08:53 25/09/2010

Kinh tế 24h qua: Mỹ - Âu nhẹ gánh

Vinh Nguyễn

Lạc quan trở lại với châu Âu và Mỹ, nỗi lo về kinh tế Ireland và Hy Lạp giảm bớt

Tăng trưởng kinh tế của Eurozone đang chậm lại đáng kể.
Tăng trưởng kinh tế của Eurozone đang chậm lại đáng kể.
Hôm 24/9, các thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu đã có phiên hồi phục mạnh. Niềm tin doanh nghiệp nước Đức, đơn đặt hàng tiêu dùng bền và doanh số bán nhà mới ở Mỹ... là những yếu tố đã giúp nhà đầu tư lấy lại được lạc quan về triển vọng hồi phục của kinh tế toàn cầu.

Một ngày trước, châu Âu đã một phen rúng động sau thông báo của Chính phủ Ireland cho hay, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý 2 giảm 1,2% so với quý trước đó, làm dấy lên lo ngại kinh tế Ireland sắp rơi vào một cuộc suy thoái kép. So với cùng kỳ năm ngoái, GDP của Ireland giảm tới 1,8%. Mức tăng GDP quý 1/2010 cũng được điều chỉnh xuống còn 2,2%, so với 2,7% theo thông báo trước đó.

Một trong những yếu tố chính tác động tiêu cực đến GDP quý 2 của Ireland là hoạt động xây dựng giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái, tiêu dùng cũng giảm 1,7%. Giới phân tích cảnh báo, số liệu mới nhất sẽ tiếp tục gây sức ép lên uy tín của Chính phủ Ireland, đồng thời tác động tiêu cực với các nước thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Tuy nhiên, theo ông Jose Vinals, Giám đốc bộ phận thị trường tiền tệ và thị trường vốn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), vấn đề tại Ireland sẽ không châm ngòi cho cuộc khủng hoảng nợ lần thứ 2. Theo ông, không có lý do nào để Chính phủ Ireland phải tiếp cận chương trình hỗ trợ đặc biệt được đưa ra hồi tháng 5.

“Giới chức Ireland đang tiến hành mọi biện pháp cần thiết. Họ có chiến lược tài khóa tốt và tôi nghĩ các vấn đề đang được giải quyết”, ông Vinals nhận xét. Theo ông, đợt thanh tra các ngân hàng châu Âu mới đây đã làm được điều gì đó hết sức quan trọng, đó là đưa ra sự minh bạch cần thiết.

Một kết quả điều tra khác do tổ chức nghiên cứu kinh tế Markit của Anh thực hiện cho thấy, tăng trưởng kinh tế của Eurozone đang chậm lại đáng kể, trong đó Đức dẫn đầu đà giảm này. Theo các nhà nghiên cứu Markit, sự ảm đạm hơn của kinh tế toàn cầu, đồng Euro mạnh lên, cộng thêm tình hình yếu kém của Hy Lạp và Ireland, đã ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng ở Eurozone.

Mặc dù không chỉ ra sự suy thoái kép của nền kinh tế châu Âu, nhưng nghiên cứu của Markit đã nêu bật sự mong manh của các nước trong khu vực đang phải vật lộn với khó khăn để kiểm soát tài chính công của mình.

Trong khi đó, các quan chức Hy Lạp và Liên minh châu Âu (EU) đã lên tiếng phủ nhận các thông tin trên báo chí rằng, Athens đang tìm cách kéo dài thỏa thuận cho vay cứu trợ của quốc tế tới sau năm 2012.

Phát ngôn viên Chính phủ Hy Lạp Giorgos Petalotis cho biết, hoàn toàn không có việc gia hạn một thỏa thuận mà quốc tế cho Hy Lạp vay với lãi suất ưu đãi, để chống khủng hoảng kinh tế và cũng không có việc gia hạn giai đoạn thanh toán khoản vay này.

Tại Brussels, người phát ngôn Uỷ ban châu Âu Amadeu Altafaj Tardio cũng khẳng định, không có việc thảo luận, kế hoạch hay sự chuẩn bị nào cho việc gia hạn thỏa thuận cho vay hiện nay với Hy Lạp.

Trước đó, hồi tháng 5 năm nay, Hy Lạp đã tránh được nguy cơ phá sản do khủng hoảng nợ và thâm hụt ngân sách khi nhận được các khoản vay cứu trợ trị giá 110 tỷ Euro trong 3 năm từ các nước EU và IMF.

Trong một diễn biến khác, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật trị giá 30 tỷ USD trợ giúp các doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn tài chính và thúc đẩy các chương trình cho vay liên bang đối với các doanh nghiệp này. Dự luật hiện đã được chuyển lên Tổng thống Barack Obama ký ban thành luật vào ngày 27/9 tới.

Tổng thống Obama khẳng định, khoản ngân quỹ mới sẽ giúp các ngân hàng cộng đồng tăng khoản tín dụng đối với các doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng bởi cuộc suy thoái kinh tế và khủng hoảng tài chính Phố Wall năm 2008. Theo ông, dự luật sẽ không ảnh hưởng tới thâm hụt ngân sách liên bang.

Dự luật cũng cho phép giãn nợ thuế trị giá 12 tỷ USD trong hơn một thập kỷ đối với cả doanh nghiệp lớn, nhỏ, đồng thời thúc đẩy các chương trình cho vay của Cục Doanh nghiệp nhỏ và được kỳ vọng sẽ giúp tạo ra hơn 500.000 việc làm.

Việc Quốc hội Mỹ thông qua dự luật này có ý nghĩa rất quan trọng đối với chính quyền của Tổng thống Obama, trong bối cảnh người dân Mỹ đang hoài nghi về các quyết sách kinh tế của Nhà Trắng và đảng Cộng hòa phản đối mạnh mẽ.