Kinh tế ngưng trệ vì biểu tình, Thái Lan rơi vào cảnh "khó chồng khó"
Các nhà phân tích nhận định năm nay kinh tế Thái Lan có thể suy giảm mạnh hơn cả năm 1998 - thời điểm xảy ra khủng hoảng tiền tệ khi GDP sụt tới 7,6%
Thái Lan đang chứng kiến làn sóng biểu tình phản đối chính phủ dữ dội, trong đó những người biểu tình yêu cầu Thủ tướng Prayuth Chan-ocha từ chức và cải cách chế độ quân chủ do Quốc vương Vajiralongkorn đứng đầu. Riêng trong ngày Chủ nhật (18/10) đã có ít nhất 19 cuộc biểu tình diễn ra trên khắp nước này.
Việc nhà chức trách Thái Lan dừng hoạt động tàu trên cao BTS Skytrain và tàu điện ngầm tại Bangkok cũng như phong tỏa nhiều tuyến đường nhằm dập tắt biểu tình khiến các hoạt động kinh tế bị ngưng trệ. Những bất ổn gây ra bởi làn sóng biểu tình giáng thêm một đòn mới lên nền kinh tế quốc gia Đông Nam Á, trong bối cảnh nước này vẫn đang chịu tổn thương nặng nề trước đại dịch Covid-19.
"Hôm nay chúng tôi sẽ đóng cửa lúc 18h30 vì các tuyến phố bị phong tỏa”, khu tổ hợp mua sắm CentralPlaza Ladpra ở ngoại ô Bangkok thông báo với khách hàng hôm thứ Bảy tuần trước. Như vậy, trung tâm thương mại này phải đóng cửa sớm hơn 3,5 giờ so với thường ngày.
Trong khi đó, CentralWorld, một trong những trung tâm mua sắm lớn nhất tại Bangkok, cũng giảm thời gian mở cửa vào thứ Năm và thứ Sáu tuần trước. Các cửa hàng trang sức tại đây lo ngại rằng các cuộc biểu tình có thể trở nên bạo lực nên đã nhanh chóng cất hết hàng hóa.
Các công ty nước ngoài tại Thái Lan cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ. Trung tâm Bách hóa Tokyu của Nhật đã phải đóng cửa sớm hơn 4 tiếng vào hôm thứ Sáu và thứ Bảy khi đám đông biểu tình chiếm đóng khu vực ngã tư trước cửa hàng.
"Vào những ngày diễn ra biểu tình, doanh thu của chúng tôi giảm 60-80%", một chủ nhà hàng chia sẻ.
Theo một tổ chức bán lẻ tại quận mua sắm Ratchaprasong, khi xảy ra các cuộc biểu tình hồi năm 2010, quận này thiệt hại 174 triệu Baht (5,6 triệu USD theo tỷ giá hiện tại) doanh thu mỗi ngày.
Bên cạnh đó, những Người biểu tình đang kêu gọi người dân Thái Lan rút tiền khỏi ngân hàng Siam Commercial Bank - nơi Quốc vương Maha Vajiralongkorn là cổ đông chính. Làn sóng rút tiền khiến giá cổ phiếu ngân hàng này sụt khoảng 6% kể từ khi các cuộc biểu tình bắt đầu vào tháng trước.
Không chỉ Siam Commercial Bank, các doanh nghiệp có quảng cáo trên truyền hình cũng vấp phải làn sóng phản đối vì bị xem là có động thái cảm thông với chính phủ. Kết quả là hàng loạt công ty lớn, bao gồm hãng giao đồ ăn Foodpanda lập tức hủy bỏ các chiến dịch quảng cáo.
Với Thái Lan, nơi du lịch chiếm tới 20% GDP, việc thu hút du khách trở lại là điều vô cùng quan trọng nhằm phục hồi nền kinh tế. Chính phủ Thái Lan dự kiến nới lỏng các biện pháp hạn chế đối với người nước ngoài lưu trú dài hạn tại nước này từ ngày 20/10. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình căng thẳng có thể khiến du khách hoảng sợ và không muốn đến quốc gia này. Một chủ khách sạn tại Bangkok nhận định nếu đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình trở nên bạo lực, thì ảnh hưởng tiêu cực tới ngành du lịch là điều khó tránh khỏi.
Hiện tại, các nhà đầu tư tại Thái Lan cũng đang cẩn trọng theo dõi tình hình. Chỉ số SET của chứng khoán Thái Lan tiếp tục lao dốc kể từ khi đợt biểu tình mới nhất trở lại vào hôm thứ Tư tuần trước.
"Mối quan ngại ngày càng gia tăng bởi chẳng ai biết tình hình sẽ diễn biến ra sao”, Sorrabhol Virameteekul, Phó chủ tịch cấp cao của Kasikorn Securities, nhận định với Bangkok Post. "Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư cầm chừng để theo dõi tình hình cho đến khi chính trị cả trong và ngoài nước ổn định trở lại”.
Trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới được công bố mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo GDP của Thái Lan sẽ giảm tới 7,1% trong năm 2020, mức giảm cao thứ hai trong khu vực Đông Nam Á. Còn theo giới phân tích, năm nay kinh tế Thái Lan có thể suy giảm mạnh hơn cả năm 1998 - thời điểm xảy ra khủng hoảng tiền tệ với GDP sụt tới 7,6%.