17:14 05/02/2024

Kinh tế Đức, “kẻ ốm yếu của châu Âu”

An Huy

Đây là lần thứ hai trong 1/4 thế kỷ trở lại đây, Đức bị gọi là “kẻ ốm yếu của châu Âu”...

Trong một nhà máy sản xuất ô tô ở Đức - Ảnh: Bloomberg.
Trong một nhà máy sản xuất ô tô ở Đức - Ảnh: Bloomberg.

Kinh tế Đức vừa trải hai năm 2022-2023 đầy khó khăn và được dự báo tiếp tục đối mặt thử thách trong năm 2024. Tờ báo Anh Guardian cho rằng với tình trạng như vậy, nước Đức lần này sẽ bị gán biệt danh “kẻ ốm yếu của châu Âu” (“sick man of Europe”) trong một thời gian dài.

Số liệu thống kê công bố vào tuần trước cho thấy tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Đức giảm 0,3% trong quý 4/2023 so với quý trước đó. Cả năm, nền kinh tế lớn nhất châu Âu giảm 0,3%, đánh dấu năm suy thoái thứ hai liên tiếp đầu tiên kể từ đầu thập niên 2000. Lãi suất cao, lạm phát cao, và xuất khẩu suy yếu được xem là những nguyên nhân chính khiến kinh tế Đức tụt dốc.

“Dù lạm phát ở Đức giảm gần đây, giá cả vẫn còn ở mức cao trong tất cả các giai đoạn của quy trình kinh tế và đặt ra trở ngại đối với tăng trưởng kinh tế”, bà Ruth Brand - Chủ tịch cơ quan thống kê liên bang Đức Destatis - nhận định trong một cuộc họp báo.

Nhiều yếu tố khác cũng đặt kinh tế Đức vào thế bất lợi trong năm qua, bao gồm các cuộc đình công của công nhân ngành đường sắt và biểu tình của nông dân; ngân hàng lớn nhất Đức Deutsche Bank sa thải hàng nghìn nhân viên… Nhìn trong dài hạn hơn, cơ sở hạ tầng của Đức cần nâng cấp, trong khi các chính đang thuộc phái cực hữu hoặc cực tả của nước này đang nhận được sự ủng hộ ngày càng lớn của cử tri.

Đây là lần thứ hai trong 1/4 thế kỷ trở lại đây, Đức bị gọi là “kẻ ốm yếu của châu Âu” - theo Guardian. Tuy nhiên, nền kinh tế Đức về cơ bản gần như đi ngang chứ không tới mức suy sụp, và cũng không xảy ra tình trạng siêu lạm phát như hồi năm 1923 hay thất nghiệp hàng loạt như đầu thập niên 1930.

Dù vậy, liên minh cầm quyền do Thủ tướng Olaf Scholz đứng đầu vẫn đang phải trải qua các thử thách nối tiếp nhau. Cuối năm ngoái, toà án hiến pháp của Đức bác bỏ một kế hoạch dùng tiền quỹ khẩn cấp còn lại từ thời đại dịch Covid-19 để tiêu vào chương trình dịch chuyển năng lượng nhằm đạt tới phát thải carbon ròng bằng 0. Phán quyết này của toà dẫn tới một lỗ hổng ngân sách 60 tỷ euro mà Chính phủ Đức phải lấp đầy bằng các biện pháp thắt lưng buộc bụng không được lòng cử tri. Và cũng giống như ở nhiều quốc gia châu Âu khác, người nhập cư là một chủ đề chính trị gây nhiều tranh cãi ở Đức.

ĐIỂM MẠNH TRỞ THÀNH ĐIỂM YẾU

Lần gần đây nhất Đức bị gọi là “kẻ ốm yếu của châu Âu” không kéo dài. Nước này đã nhanh chóng giải quyết được các vấn đề và khẳng định lại vị trí cường quốc kinh tế châu Âu. Nền sản xuất hùng mạnh của Đức giúp nước này hưởng lợi từ vai trò nhà cung cấp cho Trung Quốc trong thời kỳ phát triển bùng nổ của thị trường tỷ dân. Việc Đức gia nhập khối đồng tiền chung châu Âu ở mức tỷ giá hối đoái cạnh tranh và việc nước này có được nguồn cung năng lượng giá rẻ từ Nga đã thúc đẩy lợi nhuận của doanh nghiệp Đức và mang tới cho nước này thặng dư thương mại khổng lồ.

Khi chìm trong cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu cách đây hơn 1 thập kỷ, các nước Nam Âu đã nhận được những “bài giảng” về tầm quan trọng của việc quản lý chặt chẽ nền tài chính công từ các chính trị gia ở Berlin. Thông điệp rõ ràng của Đức gửi tới Tây Ban Nha, Italy, Bồ Đào Nha và Hy Lạp là họ nên học theo Đức, chi tiêu có kỷ luật và cải thiện năng lực cạnh tranh.

Hiện nay, Đức vẫn là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, nhưng lại là một trong những nền kinh tế đuối sức nhất khu vực. Với kết quả tăng trưởng âm của Đức trong quý 4/2023, kinh tế eurozone lẽ ra đã rơi vào một cuộc suy thoái nếu không có kết quả tăng trưởng tốt hơn dự báo của Bồ Đào Nha, Italy và Tây Ban Nha.

Giáo sư kinh tế Peter Bofinger của Đại học Wurzburg cho rằng nền kinh tế Đức có những vấn đề cơ cấu, và những gì từng được coi là sức mạnh của mô hình kinh doanh Đức giờ đây đã trở thành những điểm yếu của nước này. Đức có mức độ phụ thuộc vào xuất khẩu lớn hơn so với các quốc gia phát triển khác, hoạt động sản xuất công nghiệp chiếm một tỷ trọng lớn hơn trong nền kinh tế Đức, và ngành sản xuất ô tô của nước này đã trở nên phụ thuộc quá mức vào thị trường Trung Quốc và chậm thích nghi với sự gia tăng của nhu cầu ô tô điện. Theo ông Bofinger, nền kinh tế Đức đang đối mặt với một thách thức mang tính căn bản đối với mô hình kinh doanh, mà thách thức này không thể được xử lý bằng cách giảm bớt các quy chế giám sát hay giảm thuế.

Trong một bài viết cho trang Social Europe, ông Bofinger viết: “Đức đã trở nên ốm yếu. Nhưng căn bệnh có thể được chữa trị nếu Đức sẵn sàng thay đổi lối sống và dùng đúng thuốc để hồi phục sức khoẻ. Phương thuốc ở đây là dùng nợ công như một đầu tàu tăng trưởng, không phải là giảm thuế mà là tăng đầu tư công để kích thích nhu cầu trong nước cũng như triển khai các công nghệ mới”.

Nhà kinh tế Holger Schmieding của ngân hàng Berenberg lại có quan điểm lạc quan hơn về kinh tế Đức và tin rằng nền kinh tế này sẽ sớm khởi sắc. “Đức không phải là ‘kẻ ốm yếu của châu Âu’, mà sở hữu một trong những thị trường việc làm mạnh nhất ở châu Âu và có một vị thế tài khoá khiến các nền kinh tế phát triển khác phải ghen tị. Những vấn đề của kinh tế Đức hiện nay chủ yếu là tạm thời”, ông Schmieding nhận định.

Theo ông Schmieding, Đức chỉ gặp khó khăn nhất thời do Trung Quốc không còn là đầu tàu tăng trưởng kinh tế thế giới và Đức đã mất đi nguồn cung năng lượng giá rẻ từ Nga. “Đức rất phụ thuộc vào thương mại toàn cầu. Khi thương mại toàn cầu phát triển bùng nổ, ai cũng phải ngưỡng mộ tăng trưởng kinh tế Đức. Khi thương mại toàn cầu yếu đi, kinh tế Đức cũng suy yếu”, ông nhận định.

NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ CẤU DÀI HẠN

Nhưng nhu cầu của Trung Quốc đối với hàng hoá công nghiệp của Đức được cho là sẽ suy yếu vĩnh viễn vì nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang dịch chuyển theo hướng tăng cường vai trò của lĩnh vực dịch vụ, cũng như gia tăng chủ nghĩa bảo hộ thương mại.Trong khi đó, những mối nguy của việc phụ thuộc quá mức vào khí đốt Nga đã trở nên rõ ràng trong 2 năm qua và làm lộ ra “gót Asin” của mô hình tăng trưởng Đức.

Ông Tim Wollmershauser - trưởng bộ phận dự báo của viện Ifo, một trong những tổ chức nghiên cứu hàng đầu của Đức - nhận định: “Với tư cách một địa chỉ kinh doanh, Đức đã giảm sức cạnh tranh nhiều trong những năm gần đây. Ngoài giá năng lượng tăng cao, một số yếu tố khác đã dẫn tới tình trạng này, bao gồm gánh nặng thuế cao không thay đổi, chi phí hành chính gia tăng, tiến trình số hoá chậm chạp, và tình trạng thiếu lao động có kỹ năng cao ngày càng trầm trọng”.

Có một tin tốt là nước Đức trước đây từng thể hiện quyết tâm giải quyết những vấn đề mà nước này gặp phải. Chẳng hạn, Đức đã chi 2 nghìn tỷ euro trong vòng 30 năm để phát triển Đông Đức sau khi thống nhất. Nhưng tin xấu là những thách thức mà Đức đối mặt hiện nay là không dễ giải quyết, và câu chuyện càng khó khăn hơn bởi việc Chính phủ nước này cắt giảm chi tiêu và luôn dè chừng với việc vay nợ.

Nhà kinh tế trưởng Carsten Brzeski của ngân hàng ING cho rằng Đức đang đối mặt với những vấn đề tương tự như các nền kinh tế eurozone khác - nghĩa là lãi suất cao và cuộc chiến tranh ở Ukraine - kèm theo đó là một số vấn đề của riêng Đức đòi hỏi nhiều thời gian hơn để giải quyết, đồng thời buộc doanh nghiệp Đức phải thích nghi để tồn tại.

Mức độ phủ sóng băng thông rộng còn thấp, cơ sở hạ tầng kém hiện đại, tình trạng trì trệ và cuộc đình công trong ngành đường sắt, cộng thêm việc Đức đang tụt hạng trong các xếp hạng quốc tế về thành tích giáo dục. Ông Brzeski nói thêm: “Đây đều là những vấn đề mang tính cơ cấu gây tổn hại cho nền kinh tế Đức, không phải là những sự cố bất thình lình”.