21:51 08/04/2025

Kinh tế Đức đối mặt thử thách lớn từ thuế quan Mỹ

Bình Minh

Thuế suất 20% mà ông Trump áp lên hàng hóa châu Âu xuất hiện trong bối cảnh nền kinh tế Đức đứng trước những thách thức lớn cả về chính trị và kinh tế...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Thủ tướng tương lai của Đức, ông Friedrich Merz, đã lên tiếng cảnh báo về ảnh hưởng nghiêm trọng của thuế quan Mỹ đối với thị trường tài chính toàn cầu và nền kinh tế Đức. Đây là những phát biểu đầu tiên của ông Merz kể từ khi Tổng thống Donald Trump công bố mức thuế quan đối ứng mạnh tay đối với Liên minh châu Âu (EU).

“Tình hình trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu quốc tế đang rất nghiêm trọng và có khả năng còn xấu đi nữa. Bởi vậy, nước Đức phải khôi phục khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế một cách nhanh nhất có thể. Đây là một vấn đề cấp bách”, ông Merz nói với hãng tin Reuters hôm 7/4.

Thuế suất 20% mà ông Trump áp lên hàng hóa châu Âu xuất hiện trong bối cảnh nền kinh tế Đức đứng trước những thách thức lớn cả về chính trị và kinh tế. Ông Merz đã công bố một kế hoạch chi tiêu trị giá 1 nghìn tỷ euro nhằm thúc đẩy nền công nghiệp quốc phòng và cải thiện hệ thống hạ tầng già cỗi của Đức, nhưng thuế quan Mỹ có thể xóa sạch những thành quả mà kế hoạch này có thể mang lại cho kinh tế Đức - tờ báo Financial Times nhận định.

Xuất khẩu sang Mỹ đóng góp khoảng 4% tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Đức, một tỷ lệ lớn hơn so với của Pháp hay Italy. Nền kinh tế lớn nhất khu vực eurozone này đã trì trệ trong suốt 3 năm qua dưới sức ép của giá năng lượng cao, nhu cầu của Trung Quốc đối với hàng hóa Đức suy yếu, và sự cạnh tranh gay gắt của các đối thủ Trung Quốc.

Theo một ước tính của Viện Nghiên cứu kinh tế Cologne, tổng thiệt hại kinh tế Đức do thuế quan của Mỹ trong nhiệm kỳ 4 năm của ông Trump có thể lên tới 200 tỷ euro, khiến GDP nước này vào năm 2028 thấp đi 1,5% so với trường hợp không bị áp thuế quan. Mỹ là thị trường chiếm 1/10 kim ngạch xuất khẩu của Đức.

“Trong ngắn hạn, Chính phủ sắp tới của Đức sẽ gặp khó khăn trong việc xử lý cú sốc thương mại trước mắt”, một báo cáo của ngân hàng Deutsche Bank ngày 7/4 nhận định, cho rằng GDP của Đức có thể giảm năm thứ ba liên tiếp trong năm 2025.

Nếu được thực thi hoàn toàn như kế hoạch đã công bố, thuế quan của Mỹ sẽ gây ra “thiệt hại to lớn” đối với kinh tế Đức và có thể khiến nền kinh tế này tiếp tục suy giảm trong năm nay - một báo cáo của Viện Nghiên cứu kinh tế Ifo có trụ sở ở Munich nhận xét vào tuần trước. “Một số ngành công nghiệp chủ chốt như ô tô và cơ khí sẽ chịu tác động đặc biệt nặng nề”, báo cáo viết.

“Nền kinh tế Đức vốn đang trì trệ rồi, nên rất có thể thuế quan của Mỹ sẽ đẩy tăng trưởng kinh tế Đức xuống dưới 0”, Chủ tịch Ifo Clemens Fuest nhận định.

Ông Freiedrich Merz  - Ảnh: Reuters.
Ông Freiedrich Merz  - Ảnh: Reuters.

Ông Merz - thủ lĩnh của CDU/CSU, liên minh giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội Đức hồi tháng 2 - đang đương đầu áp lực lớn phải hoàn tất cuộc đàm phán phức tạp với Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) để thành lập một chính phủ mới. Ông nói với Reuters rằng ảnh hưởng từ thuế quan Mỹ “bây giờ phải là vấn để trọng tâm trong cuộc đàm phán thành lập chính phủ liên minh”.

Kể từ sau cuộc bầu cử, ông Merz đã chứng kiến tỷ lệ ủng hộ dành cho đảng của ông sụt giảm do cử tri tỏ ra hoài nghi về khả năng của ông trong việc thực thi các cải cách thân thiện với kinh doanh và chính sách giảm thuế. Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ của đảng cực hữu Sự lựa chọn thay thế cho nước Đức (AfD) - đảng bất ngờ về nhì trong cuộc bầu cử hồi tháng 2 - đang tăng lên.

Chỉ vài ngày sau bầu cử, ông Merz đã tiến hành một bước đi bất thường là sử dụng Quốc hội cũ để thông qua việc cải tổ trần nợ được quy định trong Hiến pháp Đức nhằm cho phép Chính phủ vay nợ không giới hạn để chi tiêu cho quốc phòng. Cải cách này cần nhận được đa số phiếu 2/3 trong Quốc hội Đức - một tỷ lệ mà ông Merz khó có thể đạt được trong Quốc hội mới bầu, nơi các đảng cực hữu và cực tả đã giành được hơn 1/3 số ghế trong cuộc bầu cử vừa rồi.

Để đổi lấy sự ủng hộ của SPD dành cho việc tăng chi tiêu quốc phòng, đảng này giành được sự chấp thuận thành lập một quỹ hạ tầng trị giá 500 tỷ euro có thời hạn 12 năm để hiện đại hóa đường xá, bệnh viện và trường học đã cũ kỹ của đất nước.

Gói chi tiêu gồm cả hạ tầng và an ninh - dự kiến sẽ khiến Chính phủ Đức vay nợ thêm 1 nghìn tỷ euro trong thập kỷ tới - đánh dấu một sự dịch chuyển mạnh mẽ trong chính sách tài khóa của nước này. Nhưng kể từ sau khi kế hoạch được thông qua, ông Merz đã gặp nhiều khó khăn trong việc đàm phán với đảng SPD về các vấn đề phúc lợi xã hội, giảm thuế và quản lý người nhập cư.

SPD, đối tác thành lập chính phủ liên minh duy nhất của ông Merz, cần nhận được sự phê chuẩn của các thành viên cho việc thành lập liên minh trước khi bầu ông Merz vào vị trí thủ tướng, có khả năng vào đầu tháng 5 - theo nguồn tin nội bộ.