07:40 03/03/2011

Kinh tế 24h qua: Lạm phát và sốt vàng

Diệp Anh

Hai tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã mua vào 200 tấn vàng, góp phần đẩy giá kim loại quý này lên mức kỷ lục

Lạm phát tăng cao khiến người dân Trung Quốc đổ xô tích trữ vàng - Ảnh: Reuters.
Lạm phát tăng cao khiến người dân Trung Quốc đổ xô tích trữ vàng - Ảnh: Reuters.
Hai tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã mua vào 200 tấn vàng, góp phần đẩy giá kim loại quý này lên mức kỷ lục, ngân hàng UBS AG của Thụy Sỹ cho hay. Lạm phát tăng cao là nguyên do chính khiến người dân Trung Quốc đổ xô mua vàng tích trữ.

Tuy nhiên, UBS không đưa ra số liệu so với tình hình cùng kỳ năm 2010. Hôm qua, giá vàng thế giới khá ổn định ở mức 1.430 USD/ounce, sau khi bất thần vượt lên trên mốc này trong phiên giao dịch liền trước, lập mức cao nhất mọi thời đại.

Tháng trước, ông Vương Lực Tân, Giám đốc điều hành Hội đồng Vàng thế giới tại Trung Quốc, cho hay, nhu cầu đầu tư vàng của nước này có thể tăng 40 - 50% trong năm nay, do thiếu kênh đầu tư thay thế.

Năm 2010, nhu cầu đầu tư vàng của quốc gia châu Á này đã tăng tới 70% lên 179,9 tấn, vượt qua cả Đức và Mỹ. Nhu cầu vàng trang sức cũng đạt mức kỷ lục 400 tấn. Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Dịch Cương hôm 26/2 cho hay, năm 2010, nước này đã nhập hơn 300 tấn vàng.

Ngoài yếu tố Trung Quốc, tình hình chính trị tại Trung Đông và Bắc Phi, lạm phát len lỏi khắp thế giới và sự suy giảm giá trị của các đồng tiền cũng đều là những nguyên nhân đẩy vàng tăng giá.

Theo ông Peter Hickson, chuyên gia chiến lược của UBS, thị trường càng lo lắng về lạm phát hay bất ổn tại châu Phi, thì càng có nhiều người xem vàng là một nơi trú ẩn an toàn. Giá vàng có thể tăng lên tới 1,500 USD/ounce trong 6 tháng tới.

Trong khi đó, chi phí đầu vào của các nhà máy trên toàn cầu gia tăng là dấu hiệu mới nhất cho thấy áp lực lạm phát đang dâng cao trong bối cảnh hoạt động sản xuất tại Mỹ và Eurozone tăng trưởng mạnh nhất trong nhiều năm.

Lĩnh vực sản xuất tại Ấn Độ và Anh cũng tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong gần hai thập kỷ. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất tại Trung Quốc lại tăng trưởng chậm nhất trong 6 tháng, do các biện pháp hạ nhiệt nền kinh tế của giới chức trách nước này.

Tuy nhiên, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho rằng, giá dầu tăng mạnh sẽ không tác động đáng kể đến kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, ông cảnh báo đà gia tăng liên tục của giá dầu có thể dẫn đến tăng trưởng yếu kém và lạm phát cao hơn.

Cuối tuần qua, giá khí đốt tại Mỹ đã tăng lên trung bình 3,37 USD/gallon, tăng 26,7 xu Mỹ so tháng trước. Trong khi đó, giá lương thực trong tháng 1/2011 đã tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ mùa Thu năm 2008.

Thượng nghị sỹ Dân chủ Robert Menendez nói rằng, hiện nay tất cả các gia đình Mỹ đang chứng kiến và tỏ ra lo ngại về giá cả tăng cao.

Các nhà kinh tế cho rằng nếu giá dầu tăng lên mức 3,75 USD/gallon và kéo dài trong vòng 1 năm, nó sẽ ảnh hưởng đến chương trình cắt giảm thuế an sinh xã hội.

Nền kinh tế vẫn tăng trưởng nhưng sẽ không đủ để kích thích người dân chi tiêu nhiều hơn vào dịch vụ và hàng hóa. Nếu giá dầu tăng lên mức 5 USD/gallon thì việc cắt giảm chi tiêu của người tiêu dùng và các doanh nghiệp sẽ đẩy nền kinh tế vào suy thoái.

Chủ tịch FED cho rằng, bất ổn chính trị ở Trung Đông là nguyên nhân chính đẩy giá dầu và khí đốt lên cao. Tuy nhiên, theo ông, tình hình này sẽ không dẫn đến tình trạng không thể kiểm soát được lạm phát, và FED đang theo dõi chặt chẽ tình hình.

Theo báo cáo của Viện Quản lý nguồn cung của Mỹ (ISM), trong tháng 2, hoạt động sản xuất tại nước này đã tăng trưởng ở mức cao nhất trong vòng 7 năm qua, với chỉ số hoạt động kinh doanh sản xuất tăng từ 60,8% của tháng 1 lên 61,4%.

Chỉ số này cao hơn mức dự báo 46,5% của các nhà phân tích kinh tế Phố Wall và cũng là tháng thứ 19 liên tiếp chỉ số hoạt động sản xuất của Mỹ tăng.

Nhà kinh tế trưởng thuộc Tập đoàn tái bảo hiểm Swiss Re của Thụy Sĩ có trụ sở tại New York, Kurt Karl, nhận định trong ngành sản xuất của Mỹ, chỉ số sản xuất công nghiệp cũng như chỉ số việc làm hiện đang tăng trưởng mạnh nhất kể từ tháng 5/2004.

Theo ông Karl, bất chấp giá các sản phẩm công nghiệp và dầu thô cùng chỉ số lạm phát không ngừng tăng cao, các khu vực nhà máy của Mỹ vẫn tiếp tục phát triển vững chắc so với các lĩnh vực khác.

Trong khi, kết quả khảo sát được tiến hành từ ngày 11-21/2 cho thấy, chỉ số giá đầu ra tại 17 quốc gia Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) chạm mức cao kỷ lục.

CPI tháng 2 của Eurozone tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt mức trần gần 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Ủy ban châu Âu (EC) dự báo, lạm phát năm 2011 của Eurozone ở vào khoảng 2.2%, tức tiếp tục đứng trên mức trần.

Tại Ấn Độ, giá nguyên liệu đầu vào tại các nhà máy tăng mạnh nhất kể từ năm 2005. Lạm phát của nước này vẫn đang đứng ở mức cao nhất trong số các nền kinh tế lớn của châu Á, bất kể ngân hàng trung ương nước này đã 7 lần nâng lãi suất.

Chỉ số PMI của Trung Quốc cho thấy, tăng trưởng lĩnh vực sản xuất suy yếu xuống mức thấp nhất trong ít nhất 6 tháng, dấu hiệu chứng tỏ các biện pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ nước này đã phát huy tác dụng.

Tuy nhiên, giá đầu vào tại các nhà máy trong cả hai chỉ số PMI chính thức và PMI do HSBC khảo sát vẫn chạm mức cao nhất trong 3 tháng.

Trong khi đó, theo Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), khủng hoảng lương thực toàn cầu với quy mô như năm 2008 sẽ không xảy ra, bởi giá gạo không tăng mạnh. Mức tăng của giá gạo hiện thấp hơn nhiều so với các loại ngũ cốc khác.

Giá gạo tương lai trên sàn Chicago tăng 2,8% trong 12 tháng qua, trong khi đó giá lúa mì tăng 60%, còn giá ngô tăng tới 93%. Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo, sản lượng gạo của thế giới trong vụ mùa 2010 – 2011 tăng 2,4% lên mức 451,7 triệu tấn.

Vào giai đoạn khủng hoảng lương thực năm 2008, trong vòng 12 tháng tính đến tháng 4 của năm này, giá gạo tăng gần gấp 3 lần. Do đó, có thể thấy, nạn đói mà thế giới phải đương đầu trong năm 2008 ở mức trầm trọng hơn hiện tại.