thuế với số tiền 28.398,2 tỷ đồng; xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp cho 390.074 người nộp thuế, số tiền 8.773,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, còn tình trạng khoanh, xóa chưa phù hợp. Do đó, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị cơ quan thuế, hải quan rà soát việc khoanh, xóa nợ thuế để xử lý theo quy định.

Về chi ngân sách Nhà nước, đại diện Kiểm toán nhà nước thông tin: kết quả kiểm toán công tác lập, thẩm định, phân bổ vốn đầu tư dự án còn hạn chế; Có 44 dự án nguồn ngân sách Trung ương được kéo dài thời gian giải ngân, thanh toán từ năm 2021 sang năm 2022 nhưng không giải ngân hết trong năm 2022, phải hủy bỏ với số tiền 348,7 tỷ đồng và tiếp tục được bố trí Kế hoạch vốn năm 2022 nhưng vẫn không giải ngân được, phải kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023 là 611 tỷ đồng, hoặc hủy bỏ 1.418 tỷ đồng, bằng 80% Kế hoạch vốn giao năm 2022.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư tại một số bộ, cơ quan trung ương thấp dưới 50% kế hoạch vốn được giao; tỷ lệ giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi chỉ đạt 47%. Ngoài ra, theo báo cáo của Bộ Tài chính, khoản giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi trước năm 2019 chưa được ghi thu, ghi chi là 4.445,534 tỷ đồng, song kết quả kiểm toán ghi nhận chênh lệch so với số báo cáo của Bộ Tài chính là 3.268,346 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, nợ đọng xây dựng cơ bản rất lớn, riêng số nợ đọng trước ngày 01/01/2015 tại các đơn vị được kiểm toán là 2.163,74 tỷ đồng. Thời gian sau lại tiếp tục phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.

Trong khi đó, vẫn còn tình trạng tạm ứng kéo dài quá thời hạn chưa thu hồi; chưa bố trí dự toán để thu hồi các khoản ứng trước từ ngân sách địa phương. Một số khoản kinh phí viện trợ đã được bộ, cơ quan trung ương tiếp nhận trong năm 2022 chưa được tổng hợp báo cáo bổ sung dự toán làm căn cứ quyết toán 4.133,283 tỷ đồng. Một số dự án được bố trí từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương nhưng thực hiện chậm, đến thời điểm ngày 31/12/2023, chưa giải ngân hết kế hoạch vốn được giao 572,6 tỷ đồng, nhưng chưa được các địa phương nộp ngân sách Nhà nước theo quy định...

ĐÃ CHUYỂN 40 VỤ VIỆC CÓ DẤU HIỆU VI PHẠM PHÁP LUẬT SANG CƠ QUAN ĐIỀU TRA

Chia sẻ thêm về kiến nghị và xử lý kiến nghị kiểm toán, lãnh đạo Kiểm toán nhà nước cho biết: Thời gian qua, Kiểm toán nhà nước đã chuyển 40 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra các cấp; 2 vụ việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý; cung cấp gần 2.000 hồ sơ, báo cáo kiểm toán cho các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các cơ quan điều tra và các cơ quan khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát. 

Trong tổng số 40 vụ việc nêu trên, đến nay, các cơ quan điều tra đã xử lý, giải quyết xong 35 vụ việc, trong đó 14 vụ việc đã khởi tố, điều tra, xử lý; 21 vụ việc có ý kiến để điều tra, giám định.

Thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán nhà nước cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán. Trong đó, Tăng thu giảm chi ngân sách Nhà nước của Kiểm toán nhà nước đối với niên độ ngân sách 2022 là 21.344,49 tỷ đồng, kiến nghị khác 28.586,29 tỷ đồng (chưa đủ thủ tục, chưa được quản lý, theo dõi, chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các khoản ngoài ngân sách...).

Đồng thời, rà soát để hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới một số nội dung không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn của 198 văn bản gồm 01 Luật; 08 Nghị định; 05 Quyết định Thủ tướng Chính phủ; 27 Thông tư và 157 văn bản khác.

 

  Nợ công giảm

"Tính đến 31/12/2022, tổng số nợ công là 3.557.668,28 tỷ đồng, giảm 1,63% so với năm 2021, bằng 37,26% so với GDP. Các chỉ tiêu nợ công năm 2022 trong giới hạn cho phép của Quốc hội. Nợ công bình quân đầu người là 35,77 triệu đồng/người ,giảm 0,94 triệu đồng/người so với năm 2021 (năm 2021 là 36,71 triệu đồng/người)".

Kiểm toán Nhà nước