“Kinh đô” sản xuất ô tô của Trung Quốc cắt điện nhà máy vô thời hạn
Chính quyền thành phố Trùng Khánh – trung tâm sản xuất ô tô của Trung Quốc – ngày 24/8 thông báo kéo dài lệnh cắt điện tại các nhà máy trên địa bàn tới khi có thông báo mới...
Đây là động thái nhằm ứng phó với tình trạng thiếu điện nghiêm trọng tại Trùng Khánh cũng như nhiều địa phương khác trên khắp Trung Quốc.
Trước đó, thành phố này bắt đầu cắt điện tại các nhà máy từ ngày 15/8 để tiết kiệm điện và dự kiến cấp trở lại từ ngày 24/8 khi thời tiết được dự báo mát mẻ hơn. Tuy nhiên, nhiệt độ đo được vào ngày này đã lên tới 40 độ C.
Theo Nikkei Asia, việc các nhà máy ở Trùng Khánh phải ngừng sản xuất do cắt điện đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành công nghiệp ô tô nước này và có thể đe dọa tới chuỗi cung ứng toàn cầu nếu tiếp tục kéo dài.
Khác với lệnh cắt điện vô thời hạn của Trùng Khánh, tỉnh Tứ Xuyên gần đó - nơi đang trải qua hạn hán nghiêm trọng – mới đây đã gia hạn thời gian cắt điện tại các khu công nghiệp tới ngày 27/8.
“Dự báo thời tiết thường không chính xác”, một quan chức Trùng Khánh phát biểu, giải thích cho quyết định trên. "Chúng tôi không đặt thời hạn cho việc cắt điện để doanh nghiệp không kỳ vọng quá mức”.
Thời gian gần đây, việc vận chuyển hàng hóa trên sông Dương Tử - con sông dài thứ 3 trên thế giới và là tuyến đường thủy huyết mạch của Trung Quốc - bị gián đoạn nghiêm trọng do mực nước giảm. Một số công ty hậu cần cho biết giới hạn về tải trọng đang gây ra tình trạng trậm trễ trong hoạt động vận tải. Cùng với đó, một đợt lây lan dịch bệnh Covid-19 mới ở Trùng Khánh càng làm tình hình thêm phức tạp.
"Chúng tôi không biết khi nào có thể khôi phục hoạt động tại các nhà máy”, giám đốc tại một nhà sản xuất phụ tùng ô tô đặt ở Trùng Khánh chia sẻ.
Trùng Khánh là nơi có nhiều nhà máy sản xuất ô tô, bao gồm các cơ sở của Honda Motors và Isuzu Motors. Thành phố ở phía tây nam Trung Quốc này cũng là “kinh đô” của các nhà sản xuất phụ tùng ô tô và nhà máy lắp ráp máy tính do các doanh nghiệp Đài Loan vận hành.
Việc cắt điện cũng ảnh hưởng tới đời sống của người dân tại một trong những đô thị lớn nhất Trung Quốc này. Các trung tâm thương mại lớn giờ đây chỉ được phép hoạt động từ 16-21h. Dịch vụ tàu điện ngầm và tàu điện một ray cũng giảm tần suất hoạt động.
Với làn sóng bùng dịch Covid mới, chính quyền Trùng Khánh ngày 25/8 đã yêu cầu hơn 10 triệu người dân sống tại trung tâm thành phố đi xét nghiệm PCR. Những người này phàn nàn rằng họ phải đứng xếp hàng trong nhiều giờ dưới thời tiết nắng nóng để được xét nghiệm.
Khoảng 15% điện năng tiêu thụ tại Trùng Khánh được lấy từ Tứ Xuyên – nơi có nhiều đập thủy điện. Tuy nhiên, do lượng mưa giảm mạnh, thành phố này gần như không tiếp cận được nguồn cung điện từ tỉnh láng giềng.
Các nhà máy phát điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch cung cấp khoảng 70% điện năng tiêu thụ của thành phố này. Tuy nhiên, việc tăng công suất không phải điều dễ dàng do vấn đề lợi nhuận và giới hạn về khí thải ra môi trường.
Trung Quốc đang đối mặt đợt sóng nhiệt khắc nghiệt nhất 60 năm với nhiệt độ vượt 40 độ C tại nhiều thành phố. Nắng nóng gay gắt khiến nhu cầu sử dụng điều hòa nhiệt độ tại các văn phòng và nhà ở tăng vọt, gây áp lực lớn với mạng lưới điện của quốc gia này. Cùng với đó, tình trạng hạn hán cũng làm cạn kiệt nước tại các dòng sông, khiến sản lượng điện của các nhà máy thủy điện sụt giảm.
Tình trạng này diễn ra giữa lúc Trung Quốc vẫn dang chật vật xoay sở với hệ lụy của chính sách chống dịch hà khắc Zero Covid và cuộc khủng hoảng trong ngành bất động sản.
Trong một bài phát biểu vào tuần trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói rằng đây là thời điểm khó khăn nhất của tiến trình bình ổn kinh tế của quốc gia này.
Các nhà phân tích thuộc ngân hàng Nomura dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) Trung Quốc năm nay chỉ đạt 2,8%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng 5,5% mà Bắc Kinh đề ra. Trong khi đó, ngân hàng Goldman Sachs cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế nước này xuống còn 3% năm nay.