14:52 12/09/2023

Kỷ nguyên đá quý giá rẻ sắp bắt đầu?

Băng Hảo

Nhu cầu kim cương đã suy yếu sau đại dịch khi người tiêu dùng vung tiền cho du lịch và trải nghiệm khám phá, trong khi đó những cơn gió ngược kinh tế liên tục gây ảnh hưởng đến các loại hình chi tiêu xa xỉ…

Ảnh: Natural Diamonds
Ảnh: Natural Diamonds

Các loại đá dùng làm nhẫn đính hôn một hoặc hai carat phổ biến ở Mỹ đã có mức giá giảm mạnh so với phần còn lại của thị trường. Theo những người trong ngành, lý do xuất phát từ nhu cầu về đá nhân tạo được làm ra từ các phòng thí nghiệm tăng cao. Quy mô và tốc độ giảm giá của một số sản phẩm chủ lực đã khiến thị trường nhiễu loạn. Câu hỏi đặt ra là liệu nhu cầu giảm mạnh về kim cương tự nhiên trong danh mục này có tiếp tục kéo dài hay không?

KIM CƯƠNG THÔ TỰ NHIÊN HẠ GIÁ

Thông thường, De Beers giữ sự độc quyền của mình trong mảng kim cương bằng cách thu gom tất cả nguồn cung nguyên liệu thô, sau đó chỉ tung ra 10 đợt bán hàng mỗi năm. Tập đoàn đứng đầu ngành đá quý cho rằng cho rằng sự sụt giảm hiện tại là hiện tượng tự nhiên do nhu cầu giảm, sau khi giá tăng vọt trong thời kỳ đại dịch, trong đó nhẫn cưới (giá thành rẻ hơn) là mặt hàng đặc biệt dễ bị ảnh hưởng.

De Beers đã phản ứng trước nhu cầu suy yếu bằng cách giảm giá mạnh cho danh mục được gọi là “đồ trang sức chọn lọc”, gồm những viên kim cương thô từ 2 - 4 carat có thể cắt thành những viên đá có kích thước bằng một nửa khi đánh bóng, tạo ra những viên kim cương trung tâm cho nhẫn cô dâu có chất lượng cao nhưng giá thành giảm. Các nhà giao dịch cho biết, De Beers thường tính sẵn những đợt giảm giá mạnh mẽ như biện pháp cuối cùng và quy mô đợt giảm giá gần đây đối với một sản phẩm tiêu chuẩn là chưa từng có.

Theo đó, De Beers đã giảm hơn 40% giá mặt hàng này trong năm qua, trong đó có một lần giảm hơn 15% vào tháng 7. Cụ thể, vào tháng 6/2022, De Beers đã tính phí khoảng 1.400 USD/carat cho một số viên kim cương có thể chế tạo được. Đến tháng 7 năm nay, giá đó đã giảm xuống còn khoảng 850 USD/carat.

De Beers giữ sự độc quyền của mình trong mảng kim cương bằng cách thu gom tất cả nguồn cung nguyên liệu thô.
De Beers giữ sự độc quyền của mình trong mảng kim cương bằng cách thu gom tất cả nguồn cung nguyên liệu thô.

Theo Paul Zimnisky, nhà phân tích độc lập chuyên đối chiếu dữ liệu giao dịch kim cương từ thị trường bán lẻ, giá của một viên kim cương tự nhiên 1 carat đã đánh bóng giảm hơn 1/4 kể từ mức đỉnh năm 2022 xuống còn 5.185 đô la, mức thấp nhất trong 8 năm khi thị trường kim cương tự nhiên đối mặt với một nguồn cạnh tranh mới. Có thể nói, cơn bùng nổ nhu cầu về kim cương tổng hợp đang bắt đầu định hình lại hoàn toàn thị trường trang sức kim cương toàn cầu trị giá 89 tỉ đô la.

Trong khi đó, cũng theo ông Zimnisky, thị phần của những viên đá quí nhân tạo trên thị trường kim cương toàn cầu đã tăng từ 3,5% vào năm 2018 lên mức dự kiến là 16,5%, tương đương 14,6 tỉ đô la vào năm 2023. Trong khi đó, doanh số bán kim cương tự nhiên tính bằng đô la không thay đổi kể từ năm 2015.

“Kim cương được khai thác từ các mỏ sẽ dần trở thành sản phẩm của thị trường ngách. Vì sao mọi người phải trả nhiều hơn cho một sản phẩm giống hệt nhau về mặt cấu trúc nguyên tử?”, Martin Roscheisen, CEO của Diamond Foundry, công ty có sản lượng kim cương tổng hợp lớn tương đương với sản lượng khai thác ở một trong năm mỏ kim cương tự nhiên lớn nhất thế giới, nói.

KIM CƯƠNG NHÂN TẠO CŨNG “LAO DỐC”

Kim cương được chế tạo trong phòng thí nghiệm là những viên đá giống hệt kim cương về mặt cấu tạo vật lý, có thể được tạo ra trong phòng thí nghiệm chỉ với vài tuần, từ lâu đã được coi là mối đe dọa hiện hữu đối với ngành khai thác mỏ tự nhiên. Đồng thời những người đề xướng xem đây là một giải pháp thay thế rẻ hơn mà không gây ra nhiều ảnh hưởng đến môi trường hoặc xã hội.

Kim cương được chế tạo trong phòng thí nghiệm (trái) là những viên đá giống hệt kim cương tự nhiên về mặt cấu tạo vật lý.
Kim cương được chế tạo trong phòng thí nghiệm (trái) là những viên đá giống hệt kim cương tự nhiên về mặt cấu tạo vật lý.

Theo Bloomberg, một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất về sức hút của kim cương nhân tạo là tỷ trọng xuất khẩu kim cương từ Ấn Độ, nơi khoảng 90% nguồn cung toàn cầu được cắt và đánh bóng. Hội đồng Xúc tiến xuất khẩu đá quí và trang sức Ấn Độ (GJEPC) cho biết xuất khẩu kim cương tổng hợp được đánh bóng từ Ấn Độ, đã tăng vọt lên 1,7 tỉ đô la trong giai đoạn từ tháng 4/2022 đến tháng 3/2023, tăng 28% so với năm tài chính trước đó. Ngược lại, xuất khẩu kim cương tự nhiên đã cắt và đánh bóng của Ấn Độ lại giảm 8% trong cùng kỳ, xuống còn 22 tỉ đô la.

Mặc dù kim cương nhân tạo đang góp phần làm giảm nhu cầu về kim cương tự nhiên, nhưng bản thân ngành đá quý tổng hợp trong phòng thí nghiệm cũng có những khó khăn riêng. Bởi giá của kim cương tổng hợp thậm chí còn giảm mạnh hơn kim cương tự nhiên, từ hơn 5.000 đô la cho một viên kích cỡ 1 carat vào năm 2016 xuống còn 1.425 đô la hiện nay. T

Tương tự, khoảng 5 năm trước, đá quý tổng hợp trong phòng thí nghiệm được bán với mức chiết khấu khoảng 20% ​​so với kim cương tự nhiên, nhưng hiện tại con số này đã tăng lên khoảng 80% khi các nhà bán lẻ đẩy giá chúng ngày càng thấp hơn và chi phí sản xuất giảm xuống. 

Tờ Financial Times nhận định, giá giảm nhanh nhờ tính kinh tế khi quy mô sản xuất lớn giúp giảm chi phí, đồng thời do các nhà cung cấp kim cương tổng hợp đổ xô vào thị trường đang bùng nổ, khiền nguồn cung vượt xa nhu cầu. Pandora, nhà bán lẻ đồ trang sức lớn nhất thế giới, cho biết công ty sẽ mở rộng hơn nữa trong phân khúc phát triển nhanh nhất là kim cương được tạo ra trong phòng thí nghiệm.

Mặc dù kim cương nhân tạo đang góp phần làm giảm nhu cầu về kim cương tự nhiên, nhưng bản thân ngành này cũng có những khó khăn riêng.
Mặc dù kim cương nhân tạo đang góp phần làm giảm nhu cầu về kim cương tự nhiên, nhưng bản thân ngành này cũng có những khó khăn riêng.

Do đó, ngày càng có nhiều lo ngại rằng sự giảm giá của kim cương tổng hợp sẽ dẫn đến tình trạng phá sản ở các nhà sản xuất và bán lẻ trang sức sử dụng những viên đá quí rẻ tiền hơn này. Một số người trong ngành cho rằng thị trường đang trải bước ngoặt quan trọng khi các nhà bán lẻ không còn coi kim cương nhân tạo là một ngành kinh doanh có lợi nhuận cao mà là một ngành kinh doanh thua lỗ do giá giảm quá nhanh.

David Kellie, CEO của Hội đồng kim cương tự nhiên, nói rằng người tiêu dùng nhìn nhận những viên kim cương tự nhiên được khai thác tương tự như cách nhìn nhận đồng hồ Thụy Sĩ khi đối mặt với mối đe dọa từ các mẫu đồng hồ thông minh của Apple và Fitbits. “Mọi người không mua đồng hồ Thụy Sĩ để xem giờ. Apple có thể bán được nhiều đồng hồ hơn toàn bộ ngành đồng hồ Thụy Sĩ nhưng liệu điều quan trọng là công ty này có thể duy trì tăng trưởng hay không?”, ông nói.

Vipul Shah, chủ tịch của GJEPC, tin rằng cả hai loại đá quí này có thể cùng tồn tại nhưng ông cho biết, sự cạnh tranh gay gắt nhất sẽ diễn ra ở các nhà sản xuất kim cương trong phòng thí nghiệm. “Ai không cạnh tranh được về giá, họ sẽ buộc ngừng kinh doanh. Đó là những gì đang xảy ra hiện nay”, ông Shah nói.