15:07 10/01/2024

Kỳ vọng của nông dân miền núi: Cụ thể hóa bằng hành động

Chương Phượng

Trong số 995 đại biểu nông dân từ khắp mọi miền Tổ quốc về Thủ đô tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, có nhiều nông dân người dân tộc thiểu số từ miền núi, vùng sâu vùng xa lần đầu tiên đến Thủ đô. Họ mang theo nhiều mong muốn, khát khao và kỳ vọng về tương lai…

Công tác tập huấn, đào tạo kỹ thuật cho nông dân rất quan trọng
Công tác tập huấn, đào tạo kỹ thuật cho nông dân rất quan trọng

Chị Chu Thị Cải (22 tuổi, người dân tộc Lô Lô) đến từ xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng là đại biểu trẻ tuổi nhất Đại hội. Chị cho biết người dân Cao Bằng thường truyền miệng câu ca “Xa Yên Thổ, khổ Đức Hạnh...”, bởi địa hình xã này là núi cao hiểm trở trập trùng bao quanh, đồng bào các dân tộc: Mông, Lô Lô, Nùng, Tày sinh sống trong điều kiện cực kỳ khó khăn, khắc nghiệt.

ƯỚC MONG MIỀN NÚI TIẾN KỊP MIỀN XUÔI

Theo chị Cải, dù nằm ở đầu nguồn sông Nho Quế nhưng xã Đức Hạnh được mệnh danh là nơi “đất khát”, bởi quanh năm thiếu nước sinh hoạt, không có nước để chăn nuôi, trồng trọt. Tuy nhiên, hiện nay người dân cũng đã nỗ lực vượt qua sự khắc nghiệt, tích cực trồng rừng với các loại cây hồi, cây quế, đồi thông, nương sắn cao sản… để mang lại thu nhập, giúp người dân thoát nghèo.

 

"Tôi băn khoăn về cơ chế, chính sách cho đội ngũ cán bộ Hội Nông dân, nhất là cấp cơ sở. Bởi hiện nay các mức hỗ trợ, phụ cấp như trước đây không còn nên việc triển khai các hoạt động, phong trào ở cơ sở cũng gặp nhiều hạn chế. Thực tế, cán bộ Hội cơ sở rất vất vả nhưng không có phụ cấp nên nhiều người đã xin nghỉ Chi hội trưởng nông dân". 

Bà Ksor H’Tư, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kon Tum.

“Tham dự Đại hội lần này em mong muốn nhận được nhiều chia sẻ, đóng góp những ý kiến, sáng kiến kinh nghiệm, góp phần phục vụ cho nông dân cùng phát triển. Em ước mong miền núi quê em tiến kịp miền xuôi”, cô gái người Lô Lô bày tỏ.

Bà Ksor H’Tư, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kon Tum, cho biết những năm qua, thực hiện cuộc vận động của tỉnh về hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, Hội Nông dân tỉnh Kon Tum đã tích cực phối hợp với các địa phương, các ngành, đoàn thể tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình. Nhờ đó, nhiều đồng bào đã từng bước đổi mới tư duy sản xuất, có thêm kỹ năng trong trồng trọt, chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo làm giàu.

Ông Lù Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Điện Biên, cho biết Điện Biên là tỉnh miền núi, tỷ lệ đói nghèo cao, trong khi Trung ương Hội Nông dân đề ra tỷ lệ nông dân đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện trên 30% là cao và khó thực hiện. Tương tự, việc vận động thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác, cũng như quy định 30% hội viên nông dân tham gia là thành viên tổ hợp tác xã cũng tương đối khó khăn đối với một tỉnh miền núi như Điện Biên.

CẦN NÂNG CAO NĂNG LỰC CHO NÔNG DÂN

Ông Võ Văn Thuận, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Củ Chi (TP. HCM), kiến nghị Trung ương Hội Nông dân xem xét phối hợp với các ban, ngành tạo cơ chế chính sách giữa ba nhà (nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học) để làm sao sản phẩm của nông dân làm ra được tiêu thụ hết, giúp nông dân yên tâm sản xuất. Chúng ta không thể cứ theo tín hiệu thị trường rồi đua nhau làm, sau đó lại phải giải cứu. Vì vậy, trong phương hướng nhiệm vụ 5 năm tới, cần có kế hoạch tổng thể, dự báo tình hình cho nông dân.

Ông Đào Trọng Mười chuyên sản xuất nước mắm truyền thống, cho hay đã tham gia Hội Nông dân tỉnh mấy năm, nhưng vẫn chưa nhận được nhiều chính sách hỗ trợ cho nông dân, nhất là áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật. Do đó, ông Mười mong muốn trong nhiệm kỳ tới, Hội Nông dân Việt Nam có thêm nhiều chương trình, dự án giúp bà con, hội viên đưa thêm nhiều máy móc, thiết bị mới vào sản xuất hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo, tập huấn rất quan trọng với các hội viên và nông dân. Vì vậy, Hội Nông dân các cấp cần tổ chức thêm nhiều chương trình nâng cao kiến thức cho người dân, giúp bà con sử dụng trang thiết bị hay kiến thức bán hàng qua các sàn thương mại, mạng xã hội đạt hiệu quả cao nhất.

Theo ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, ở các tỉnh miền núi phía Bắc có nhiều rào cản phát triển kinh tế nông nghiệp. Nguyên nhân do tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị còn yếu, tiêu thụ hàng hóa nông sản chủ yếu tại chợ truyền thống, sản phẩm thô “sáng tươi chiều héo”. Trong cơ chế thị trường hội nhập, nếu nông dân không thay đổi phương pháp sản xuất thì sẽ bị đẩy ra khỏi thị trường.

Đồng thời, ông Tường cho rằng cần nâng cao năng lực chủ thể của nông dân thông qua khơi dậy ý thức tự chủ, tự lực, tự cường; trau dồi kiến thức gắn với phát triển kinh tế, nâ̂ng cao thu nhậ̂p của ngư̛ời dâ̂n...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 02-2024 phát hành ngày 08-1-2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Kỳ vọng của nông dân miền núi: Cụ thể hóa bằng hành động - Ảnh 1