06:00 11/01/2024

Kinh tế TP.HCM 2024: Tiếp tục phục hồi, tăng trưởng GRDP 7,1-8%

Hồng Vinh

Dù triển vọng kinh tế thế giới đã có những dấu hiệu khả quan hơn, nhưng con đường hồi phục được dự báo vẫn còn nhiều thách thức trong năm 2024. Tuy nhiên, việc chính quyền TP.HCM thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tổng cầu và có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, mục tiêu tăng trưởng GRDP 7,1-8% trong năm 2024 là hoàn toàn khả thi...

Kinh tế TP.HCM 2024 Tiếp tục phục hồi, tăng trưởng GRDP 7,1-8%. Ảnh minh họa.
Kinh tế TP.HCM 2024 Tiếp tục phục hồi, tăng trưởng GRDP 7,1-8%. Ảnh minh họa.

Đây là dự báo được các chuyên gia kinh tế chia sẻ tại buổi tọa đàm “Kinh tế vĩ mô TP.HCM: Kết quả 2023 và Dự báo 2024” (Báo cáo Kinh tế vĩ mô TP.HCM) do Đại học Kinh tế TP.HCM và Cục Thống kê TP.HCM tổ chức vào những ngày đầu của năm 2024. 

XU THẾ PHỤC HỒI RÕ NÉT

TS. Hồ Hoàng Anh, Khoa Kinh tế, Đại học Kinh tế TP.HCM, cho biết dù không đạt mục tiêu đề ra nhưng kinh tế của TP.HCM nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung vẫn đạt được những mức tăng trưởng khá cao trong năm 2023 so với các nền kinh tế khác trên thế giới.

Kết thúc năm 2023, kinh tế của TP.HCM đang phục hồi một cách ổn định sau những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) TP.HCM theo giá so sánh của TP.HCM được dự báo tăng trưởng 5,81%. Trong đó ngành dịch vụ tăng 6,79% và ngành công nghiệp tăng 4,42%. Theo phân tích của nhóm nghiên cứu, GRDP theo giá so sánh của TP. HCM đang dần tiệm cận GRDP tiềm năng.

Là trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, kinh tế của TP.HCM luôn đạt mức tăng trưởng cao hơn mức trung bình của cả nước, tạo ra việc làm cho hàng triệu lao động đến từ khắp các tỉnh thành. Ở chiều ngược lại, điều tất yếu là kinh tế của TP.HCM cũng phải gánh chịu những ảnh hưởng nặng nề nhất của cả nước, từ đại dịch Covid-19, đến các cuộc xung đột vũ trang và căng thẳng chính trị đang có chiều hướng gia tăng trên toàn thế giới.

Tăng trưởng kinh tế TP.HCM năm 2023 xuất hiện hai xu thế. Thứ nhất, xu thế trung hạn của kinh tế giai đoạn 2016-2019, GRDP thực của TP.HCM cao hơn và tăng trưởng nhanh hơn mức tăng trưởng của GRDP tiềm năng. Để đáp ứng tổng cầu trong giai đoạn này, kinh tế của TP.HCM đã đón nhận một lực lượng lao động rất lớn đến từ các tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Khi tổng cầu sụt giảm mạnh vì đại dịch Covid-19, lực lượng lao động ở TP.HCM cũng giảm xuống nhanh chóng khi nhiều lao động di cư đến những tỉnh, thành phố khác.

Ở cấp độ định tính, nhóm nghiên cứu Báo cáo Kinh tế vĩ mô TP.HCM cho rằng tổng cầu tăng cao trong giai đoạn 2016-2019 là do: (1) cầu xuất khẩu với các hàng hóa thâm dụng lao động (dệt may và da giày); (2) cầu đầu tư trong lĩnh vực xây dựng nhà ở do bong bóng bất động sản tạo ra. Do đó, định hướng phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ tài chính ngân hàng, cộng với việc quản lý và phát triển ổn định thị trường bất động sản để đáp ứng nhu cầu nhà ở của người lao động và bổ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh là những chìa khóa quan trọng để kinh tế TP.HCM tránh lặp lại tình trạng tăng trưởng nóng trong giai đoạn 2016-2019.

Thứ hai, xu thế phục hồi của tổng cầu. Dữ liệu năm 2023 của báo cáo cho thấy sự phục hồi ổn định của kinh tế TP.HCM được thể hiện rõ nét thông qua nhiều chỉ tiêu về tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu. Đây là tín hiệu cho thấy kinh tế thế giới đang dần hồi phục, các chính sách của Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đang đi đúng hướng kinh tế thế giới và phát huy tác dụng.

Bên cạnh các chính sách thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng, đầu tư tích lũy tài sản doanh nghiệp, hộ gia đình và xuất khẩu, một chính sách quan trọng để kích cầu hiện nay chưa được khai thác hiệu quả là đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng sang các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, và Ấn Độ; trong đó, Ấn Độ hiện đang có tốc tăng trưởng kinh tế cao và ổn định. 

MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU, THÚC ĐẨY TỔNG CẦU

TS. Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho rằng chính quyền TP.HCM nên tăng cường hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp của TP.HCM tổ chức các chương trình khuyến mãi giảm giá để kích thích tiêu dùng của người dân. Các chương trình này cần phải được đánh giá và nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm kết nối một cách hiệu quả hàng hóa và dịch vụ đến đúng nhu cầu của người dân.

Kinh tế TP.HCM 2024: Tiếp tục phục hồi, tăng trưởng GRDP 7,1-8% - Ảnh 1

Điều quan trọng là tất cả các chính sách nhằm thúc đẩy tổng cầu trong ngắn hạn cần phải được đặt trong khuôn khổ của mục tiêu chuyển đổi mô hình kinh tế trong trung hạn: phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ tài chính ngân hàng, quản lý và phát triển ổn định thị trường bất động sản để đáp ứng nhu cầu nhà ở của người lao động và bổ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. TP.HCM hoàn toàn không nên nóng vội chạy theo mục tiêu tăng trưởng trong năm 2024 bằng mọi giá mà làm chậm lại tiến trình chuyển đổi mô hình kinh tế trong trung hạn.

Ngoài ra, một chính sách quan trọng mà chính quyền TP.HCM cần chú ý nhiều hơn là hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp của TP.HCM tìm kiếm đối tác và mở rộng thị trường xuất khẩu sang các quốc gia ngoài Trung Quốc và Mỹ. Việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sẽ giúp cho xuất khẩu của TP.HCM giảm thiểu tính chu kỳ và tăng trưởng ổn định hơn. Theo số liệu nghiên cứu, ba thị trường tiềm năng ở 3 quốc gia Việt Nam đã ký hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện hiện đang chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của TP.HCM là: Nhật Bản (7,16%), Hàn Quốc (4,31%) và Ấn Độ (1,41%).

Bên cạnh đó, tiếp tục cải cách bộ máy quản lý hành chính theo hướng tinh giản thủ tục nhằm giảm thiểu thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp trong việc đăng ký đầu tư, sản xuất và kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản. Trong ngắn hạn, chính quyền TP.HCM có thể nghiên cứu phân loại, xếp hạng các dự án bất động sản theo thứ tự ưu tiên, tập trung nguồn lực nhằm nhanh chóng tháo gỡ khó khăn các dự án tiềm năng nhất để có thể tạo ra tác động nhanh nhất. 

TRIỂN VỌNG TĂNG TRƯỞNG

Triển vọng kinh tế năm 2024 của TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung, theo các chuyên gia phân tích, phụ thuộc rất nhiều vào triển vọng kinh tế của thế giới. Hầu hết các tổ chức nghiên cứu lớn trên thế giới ở thời điểm hiện tại đều có chung một nhận định là năm 2024 kinh tế thế giới dù vẫn còn khó khăn nhưng sẽ tiếp tục hồi phục.

Rủi ro tắc nghẽn hay đứt gãy vẫn còn khá cao, mặc dù chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu đã có những dấu hiệu hồi phục tích cực và được dự báo sẽ tiếp tục được cải thiện trong năm 2024. Các cuộc xung đột vũ trang và căng thẳng địa chính trị đang có chiều hướng gia tăng trên toàn thế giới...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 02-2024 phát hành ngày 08-1-2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Kinh tế TP.HCM 2024: Tiếp tục phục hồi, tăng trưởng GRDP 7,1-8% - Ảnh 2