Kỷ lục 310 mã giảm sàn, khối ngoại cũng “nhào sang” Short phái sinh phòng vệ
Áp lực bán tháo tiếp tục gia tăng chóng mặt trong phiên chiều, từ chỗ mới có 107 mã giảm hết biên độ trên 3 sàn, đến cuối phiên vọt lên 310 mã. Trong 30 phút cuối phiên dù các chỉ số không giảm thêm được – vì có quá nhiều mã sàn – nhưng hợp đồng tương lai chỉ số VN30 kỳ hạn tháng 11 (F1) bị Short dữ dội, đẩy chênh lệch lên -24 điểm dù chỉ còn 5 phiên nữa là đáo hạn. Khối ngoại cũng Short ròng 4.863 hợp đồng F1...
Áp lực bán tháo tiếp tục gia tăng chóng mặt trong phiên chiều, từ chỗ mới có 107 mã giảm hết biên độ trên 3 sàn, đến cuối phiên vọt lên 310 mã. Trong 30 phút cuối phiên dù các chỉ số không giảm thêm được – vì có quá nhiều mã sàn – nhưng hợp đồng tương lai chỉ số VN30 kỳ hạn tháng 11 (F1) bị Short dữ dội, đẩy chênh lệch lên -24 điểm dù chỉ còn 5 phiên nữa là đáo hạn. Khối ngoại cũng Short ròng 4.863 hợp đồng F1.
Sự hoảng loạn đã tăng cường độ, nhu cầu tháo chạy rất lớn trong khi nhà đầu tư có tiền lại không muốn mua. Kết quả là những ai muốn thoát ra bằng được phải hạ giá bán xuống bất kỳ mức nào còn dư mua. HoSE chứng kiến 170 mã giảm sàn, nhiều gấp 3 lần buổi sáng, trong đó 146 mã hoàn toàn mất thanh khoản.
VN-Index đóng cửa giảm 3,89% so với tham chiếu, tương đương bốc hơi 38,35 điểm. Mức giảm này đã là nhẹ đi một chút, khi ở đáy chỉ số bốc hơi gần 50 điểm (-5,05%).
Vài điểm hồi lại là nhờ một số mã lớn được kích giá lên ở đợt cuối. VIC từ chỗ giảm 3,17% co lại còn giảm 1,3%. VHM từ giảm 5% được kéo giật lên còn giảm 1,35%. GAS từ giảm 5,5% còn -2,58%. VCB từ -3,24% còn -1,62%... Dù vậy mức độ phục hồi này không giúp VN-Index thoát khỏi một phiên thủng đáy toàn diện. Chỉ số đóng cửa xuống mức 947,24 điểm.
Rổ VN30 kết phiên cũng ghi nhận 11 mã giảm sàn, bên cạnh loạt cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, còn có HPG, MSN, MWG, GVR, SSI. Với độ rộng cực hẹp và quá nhiều mã giảm sàn, hầu như nhóm nào cũng có cổ phiếu mất thanh khoản. Điều này lý giải tại sao giá giảm cực mạnh buổi chiều nhưng thanh khoản lại chỉ tăng được 7% so với buổi sáng, tương đương 5.258 tỷ đồng. Người bán đã không còn có thể bán được, khi bên mua hoàn toàn trống trơn.
Tình cảnh mất thanh khoản này cho thấy sự suy kiệt của ham muốn bắt đáy. Một phần vì nguồn lực của nhà đầu tư đã hao tổn quá nhiều sau những lần bắt đáy và thua lỗ trước đó, một phần vì quá chán nản không biết khi nào thị trường mới vượt qua được đợt giải chấp tàn bạo này. Nhà đầu tư cá nhân đã kiệt sức, trong khi để cứu thị trường phải có dòng tiền của tổ chức. Đa phần các tổ chức chuyên nghiệp đang chứng kiến mức thua lỗ nghiêm trọng, các nhà đầu tư lớn khác thì mắc kẹt với thanh khoản đến mức phải bán cổ phiếu để huy động tiền mặt.
Khối ngoại đã giảm bán và tăng mua chiều nay, dù vẫn chưa thể xoay chuyển được tình hình một cách rõ ràng. Tổng giá trị mua vào ở HoSE buổi chiều là 1.303,3 tỷ đồng, bán ra 1.049 tỷ đồng. Như vậy chiều nay khối này mua ròng hơn 254 tỷ đồng, giúp vị thế bán buổi sáng đảo ngược thành mua ròng gần 16,8 tỷ đồng cả phiên. Tuy vậy khối này vẫn xả lớn ở HPG tới 159,9 tỷ đồng ròng, STB -101,9 tỷ. Tuy vậy tổng lượng bán ở HPG mới chỉ chiếm 22,5% thanh khoản mã này, phần lớn là lực bán của nhà đầu tư trong nước ép HPG xuống giá sàn. Lượng bán ở STB cũng chỉ chiếm hơn 19% thanh khoản, giá mã này cũng giảm sàn.
Phía mua ròng, KBC, VHC, DPM, DCM, POW, KDH, NLG là những cổ phiếu được mua từ 20 tỷ đến trên 30 tỷ đồng. Các cổ phiếu này cũng giảm sàn rất nhiều và lực mua từ tài khoản ngoại chỉ chiếm phần nhỏ.
Phiên giảm hôm nay phát tín hiệu rất bất lợi khi VN-Index để thủng ngưỡng đáy mới đạt được hồi tháng 10 vừa qua. Nhà đầu tư dũng cảm dám bắt hồi đầu tuần này cũng là do kỳ vọng thị trường sẽ tạo hai đáy rồi phục hồi. Hôm nay những kỳ vọng đó tan vỡ và nhu cầu cắt lỗ tăng lên đột biến.