Thủ tướng: Phát triển nông nghiệp, cần đẩy mạnh 3 giải pháp đột phá chiến lược
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Muốn chuyển đổi từ nông nghiệp đơn giá trị sang đa giá trị, phát triển nông nghiệp bền vững, nông nghiệp xanh và tuần hoàn, cần đẩy mạnh 3 giải pháp đột phá chiến lược: hoàn thiện đồng bộ thể chế; phát triển nguồn nhân lực; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng"…
Chiều 30/12/2023 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đối thoại trực tiếp với nông dân với chủ đề "Nông dân là chủ thể, là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững".
Tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ, 70 nông dân tiêu biểu, sản xuất kinh doanh giỏi, đại diện cho nông dân cả nước đã trực tiếp đối thoại với Thủ tướng và các thành viên Chính phủ. Ban Tổ chức cũng tiến hành thực hiện trực tuyến tại 63 điểm cầu ở các tỉnh thành phố, để nông dân khắp mọi miền tổ quốc được theo dõi.
6 NHÓM CÂU HỎI TỪ NÔNG DÂN
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn, cho biết Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023 diễn ra ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 46- NQ/TW ngày 20/12/2023 về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng với yêu cầu cách mạng trong giai đoạn mới và Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam (nhiệm kỳ 2023- 2028) kết thúc thành công tốt đẹp. Hội Nông dân Việt Nam đã tập hợp hàng nghìn câu hỏi và kiến nghị của nông dân, tập trung vào 6 vấn đề chính.
Thứ nhất, bà con nông dân mong muốn Chính phủ có các chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương chức thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân; đặc biệt là các lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên triển khai như phát triển kinh tế xanh, nông nghiệp sinh thái, thúc đẩy chuỗi liên kết đa giá trị.
Thứ hai, nhiều ý kiến, đề xuất, nguyện vọng quan tâm đến các giải pháp hỗ trợ nông dân khi tham gia Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, giảm phát thải vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Thứ ba, nhiều ý kiến, đề xuất, kiến nghị với Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy hỗ trợ chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Thứ tư, kiến nghị đề xuất Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả các đề án về canh tác cà phê, sản xuất tôm theo chuỗi bền vững.
Thứ năm, kiến nghị Chính phủ có giải pháp, chính sách trong việc xử lý ô nhiễm môi trường ở nông thôn.
Thứ sáu, vấn đề giải quyết việc làm cho lao động nông thôn sau khi dịch chuyển sang lĩnh vực công nghiệp, ra đô thị làm việc, hay đi xuất khẩu lao động, sau đó do hết hạn hợp đồng, do dịch bệnh, do tuổi tác, sức khỏe, kỹ năng, tay nghề không đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp và quay về nông thôn…
Nông dân Y Pốt Niê đến từ tỉnh Đắk Lắk nêu câu hỏi: Thời gian tới Chính phủ sẽ có những chính sách gì để thúc đẩy, khuyến khích, hỗ trợ nông dân thực hiện nhanh quá trình chuyển đổi từ tư duy từ sản xuất sang tư duy kinh tế trong nông nghiệp, từ nông nghiệp đơn giá trị sang nông nghiệp đa giá trị?
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho hay: Chúng ta có thương hiệu gạo ngon nhất thế giới, gạo 5% tấm của chúng ta bán đắt nhất thế giới. Chúng ta phải xây dựng thương hiệu và có thương hiệu mà không quy hoạch thì rất khó xuất khẩu được nhiều sản phẩm. Người ta bán sản phẩm OCOP nhưng bán không được nhiều vì sản phẩm có hạn, xây dựng thương hiệu và quy hoạch kém.
Do vậy, thứ nhất, Nhà nước sẽ làm tốt khâu quy hoạch cho nông dân sản xuất theo nhu cầu thị trường.
Thứ hai, phải có doanh nghiệp cung ứng đầu vào và lo đầu ra cho người dân.
Thứ ba, Ngân hàng phải cho vay, làm nông nghiệp mà bắt phải nông dân vay như lĩnh vực khác như bất động sản là rất khó.
Chúng ta phải có chính sách ưu đãi vốn riêng cho nông nghiệp với đặc thù riêng để bà con có thể tiếp cận vốn nhanh đầu tư vào sản xuất đạt hiệu quả cao.
Thứ tư, xây dựng thương hiệu, bao bì, mẫu mã, thiết kế... Nếu chúng ta gói hàng đơn sơ như vào đùm mắm tôm sẽ có giá khác, rất thấp nhưng nếu có bao bì đẹp, mẫu mã bắt mắt sẽ bán đắt gấp nhiều lần.
Nhắn nhủ thêm với người dân, người đứng đầu Chính phủ căn dặn” “Bà con phải tự chủ và phải xây dựng mô hình sản xuất bài bản, chuyên nghiệp theo quy hoạch và theo quy luật thị trường. Chúng ta cần sản xuất cái mà thị trường cần chứ không nên làm cái mình có".
Nông dân Đặng Văn Bảy đang nuôi 45ha tôm áp dụng công nghệ cao nêu câu hỏi: Chính phủ cũng đã có chủ trương về xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp, trong đó có hệ sinh thái ngành tôm; xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hướng tới mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD ngành tôm. Thời gian tới Chính phủ sẽ có những chính sách gì hỗ trợ nông dân để xây dựng chuỗi công nghiệp và hệ sinh thái tôm phát triển mạnh hơn?
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng phát triển mô hình tuần hoàn, tôm thải ra gì thì tôm có thể hấp thu được và ngược lại. Muốn có hệ sinh thái tốt thì công tác quy hoạch vẫn là vấn đề đầu tiên. Đảng, Nhà nước phải có quy hoạch tổng thể. Tất nhiên từng tỉnh, thành cụ thể cũng cần lên kế hoạch chi tiết cho địa phương mình.
Bên cạnh quy hoạch thì Nhà nước cũng sẽ có cơ chế chính sách, cụ thể là Nhà nước phải đi ký kết các hiệp định để có thị trường lo được đầu ra cho bà con. Rồi có cơ chế chính sách lo đầu vào cho bà con, đó chính là bình ổn giá các mặt hàng phân bón, các loại sinh phẩm… Nhà nước sẽ có hỗ trợ cho bà con các vấn đề về vốn, rồi chế biến ra sao để có thể tận dụng được triệt để cả những phần mà trước tới nay chúng ta vẫn thường bỏ đi như đầu, vỏ tôm. Nhà nước phải lo cả môi trường chung chứ không thể phó mặc cho bà con. Lo hệ sinh thái các loại cống, đập ngăn mặn như thế nào để bà con có môi trường tốt nhất cho nuôi tôm.
ĐẨY MẠNH 3 GIẢI PHÁP CHIẾN LƯỢC
Trả lời chung nhiều câu hỏi của nông dân về phát triển kinh tế nông nghiệp xanh, giảm phát thải, bền vững, chuyển đổi số nông nghiệp, triển khai có hiệu quả các đề án của ngành nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng: Cần đẩy mạnh 3 giải pháp đột phá chiến lược, đó là hoàn thiện đồng bộ thể chế; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng.
Trong đó đẩy mạnh vai trò của nông dân, thông qua Luật Hợp tác xã, Luật Đất đai sửa đổi, Luật Viễn thông, Luật giao dịch điện tử. Ngoài ra chúng ta còn có các chương trình mục tiêu quốc gia xoá đói giảm nghèo, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…
Nhà nước cũng đã ban hành chính sách thúc đẩy đầu tư công trị giá 800.000 tỷ đồng, trong đó chú trọng phát triển giao thông từ Bắc đến Nam. Liên quan tới hạ tầng phòng chống biến đổi khí hậu, vừa qua các tỉnh, thành Trung ương đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng để khắc phục sạt lở, sụt lún, hạn hán, ngập úng, bão lũ và đã chi từ 6.000 - 7.000 tỷ hỗ trợ bà con khôi phục, phát triển sản xuất.
"Chúng ta chú trọng đầu tư vùng lõm, nhất là ở những thôn bản chưa có điện. Đẩy mạnh chuyển đổi số mà không có điện thì làm sao chuyển đổi được".
Thủ tướng Chinh phủ Phạm Minh Chính.
Đối với chuyển đổi sản xuất xanh, Thủ tướng cho hay “Chúng ta cam kết tới năm 2030 giảm 30% khí metan. Thị trường châu Âu cũng đưa ra các điều kiện về sản xuất bền vững, do đó bắt buộc chúng ta phải sản xuất xanh. Chúng ta đã có chính sách phát triển xanh, bây giờ là phải quyết tâm thực hiện. Mới đây nhất Chính phủ đã phê duyệt Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với phát thải khí nhà kính tại Đồng bằng sông Cửu Long. Việt Nam đến nay vẫn là nước duy nhất trên toàn thế giới có chương trình này”.
Đặc biệt năm 2022, lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết phát triển 6 vùng chiến lược, đến nay đã thành lập hội đồng 6 vùng. Đó là những hành động rất quyết liệt, thể hiện sự quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Năm nay khó khăn như thế nhưng nông nghiệp vẫn tăng trưởng 3,83%; xuất khẩu vẫn đạt chỉ tiêu, ít nhất được 53 tỷ USD, trong đó hơn 10 ngành nghề đạt từ 1 tỷ USD trở lên. Những thành quả đó có sự đóng góp lớn của nông dân. Rõ ràng đây là kết quả của sự xoay chuyển tình thế.