06:00 01/02/2025

Kinh tế tuần hoàn thúc đẩy Quảng Nam tăng trưởng xanh

Ngô Anh Văn

Để nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực phát triển nhanh và bền vững, Quảng Nam đã và đang nỗ lực thực hiện chiến lược “xanh hóa” các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng, bảo vệ môi trường; ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số…

Kinh tế tuần hoàn có vai trò quan trọng để thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Nhiều năm qua, Quảng Nam đã và đang đẩy mạnh triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm tạo thuận lợi để phát triển các mô hình, dự án liên quan đến tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn và các chương trình sản xuất, tiêu dùng xanh, bền vững trên địa bàn.

Chia sẻ với báo chí, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, khẳng định Quảng Nam xác định kinh tế tuần hoàn là giải pháp hiệu quả để giải quyết các thách thức toàn cầu như: biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường, thúc đẩy các biện pháp phát triển bền vững…

KINH TẾ TUẦN HOÀN GẮN VỚI KINH TẾ - XÃ HỘI 

Trên quan điểm đó, tỉnh Quảng Nam đã triển khai thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn được lồng ghép với các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đề án phát triển của các ngành, địa phương, các kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh. Đặc biệt, chủ trương này được định hướng tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Quan điểm phát triển chung tại Quy hoạch tỉnh Quảng Nam đã khẳng định: “Chủ động kiến tạo, đổi mới mạnh mẽ tư duy, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, hài hòa giữa các ngành kinh tế, gắn với tăng trưởng xanh, đẩy mạnh phát triển du lịch xanh, quan tâm phát triển kinh tế tuần hoàn; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực phát triển nhanh và bền vững”...

Theo quan điểm đó, Quảng Nam đã và đang đẩy mạnh thực hiện những giải pháp để triển khai các khía cạnh nội hàm của kinh tế tuần hoàn như tiếp tục “xanh hóa” các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên và năng lượng, bảo vệ môi trường; chuyển đổi số. Cụ thể, tỉnh đã nghiên cứu đưa công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại vào khai thác, chế biến khoáng sản quy mô nhỏ lẻ nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Xây dựng giải pháp thúc đẩy phát triển các hoạt động nghiên cứu và chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp, thị trường công nghệ, thiết bị nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, tiếp cận các công nghệ, thiết bị mới.

Các giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn đã được lồng ghép vào các chương trình, cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển các ngành kinh tế như: Phát triển công nghiệp bền vững theo chiều sâu; đầu tư hạ tầng công nghiệp gắn với giải quyết tốt các vấn đề môi trường, xử lý nước thải, chất thải công nghiệp và kết nối mạng lưới giao thông liên vùng miền. Thúc đẩy công nghiệp xanh, tuần hoàn, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, các ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng lớn.

PHÁT TRIỂN VỚI BỘ TIÊU CHÍ DU LỊCH XANH 

Nhằm phát triển bền vững, Quảng Nam ưu tiên xây dựng các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghiệp sinh thái tại khu vực đồng bằng để thu hút các ngành công nghiệp có hàm lượng tri thức cao, tự động hóa, đóng góp ngân sách lớn, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại các khu.

Với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn có tính chuyên nghiệp cao, bền vững, ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam, cho biết tỉnh đã có bước chuyển hướng đầu tư, tiên phong đón đầu xu thế phát triển “du lịch xanh” với kế hoạch của Ủy ban Nhân dân tỉnh về phát triển du lịch xanh đến năm 2025. Quảng Nam cũng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, xây dựng quy hoạch, đầu tư hạ tầng, xúc tiến quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch xanh… đang phát huy hiệu quả tích cực.

Bộ tiêu chí du lịch xanh có 6 lĩnh vực gồm: tiêu chí du lịch khách sạn, tiêu chí dành cho nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê, tiêu chí dành cho khu nghỉ dưỡng, tiêu chí doanh nghiệp lữ hành, tiêu chí điểm du lịch dựa vào cộng đồng và tiêu chí dành cho điểm tham quan.

Trong những năm qua, nhiều sản phẩm dịch vụ du lịch xanh ở Quảng Nam đã được xây dựng, phát triển và đạt được kết quả tích cực với sự đồng hành của doanh nghiệp và cộng đồng; kết hợp phục hồi phát triển du lịch làng nghề. Ngành du lịch và các địa phương đã phát triển rộng rãi các mô hình du lịch sinh thái cộng đồng tại một số làng du lịch như: Trà Nhiêu, Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên), Triêm Tây (Thị xã Điện Bàn); du lịch sinh thái Cẩm Thanh, Cù Lao Chàm (Hội An)… tạo thành điểm đến thu hút mạnh du khách.

Hiện nay, chiến dịch “nói không với túi nilông, chai nhựa” được phát động rộng khắp. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở lưu trú, điểm du lịch bắt đầu thay thế các sản phẩm, vật dụng thân thiện với môi trường, từng bước tạo sự thay đổi nhận thức cho du khách cũng như cộng đồng về sự phát triển bền vững.

Đến nay, hầu hết các trang trại chăn nuôi quy mô lớn và vừa trên địa bàn đã áp dụng công nghệ tiên tiến trong xây dựng chuồng nuôi; sử dụng máng ăn, uống tự động; ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong xử lý chất thải chăn nuôi. Đặc biệt, các địa phương đang áp dụng những phương thức sản xuất nông nghiệp có khả năng chống chịu giúp tăng năng suất và sản lượng, duy trì hệ sinh thái, tăng cường thích ứng với biến đổi khí hậu. Tiếp tục xây dựng và triển khai thí điểm chuyển đổi số trên các loại cây trồng như măng cụt, nếp Hương Lân; thực hiện chính sách phát triển cây dược liệu, Sâm Ngọc Linh; chuyển giao thông tin trồng cây ăn quả; mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói quả tươi xuất khẩu…

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ MỚI VÀO KINH TẾ TUẦN HOÀN 

Để phát triển kinh tế tuần hoàn, bền vững, việc ứng dụng giải pháp công nghệ mới là yếu tố quan trọng. Kế hoạch của Quảng Nam về thực hiện đề án “Phát triển ngành công nghiệp môi trường đến năm 2025”, xác định mục tiêu: Phát triển các công nghệ xử lý, tái chế chất thải, phân tích, quan trắc, giám sát và kiểm soát ô nhiễm môi trường; công nghệ sử dụng bền vững tài nguyên và phục hồi môi trường phù hợp với điều kiện của tỉnh và xu hướng của quốc gia; phát triển dịch vụ môi trường đáp ứng nhu cầu xử lý nước thải, chất thải rắn đô thị, công nghiệp, chất thải nguy hại; phục hồi môi trường các khu vực bị ô nhiễm…

Theo ông Hồ Quang Bửu, các giải pháp khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường đã và đang được tăng cường nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, nhất là về các lĩnh vực giống cây trồng, bảo quản, sơ chế, chế biến sản phẩm…

Quảng Nam đã ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật về công nghệ sinh học để cải tạo và sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp có năng suất, chất lượng cao. Chuyển giao kỹ thuật các mô hình trồng rừng nguyên liệu thâm canh, mô hình trồng rừng gỗ lớn; ứng dụng các công nghệ khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản theo hướng bền vững, an toàn dịch bệnh, giảm tổn thất sau thu hoạch gắn với giám sát, truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản.

Quảng Nam cũng đã nghiên cứu năng lượng khí thiên nhiên hóa lỏng sinh học (BioLNG) và sinh khối (Biomass) cung cấp năng lượng cho các ngành công nghiệp thải ra nguồn chất thải hữu cơ lớn; tận dụng nguồn chất thải thu hồi từ nông lâm nghiệp, chất thải chế biến thực phẩm và chất thải sinh hoạt sẵn có và ổn định để chuyển đổi thành BioLNG và sinh khối Biomass, giúp giải quyết vấn đề xử lý chất thải hữu cơ, bảo vệ môi trường. Cùng với đó, tăng cường sử dụng công nghệ, trang thiết bị mới, tiên tiến, hiện đại, thân thiện môi trường, tuần hoàn khép kín, có khả năng thu hồi tối đa khoáng sản chính và các phụ phẩm đi kèm, tránh lãng phí, thất thoát nguồn tài nguyên, sử dụng ít nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng trong sản xuất.

Hiện nay tỉnh đang đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng; chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa tập trung, an toàn, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao. Qua đó hướng đến phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp; tối đa hóa việc tái tạo và tận dụng phụ phẩm trong nông nghiệp để tạo thêm sản phẩm mới mang giá trị gia tăng hoặc tạo vật liệu đầu vào phục vụ trở lại sản xuất; giảm tác động tiêu cực đến môi trường...

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 4+5-2025 phát hành ngày 27/1/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1194

Kinh tế tuần hoàn thúc đẩy Quảng Nam tăng trưởng xanh - Ảnh 1