Kinh tế Trung Quốc phục hồi không đều
Việc Trung Quốc bất ngờ từ bỏ chính sách Zero Covid vào cuối năm ngoái đã được kỳ vọng sẽ tạo ra một cú huých đối với tăng trưởng kinh tế nước này và toàn cầu. Tuy nhiên, những số liệu kinh tế mới nhất cho thấy nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới phục hồi không đều và có vẻ đang mất đà...
Phần lớn dữ liệu về kinh tế Trung Quốc tháng 4 công bố trong tuần vừa rồi đều không đạt kỳ vọng. Sản lượng công nghiệp tháng 4 tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mức dự báo tăng 10,9% mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters.
BỨC TRANH KINH TẾ SÁNG TỐI ĐAN XEN
“Trung Quốc đang ở trong giai đoạn phục hồi. Những con số này là tích cực nếu so với năm ngoái. Nhưng liệu sự phục hồi này đã đủ tốt hay chưa, đã đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư hay chưa lại đang là những câu hỏi lớn”, chiến lược gia trưởng về chứng khoán Trung Quốc của ngân hàng Bank of America, bà Winnie Wu, nói với hãng tin CNBC.
Gần đây, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã để mất gần hết thành quả tăng trưởng có được từ đầu năm. Chỉ số Shenzhen Component giảm 4,7% từ đầu quý tới nay và chỉ còn tăng 1,5% nếu so với đầu năm. So với mức đỉnh thiết lập vào đầu tháng 2, chỉ số đã giảm 9,5%.
Số liệu công bố tháng này cho thấy chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) Caixin của ngành sản xuất Trung Quốc giảm xuống mức 49,5 điểm trong tháng 4, đánh dấu tháng đầu tiên giảm dưới ngưỡng 50 điểm sau 2 tháng tăng liên tiếp. Chỉ số dưới 50 điểm thể hiện mức tăng trưởng âm. Chỉ số PMI ngành sản xuất do Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố cũng giảm xuống mức 49,2 điểm trong tháng 4 từ mức 51,9 điểm của tháng 3.
Sau khi các báo cáo PMI ngành sản xuất tháng 4 của Trung Quốc được công bố, các nhà phân tích Chang Shu và David Qu của Bloomberg Economics cho rằng sự giảm tốc của ngành sản xuất đang làm dấy lên nghi ngờ về độ mạnh cũng như độ bền của hành trình phục hồi kinh tế. “Sự phục hồi quá mong manh nên khó bền và đang đối mặt với nguy cơ mất đà. Triển vọng ảm đạm này càng cho thấy sự cần thiết phải có thêm các chính sách hỗ trợ”, hai nhà phân tích đánh giá.
Đáng lo ngại hơn, cả xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc đều đang sụt tốc và điều này được xem là một “điềm xấu” về kinh tế toàn cầu. Dữ liệu hải quan Trung Quốc công bố ngày 9/5 cho thấy giá trị nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 4 giảm 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái, tiếp nối cú giảm 1,4% ghi nhận trong tháng 3. Xuất khẩu chỉ tăng 8,5%, giảm tốc mạnh từ mức tăng 14,8% của tháng trước.
Sự sụt giảm nhập khẩu của Trung Quốc cho thấy một điều rằng nền kinh tế thế giới khó có thể thể dựa vào nước này như một đầu tàu tăng trưởng trong năm nay. Ngoài ra, do Trung Quốc tái xuất một phần hàng hóa nhập khẩu, nên sự sụt giảm đó cũng cho thấy tình trạng suy yếu của một số nền kinh tế là đối tác thương mại chính của nước này. Nhập khẩu linh kiện bán dẫn của Trung Quốc giảm 15,3% phản ánh mức độ suy giảm nhu cầu của thị trường tái xuất linh kiện.
Tuy nhiên, lĩnh vực dịch vụ vẫn đang cho thấy sức phục hồi tốt và giữ vai trò dẫn dắt ở giai đoạn hiện nay của nền kinh tế. Chỉ số PMI Caixin ngành dịch vụ Trung Quốc tháng 4 đạt 56,4 điểm, đánh dấu tháng tăng trưởng thứ tư liên tiếp của ngành và là mức cao nhất kể từ tháng 12/2020.
Một điểm tích cực nữa là thị trường bất động sản Trung Quốc tiếp tục phục hồi, dù sự phục hồi còn chậm. Dữ liệu từ China Real Estate Information Corp cho thấy doanh số bán nhà mới của 100 công ty phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc trong tháng 4 đã tăng 31,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 3, mức tăng là 29,2%.
Từ các số liệu mới nhất, có thể thấy bức tranh kinh tế Trung Quốc ở thời điểm hiện tại là những mảng sáng-tối đan xen: trong khi dịch vụ vẫn là một điểm sáng và ngành địa ốc có sự khởi sắc, hoạt động của các nhà máy đã rơi vào trạng thái suy giảm trong tháng 4 và thương mại đang “hụt hơi”.
Quý 1 năm nay, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng 4,5%, mạnh nhất trong vòng một năm trở lại đây. Sau khi dữ liệu này được công bố, các nhà kinh tế đã lạc quan dự báo Trung Quốc sẽ tăng trưởng mạnh hơn nữa trong quý 2. Một số ngân hàng lớn đã nâng mức dự báo tăng trưởng cả năm của nước này lên khoảng 6% hoặc hơn, vượt qua mức mục tiêu tăng trưởng cả năm khoảng 5% mà Bắc Kinh đề ra.
BẮC KINH SẼ HÀNH ĐỘNG THEO HƯỚNG NÀO?
Tuy nhiên, các dữ liệu kinh tế trái chiều trong tháng 4 công bố gần đây có thể khiến các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc và cả giới chuyên gia thận trọng hơn. Trong một cuộc họp cuối tháng 4, Bộ Chính trị Trung Quốc nhận định nền kinh tế nước này vẫn đang đối mặt với tình trạng nhu cầu nội tại yếu. “Ở thời điểm hiện tại, diễn biến tích cực trong nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang là phục hồi. Các động lực nội tại chưa mạnh và nhu cầu vẫn chưa đủ lớn”, cuộc họp nhận định.
Ngoài sự phục hồi yếu của nền kinh tế, một vấn đề “đau đầu” khác của Chính phủ Trung Quốc hiện nay là tỷ lệ thất nghiệp cao ở giới trẻ. Số liệu mới nhất cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở lao động trong độ tuổi từ 16-26 ở Trung Quốc là 20,4% trong tháng 4, con số cao chưa từng thấy. “Nhiều nhà đầu tư xem đây là một chỉ báo sớm về triển vọng kinh tế. Nếu như những người trẻ không có công ăn việc làm, không có an ninh thu nhập, thì lấy đâu ra niềm tin, lấy đâu ra phục hồi tiêu dùng”, chuyên gia Wu nhận xét.
Các chuyên gia kinh tế của Citigroup nhận định thất nghiệp ở lao động trẻ đang là một thách thức nan giản đối với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc, cho dù thị trường lao động của nước này nói chung vẫn ổn định. Tháng 4, tỷ lệ thất nghiệp chung ở Trung Quốc là 5,2%, giảm nhẹ so với mức 5,3% trong tháng 3.
Ngoài ra, kinh tế Trung Quốc còn đối mặt với một vấn đề nữa là lạm phát quá thấp - trái ngược với tình trạng lạm phát cao dai dẳng tại phần lớn các nền kinh tế phát triển như Mỹ và châu Âu. Tháng 4, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc tăng 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 0,1% so với tháng trước. Theo giới chuyên gia, mối lo kinh tế khiến các hộ gia đình nước này tiết kiệm thay vì chi tiêu và doanh nghiệp ngại đầu tư, khiến cho nền kinh tế càng khó phục hồi hơn...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 21-2023 phát hành ngày 22-05-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam