Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản vào khối EAEU không đáng kể
Việt Nam bị đưa ra khỏi danh sách hưởng ưu đãi thuế quan thống nhất (GSP) của Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) không ảnh hưởng nhiều tới hoạt động xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam...
Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) là thị trường chung của 5 nước, gồm: Liên bang Nga, Belarus, Armenia, Kazakhstan và Kyrgyzstan với 183 triệu dân. Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với EAEU đã có hiệu lực thực thi từ năm 2016, với tỷ lệ gần 90% dòng thuế được cắt, giảm thuế quan nhập khẩu, được nhận định là lợi thế lớn cho Việt Nam trong việc cạnh tranh với các nước khác trên thế giới khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này.
CHỦ YẾU XUẤT KHẨU VÀO NGA
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, đến thời điểm hiện tại, trong 5 thị trường của khối EAEU, nông lâm thủy sản Việt Nam gần như chỉ mới tiếp cận được thị trường Nga, trong khi xuất khẩu vào các nước Belarus, Armenia, Kazakhstan và Kyrgyzstan vẫn chiếm con số không đáng kể.
Ngay cả với Nga, kim ngạch thương mại Việt - Nga hai chiều nông lâm thủy sản mới chỉ đạt 900 triệu USD/năm, quá nhỏ so với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hơn 70 tỷ USD của toàn ngành hàng.
Xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam sang Nga đạt 351 triệu USD vào năm 2016 và tăng lên 430 triệu USD vào năm 2020, với các loại nông sản chủ lực như cà phê, thủy sản, rau quả, điều, chè… Con số này quá khiêm tốn so với tiềm năng kinh tế và quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước Việt Nam – Nga, và giữa Việt Nam với khối EAEU.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, với thị trường EAEU, Việt Nam hầu như mới chỉ đưa được sản phẩm đồ gỗ vào Nga. Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 6 cho Nga, nhưng trị giá mới chỉ đạt 15 triệu USD trong năm 2020.
Thời gian gần đây, đã có những tín hiệu tích cực hứa hẹn cho nông sản Việt Nam mở cửa mạnh hơn nữa thị trường khối EAEU. Tháng 6/2020, dưới sự ủy quyền của các quốc gia trong Liên minh kinh tế EAEU, Cơ quan Liên bang về giám sát thú y và kiểm dịch động thực vật Nga đã cấp phép cho Vinamilk được phép xuất khẩu các sản phẩm sữa vào lãnh thổ trong khối EAEU dưới sự giám sát của Cơ quan Hải quan trong liên minh EAEU.
Nhiều năm trước, Vinamilk đã có sự tiếp cận đầu tiên và giới thiệu với người tiêu dùng tại Nga, Kazakhstan các sản phẩm nước giải khát có nguồn gốc trái cây nhiệt đới, vốn là thế mạnh của Vinamilk.
Đến thời điểm này, Vinamilk, đơn vị duy nhất và đầu tiên của Việt Nam được chính thức được cấp phép xuất khẩu sữa vào các nước trong khối này. Hiện Công ty Chế biến thực phẩm Bình Phước thuộc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam cũng đã nộp hồ sơ xin được xuất khẩu vào EAEU, đang chờ Cơ quan Kiểm dịch động thực vật của EAEU xem xét.
RA KHỎI GSP, DOANH NGHIỆP KHÔNG LO LẮNG
Việc Liên minh Kinh tế Á – Âu (EAEU) đưa Việt Nam ra khỏi danh sách hưởng ưu đãi thuế quan thống nhất (GSP), có khiến các doanh nghiệp xuất khẩu nông lâm thủy sản lo lắng?
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với EAEU, thuế suất áp dụng đối với mặt hàng thủy sản của Việt Nam vào thị trường này đã được đưa về 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực.
Trước khi có Hiệp định thương mại với EAEU, các nước Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan áp thuế suất đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam là 35%. Ưu đãi thuế quan GSP được hưởng thuế thấp từ 3-5%, tuy nhiên các doanh nghiệp phải làm thêm rất nhiều thủ tục, giấy tờ để được hưởng thuế quan GSP.
Vì vậy, từ khi thực thi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với EAEU, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan đều thực hiện xuất khẩu thuế 0% theo Hiệp định, chứ không cần cơ chế ưu đãi thuế quan GSP.
Ông Trần Lê Huy, Phó Chủ tịch Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, chia sẻ các doanh nghiệp chế biến gỗ Bình Định xuất khẩu khá mạnh đồ gỗ sang thị trường EU. Tuy nhiên, xuất khẩu đồ gỗ vào thị trường EAEU lại chiếm tỷ trọng không đáng kể.
Trái lại, các doanh nghiệp chủ yếu nhập nguyên liệu gỗ sồi nguyên liệu rừng trồng từ Nga, Belarus, Kazakhstan để phục vụ sản xuất đồ gỗ. Vì vậy, việc các doanh nghiệp không lo lắng gì khi nghe thông tin Việt Nam không còn được hưởng ưu đãi thuế quan GSP tại thị trường EAEU.
Trước đây, khi Việt Nam chưa ký Hiệp định EVFTA với EU, thì khối EU cũng cho Việt Nam hưởng quy chế thuế GSP. Nhưng khi Việt Nam ký kết các FTA thế hệ mới, thuế hầu như bằng 0% hoặc giảm xuống còn 0% trong vòng 4 năm hoặc 6 năm thì quy chế thuế GSP đối với Việt Nam ít còn ý nghĩa.
Ông Trần Lê Huy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cuc Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, hiện các yêu cầu về kiểm dịch và kiểm định của các thị trường trong khối EAEU không ổn định, thiếu minh bạch và khó đáp ứng. Quy trình, thủ tục nhập khẩu cũng tương đối phức tạp, không rõ ràng và nhất quan trong bản thân 5 nước nội khối. Việc các đối tác EAEU sử dụng chủ yếu ngôn ngữ tiếng Nga cũng gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp Việt khi tiếp cận thị trường này.
Tại cuộc họp trực tuyến với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nga vào tháng 4/2021, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã đề xuất rằng: hai bên cần tiếp tục chỉ đạo tạo điều kiện mở cửa hơn nữa cho nông sản hai nước xuất khẩu vào nhau, tiến tới công nhận lẫn nhau để giảm các rào cản và đỡ mất thời gian xét duyệt từng doanh nghiệp trong cả lĩnh vực thủy sản và chăn nuôi. Đây là cơ sở để doanh nghiệp hai nước tiếp tục thúc đẩy thương mại, tận dụng tốt nhất ưu đãi của Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (AEAU).
Tiềm năng xuất khẩu nông thủy sản Việt Nam sang thị trường EAEU nói chung và Đông Âu nói riêng, được các chuyên gia nhận định là chính cộng đồng người Việt tại đó. Các nước Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan có số lượng Việt Kiều sinh sống khá đông, họ không chỉ là thị trường tiêu thụ trực tiếp mà còn là cầu nối thúc đẩy hàng hóa hai chiều. Các doanh nghiệp nông sản Việt Nam muốn mở cửa thị trường này, nên liên kết với kiều bào ở đó làm lực lượng tiên phong kết nối hợp tác và thương mại với đối tác bản địa.