14:55 16/01/2024

Kỷ nguyên mới của bán lẻ thông minh

Minh Nguyệt

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Việt Nam đang chứng kiến sự đột phá trong lĩnh vực thương mại điện tử. Quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ của Việt Nam năm 2023 dự kiến đạt 20,5 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2022...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Kể từ đại dịch Covid-19, ngành bán lẻ trên toàn thế giới mang một diện mạo hoàn toàn mới mẻ. Doanh số bán hàng trực tuyến ngày càng tăng, các cửa hàng trực tuyến, những website thương mại điện tử và thậm chí các mạng xã hội đều đang mở rộng công cụ mua sắm nhằm nâng cao trải nghiệm mua hàng online. Trong bối cảnh ấy, trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (ML) nổi lên nhanh chóng, trở thành một trong những chủ đề và động lực chính để mở ra các xu hướng quan trọng trong thị trường bán lẻ năm 2024.

AI TRONG HÀNH TRÌNH CÁ NHÂN HÓA

Khi người tiêu dùng có quá nhiều lựa chọn, họ không còn muốn “lướt” hết trang này đến trang khác để tìm kiếm thông tin về sản phẩm nữa. Thay vào đó, họ cần những đề xuất phù hợp với sở thích và nhu cầu của họ. Đây là cách cá nhân hóa đã nổi lên như một xu hướng mới. Năm 2024, các nền tảng trực tuyến đang tận dụng công nghệ AI và dữ liệu lớn để đưa ra các đề xuất sản phẩm được cá nhân hóa, tối ưu hóa hành trình mua hàng của người dùng. Chúng thường dựa trên các dữ liệu như thời gian xem sản phẩm hoặc các lượt mua trong quá khứ để gợi ý các sản phẩm mới. Tính năng này sẽ giúp nâng cao cơ hội mua hàng, gia tăng doanh số bán hàng trực tuyến.

Từ việc phân tích các kiểu duyệt web đến dự đoán các quyết định mua hàng, AI cũng cho phép các doanh nghiệp hiểu khách hàng của mình ở mức độ sâu sắc hơn. Ví dụ, ứng dụng thương mại điện tử hàng tạp hóa Instacart đã ra mắt một công cụ tìm kiếm, hỗ trợ bằng AI mới dựa trên ChatGPT của OpenAI. Công cụ tìm kiếm “Ask Instacart” này được thiết kế để giúp khách hàng tiết kiệm thời gian và hỗ trợ họ giải đáp các thắc mắc về mua sắm bằng cách đưa ra các đề xuất được cá nhân hóa như cách chế biến thực phẩm, thuộc tính sản phẩm, cân nhắc về chế độ ăn uống... Ask Instacart thậm chí còn nhắc nhở người dùng về nhu cầu của họ dựa trên lịch sử mua sắm và khuyến khích họ khám phá các sản phẩm mới.

Sàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới Amazon mới đây cũng quyết định đầu tư 4 tỷ USD vào công ty khởi nghiệp Anthropic, để được phép truy cập sớm vào các tiến bộ trong công nghệ trí tuệ nhân tạo và ứng dụng vào hoạt động kinh doanh. Ngày nay, Amazon sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cho mọi thứ, từ Alexa - công nghệ kích hoạt bằng giọng nói hàng đầu trong ngành, đến các cửa hàng tạp hóa không thu ngân Amazon Go, và Amazon Web Services Sagemaker - công cụ cơ sở hạ tầng đám mây triển khai các mô hình máy học chất lượng cao cho các nhà khoa học dữ liệu và nhà phát triển.

Năm 2024, các nền tảng trực tuyến đang tận dụng công nghệ AI và dữ liệu lớn để đưa ra các đề xuất sản phẩm được cá nhân hóa.
Năm 2024, các nền tảng trực tuyến đang tận dụng công nghệ AI và dữ liệu lớn để đưa ra các đề xuất sản phẩm được cá nhân hóa.

Ở châu Á, từ năm 2024, chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven Nhật Bản dự định sử dụng AI để tạo văn bản và hình ảnh cho các sản phẩm mới. Sức mạnh của AI này sẽ được cung cấp từ việc phân tích dữ liệu bán hàng trong cửa hàng và phản hồi từ người tiêu dùng thông qua mạng xã hội. Dự kiến, điều này sẽ giúp rút ngắn đến 90% thời gian cần thiết cho việc lên kế hoạch sản phẩm và cải thiện việc phân phối theo các xu hướng và nhu cầu thực tế của khách hàng. Để thực hiện kế hoạch này, 7-Eleven Nhật Bản đã đầu tư vào cơ sở hạ tầng dựa trên công nghệ đám mây. Hơn nữa, họ đã hợp tác với các tên tuổi nổi tiếng trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo như OpenAI, Google và Stability AI.

Ngoài ra, hầu hết điện thoại thông minh hiện nay đều có tính năng tìm kiếm bằng giọng nói. Đến năm 2025, ước tính thị trường nhận dạng giọng nói toàn cầu sẽ tăng trưởng với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm đạt 17,2% cho giai đoạn 2019 đến 2025, tương đương giá trị 26,8 tỷ USD. Tính năng tìm kiếm bằng giọng nói trên các website thương mại điện tử sẽ hoạt động theo cách giống như Amazon, Google Assistant của Google và Siri của Apple. Tập trung vào xu hướng tìm kiếm bằng giọng nói không chỉ tăng cường khả năng tiếp cận người mua, mà còn nâng cao trải nghiệm, sự tiện lợi cho khách hàng trong quá trình mua sắm.

Cuối cùng, việc áp dụng công nghệ AR có thể giúp khai phá tiềm năng tăng trưởng và nâng cao mức độ tương tác của khách hàng trong lĩnh vực bán lẻ. AR cũng sẽ giúp các nhà bán lẻ giảm bớt điều hướng và cho phép người mua sắm nhận thông tin chỉ đường để tìm sản phẩm hoặc thương hiệu bằng chính camera từ điện thoại của họ. Cho dù là công cụ nào mà các nhà bán lẻ đã, đang và sẽ tìm cách tích hợp vào hoạt động của mình, theo ông Siddharth Gondode, Phó Chủ tịch phụ trách lĩnh vực Digital tại Central Retail, “bán lẻ thông minh sẽ dịch chuyển khỏi triết lý bán hàng theo số lượng, mà tập trung ưu tiên thiết lập mối quan hệ bền vững với khách hàng”...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 03-2023 phát hành ngày 15-01-2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Kỷ nguyên mới của bán lẻ thông minh - Ảnh 1