17:46 21/03/2010

Kinh doanh tại Mỹ, doanh nghiệp Việt nên lập công ty con

Y Nhung

Để hạn rủi ro trong kinh doanh tại thị trường Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam nên lập công ty con tại quốc gia này

Hiện các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã có chỗ đứng khá vững trên thị trường Mỹ.
Hiện các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã có chỗ đứng khá vững trên thị trường Mỹ.
Tại hội thảo “Giới thiệu luật kinh doanh và các chính sách mới của Hoa Kỳ tác động đến xuất khẩu của Việt Nam”, được tổ chức ngày 18/3, ông Trần Duy Đông, Vụ Chính sách thị trường châu Mỹ (Bộ Công Thương), cho biết mỗi năm kim ngạch nhập khẩu của Hoa Kỳ vào khoảng trên 2.100 tỷ USD.

Hiện quốc gia này đang đứng ở vị trí thứ nhất về nhập khẩu, bỏ xa quốc gia đứng vị trí thứ hai là Đức với kim ngạch nhập khẩu trên 1.200 tỷ USD/năm. Đây được đánh giá là một thị trường rất tiềm năng mà nhiều doanh nghiệp muốn thâm nhập.

Tuy vậy, khi muốn thâm nhập và thị trường tiềm năng này, việc thành lập công ty con tại đây được xem là cần thiết, vì theo quy định của pháp luật Mỹ, công ty mẹ tại Việt Nam hoàn toàn  không liên quan đến trách nhiệm trả nợ đối với công ty con nếu làm ăn thua lỗ. Đồng thời, việc thành lập công ty con cũng sẽ giúp cho các đơn vị có thể kiểm soát được hàng hóa của mình, tránh được các rủi ro khi phải thông qua nhà phân phối của Mỹ như mất thương hiệu, khó khăn khi nhận thanh toán…

Việc thành lập công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn ở Hoa Kỳ rất đơn giản. Chi phí thành lập không lớn (từ vài trăm đến hơn một nghìn USD) và các công ty này cũng không có yêu cầu về vốn điều lệ. Đối với công ty cổ phần thời gian thành lập chỉ cần một ngày, còn đối với công ty trách nhiệm hữu hạn cũng chỉ là 1-2 tháng để hoàn tất các thủ tục thành lập.

“Cộng đồng 1,3 triệu người Việt Nam đang sống và làm việc tại quốc gia này sẽ là một kênh quan trọng giúp doanh nghiệp vừa có thể tìm hiểu nhu cầu của đối tác, vừa quảng bá giới thiệu cho các sản phẩm. Điều này không những không mất nhiều chi phí mà còn giúp doanh nghiệp hạn chế được các rủi ro khi phải thông qua các nhà phân phối tại Mỹ”, ông Trần Duy Đông nhận xét.