08:00 16/12/2023

Đường sắt tốc độ cao tăng tốc ở Đông Nam Á, đại biểu Quốc hội lo lắng Việt Nam chậm trễ đầu tư

Anh Tú

Hiện nhiều quốc gia trong ASEAN có trình độ phát triển tương đương hoặc thấp hơn Việt Nam xây dựng thành công đường sắt tốc độ cao. Đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại, đến năm 2030, khi Việt Nam trở thành nước công nghiệp nhưng chưa có km đường sắt cao tốc nào để kết nối liên vận quốc tế...

Bộ Giao thông vận tải đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Bộ Giao thông vận tải đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản số 14328/BGTVT-KHĐT gửi đến đại biểu Quốc hội Phạm Thúy Chinh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang trả lời chất vấn của Đại biểu về đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang cho biết nhiều nước ASEAN có trình độ phát triển tương đương hoặc thấp hơn nước ta đã xây dựng thành công đường sắt tốc độ cao 250km/h như Lào (tháng 12/2021) hay đường sắt tốc cao tốc 350km/h như Indonesia (tháng 10/2023).

Ở Việt Nam, Chính phủ đã từng trình Quốc hội khóa XII phương án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Hiện nay, Chính phủ đang chuẩn bị trình Quốc lần thứ hai về dự án này.

Tuy nhiên, đại biểu Phạm Thúy Chinh cũng như nhiều cử tri lo lắng khi thời gian còn lại của nhiệm kỳ còn rất ngắn, không biết Chính phủ có chuẩn bị kịp không. Đến năm 2030, khi Việt Nam trở thành nước công nghiệp cũng chưa có km đường sắt tốc độ cao hay cao tốc nào có khả năng kết nối với tuyến đường sắt liên vận quốc tế.

 

"Đây là thời điểm thích hợp để xem xét, quyết định đầu tư, bởi nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài đều ở trạng thái ở dưới ngưỡng Quốc hội cho phép và cũng để kích cầu đầu tư phát triển công nghiệp đường sắt".

Đại biểu Quốc hội Phạm Thúy Chinh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang.

Vì vậy, trong câu hỏi chất vấn gửi đến Tư lệnh ngành giao thông vận tải, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang đề nghị cho biết khi nào Quốc hội Khóa XV có thể thảo luận, xem xét và quyết định chủ trương đầu tư dự án này để kịp bố trí vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030.

Trả lời nội dung chất vấn của đại biểu, Bộ Giao thông vận tải cho biết theo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 , tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam có quy mô đường đôi, khổ 1.435mm với chiều dài khoảng 1.545km, lộ trình đầu tư trước năm 2030.

Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong đó, yêu cầu dự án cần nghiên cứu, phân tích, đánh giá, kết hợp tham khảo kinh nghiệm quốc tế để lựa chọn phương án đầu tư xây dựng hiện đại, có tầm nhìn dài hạn, phát huy được các lợi thế, tiềm năng của đất nước, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Triển khai Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án quan trọng quốc gia (Ban Chỉ đạo).

Ban Chỉ đạo đã họp cho ý kiến chỉ đạo về nội dung đề án. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, Bộ Giao thông vận tải đã lấy ý kiến các Ban đảng Trung ương, các ủy ban của Quốc hội và các bộ, ngành để hoàn thiện đề án và trình Thường trực Chính phủ.

Theo kế hoạch, sau khi đề án được cấp có thẩm quyền thông qua, Bộ Giao thông vận tải sẽ hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án và trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và phấn đấu khởi công xây dựng 2 đoạn ưu tiên trước năm 2030.

Mới đây, Bộ Giao thông vận tải trình Thường trực Chính phủ đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam với ba kịch bản sau, tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều giữa các bộ, ngành, chuyên gia về tính khả thi của các phương án.

Kịch bản 1, đầu tư xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/giờ, tải trọng 17 tấn mỗi trục, chỉ khai thác tàu khách.

Tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu được nâng cấp để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư kịch bản này khoảng 67,32 tỷ USD.

Kịch bản 2, xây dựng mới tuyến đường sắt Bắc - Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tốc độ thiết kế 200 - 250 km/giờ, tải trọng 22,5 tấn/trục, khai thác chung tàu khách và hàng.

Khi đó, tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu được hiện đại hóa để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư khoảng 72,02 tỷ USD.

Kịch bản 3, đầu tư tuyến đường sắt Bắc - Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/giờ, tải trọng 22,5 tấn/trục, khai thác tàu chở khách và dự phòng cho chở hàng khi có nhu cầu. Tuyến đường sắt hiện hữu nâng cấp để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư dự án 68,98 tỷ USD.

Với kịch bản này, nếu đầu tư hạ tầng, thiết bị, phương tiện để khai thác tàu hàng chạy Bắc - Nam thì vốn đầu tư dự án khoảng 71,69 tỷ USD.

Trên cơ sở phân tích, Bộ Giao thông vận tải đề xuất lựa chọn kịch bản 3 cùng một số cơ chế, chính sách đặc thù để rút ngắn tiến độ, huy động vốn đầu tư, đào tạo nhân lực.

Về cơ chế chính sách đặc thù, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, địa phương và doanh nghiệp nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách "đặc thù đặc biệt cả gói" để báo cáo Bộ Chính trị, trình Quốc hội khi thông qua chủ trương đầu tư.

Theo đó, chính sách đặc thù cần nêu bật cơ chế huy động và sử dụng các nguồn vốn; cơ chế sử dụng tiền thu từ sử dụng đất từ các địa phương; cơ chế đào tạo, sử dụng cán bộ, kỹ sư; cơ chế nội địa hóa gắn với phát triển ngành công nghiệp đường sắt; cơ chế thu hút đầu tư PPP; cơ chế hợp tác, thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ thông qua FDI; mô hình tổ chức vận hành - kinh doanh...