06:00 03/12/2024

Kinh tế Thái Bình tăng trưởng toàn diện

Trương Quốc Cường

Theo thông tin từ UBND tỉnh Thái Bình, năm 2024 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh ước đạt 72.593 tỷ đồng, tăng 7,32% so với năm 2023, là một năm tăng trưởng kinh tế toàn diện của địa phương này…

Thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình
Thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình

Năm 2024, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Thái Bình ước thực hiện trên 26.600 tỷ đồng, đạt 136,8% dự toán, tăng 9,9% so với năm 2023, trong đó thu nội địa ước đạt trên 11.000 tỷ đồng, tăng 12,8% so với năm 2023.

Tính đến ngày 20/11, thu hút đầu tư của Thái Bình đạt trên 38.000 tỷ đồng, trong đó thu hút vốn FDI đạt trên 860 triệu USD, dự kiến cả năm 2024 thu hút FDI đạt trên 1 tỷ USD, là năm thứ 3 liên tiếp có trên 1.000 doanh nghiệp mới gia nhập thị trường. 

Các khu vực kinh tế của tỉnh đều ghi nhận sự tăng trưởng như, khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 0,39%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng mạnh ở mức 12,15%; dịch vụ tăng trưởng 6,77%. Tổng giá trị sản xuất ước đạt 210.866 tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 3 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm 2023.  

Đặc biệt, công tác giải ngân vốn đầu tư công của Thái Bình có kết quả nổi bật với tỷ lệ đạt 169,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thuộc nhóm dẫn đầu của cả nước. 

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, cải cách hành chính, việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định.

Đến nay, toàn tỉnh có 1 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, 36 xã đạt nông thôn mới nâng cao; bảo tồn, phát triển 112 làng nghề; xây dựng hiệu quả các sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao.

Thái Bình cũng đã tổ chức thành công nhiều đoàn công tác của tỉnh đi kết nối, xúc tiến đầu tư tại Đức, Thụy Sỹ, Hungary, Hà Lan, Pháp, Bỉ; tổ chức các cuộc làm việc với các đoàn công tác, tập đoàn lớn trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, nghiên cứu, khảo sát tại tỉnh. 

Về kế hoạch của năm 2025, UBND tỉnh Thái Bình đặc biệt lưu ý một số nhóm nhiệm vụ nhằm đẩy mạnh giải quyết các điểm nghẽn trong thu hút đầu tư, thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp cải cách hành chính,  tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực về đất đai, tài chính, lao động. 

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công, các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các dự án giao thông tạo liên kết giữa các vùng, các trục giao thông quốc gia và các khu, cụm công nghiệp, các vùng sản xuất; hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hạ tầng phục vụ du lịch, dịch vụ, thông tin truyền thông...

Tập trung triển khai hiệu quả quản lý, nhất là quản lý đất đai trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng nông thôn mới; nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, đổi mới mạnh mẽ phương thức phối hợp, xử lý công việc giữa các ngành, địa phương…