09:17 25/04/2025

Kỳ vọng sức mua tăng 20 - 30% trong dịp lễ 30/4

Tuệ Mỹ

Để đạt mục tiêu tăng trưởng 12%, ngành bán lẻ cần thêm động lực từ chính sách giảm 2% thuế VAT đến các chiến dịch khuyến mại quy mô lớn. Dịp lễ 30/4 - 1/5 được xem là "cú chạy đà" quan trọng giúp thúc đẩy sức mua...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo tính toán của các nhà bán lẻ, sức mua của người tiêu dùng đã cải thiện đáng kể trong quý 1/2025, với giá trị giỏ hàng vào khoảng 320.000 - 360.000 đồng. Bước sang quý 2, mục tiêu của các doanh nghiệp là nâng sức mua của người tiêu dùng lên 15 - 20%, nâng giá trị giỏ hàng lên khoảng 400.000 - 420.000 đồng.

Tại nhiều siêu thị nhiều chương trình kích cầu đang được triển khai, từ giảm giá 10%, 30%... đến giảm 50%; mua hàng kèm quà tặng... Sức mua của người tiêu dùng dịp lễ năm nay được dự đoán tăng 20 - 30% so với ngày thường. Các nhà bán lẻ cho biết, đã chủ động tăng lượng hàng dự trữ, đồng thời mở rộng thời gian khuyến mãi kéo dài từ 2 đến 3 tuần.

Ông Ngô Hồng Y, Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương TP.HCM, cho biết: "Đợt nghỉ lễ dài sắp tới Sở Công Thương đảm bảo cung cấp hàng hoá thiết yếu đủ cho người dân thành phố. Vận động các hệ thống phân phối tăng cường xúc tiến thương mại, các hoạt động khuyến mại để tăng sức mua. Kỳ vọng sức mua quý 2 tăng hơn quý 1 khoảng 10%".

SIÊU THỊ ĐÓN ĐẠI LỄ

Từ trung tuần tháng 4, nhiều siêu thị, trung tâm mua sắm đã nghĩ cách để thu hút người dân đến mua sắm. Chẳng hạn hệ thống siêu thị Winmart khởi động chương trình “Ưu đãi cực hời - Vui lễ thảnh thơi” giảm giá lên tới 50%, mua 1 tặng 1, tặng quà kèm theo khi mua các sản phẩm thiết yếu, sản phẩm đặc trưng mùa lễ hội như: đồ uống, thực phẩm chế biến sẵn hay các sản phẩm chăm sóc cá nhân phục vụ du lịch.

Kỳ vọng sức mua tăng 20 - 30% trong dịp lễ 30/4 - Ảnh 1

Cũng từ những ngày đầu tháng 4, hệ thống Saigon Co.op tổ chức lễ hội hàng hợp tác xã. Theo đó, Co.opmart, Co.opXtra trưng bày hơn 1.000 sản phẩm có chỉ dẫn địa lý từ TP.HCM, Đồng Nai, Tây Ninh, Đồng Tháp, Lâm Đồng, Đăk Nông, Phú Quốc, Thanh Hóa, Hà Nội, Thái Nguyên... được giảm giá 30 - 50%. Thêm vào đó, các loại trái cây OCOP 4 sao như xoài cát Cần Giờ, mãng cầu Tây Ninh, rau củ Đà Lạt... giảm giá đến 20%.

Chào đón mùa hè, siêu thị Co.op Mart cũng triển khai chương trình “Mở tiệc mừng lễ - Giá giảm bao mê”. Ưu đãi giảm giá cho các món ăn dành cho bữa tiệc tại gia. Thông qua chương trình khuyến mại “Bàn tiệc tươi ngon - Tưng bừng đón lễ”, luân phiên giảm giá 15 - 20% cho các thực phẩm phục vụ bữa ăn hằng ngày. Song song, Saigon Co.op còn có cả chương trình khuyến mãi online lên đến 50% cho nhóm thực phẩm công nghệ, hóa phẩm, đồ dùng, may mặc, hàng nhãn riêng Co.op.

Tương tự, hệ thống siêu thị Lotte Mart triển khai chương trình khuyến mãi “1 lựa chọn 1.000 lợi ích” với nhiều ưu đãi độc quyền từ các nhãn hàng riêng chất lượng của Lotte Mart. Chương trình khuyến mãi này mang đến cho khách hàng cơ hội mua sắm nhiều sản phẩm chất lượng với giá thành tốt nhất. Choice L giảm đến 40% nhiều sản phẩm như: khăn ướt, xúc xích, bột giặt, dầu, hạt điều, bánh cookie, trà đào, ngũ cốc, snack gạo...

Trong khi đó, ghi nhận tại chuỗi siêu thị Kingfoodmart cho thấy, loạt sản phẩm hàng tiêu dùng đang được giảm phổ biến từ 8 - 40% theo giá niêm yết. Chẳng hạn dầu đậu nành Meizan giảm 40%, xuống còn 79.900 đồng/chai 2 lít; gạo thơm ST25 giảm 32%, còn 129.000 đồng/túi loại 5kg, trứng gà ta Ba Huân giảm 18%, còn 23.000 đồng/hộp 6 quả…

Kỳ vọng sức mua tăng 20 - 30% trong dịp lễ 30/4 - Ảnh 2

THÚC ĐẨY SỨC MUA

Ngày 22/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện 47 về giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025. Trong đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương, địa phương có giải pháp tăng kết nối, kích cầu tiêu dùng nội địa.

Công điện được ban hành trong bối cảnh trụ cột xuất khẩu chịu áp lực từ các biến động thuế quan. Do đó, khu vực dịch vụ - hiện chiếm 43,44% cơ cấu GDP - trở thành động lực quan trọng để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 8%.

Tại "Hội nghị về các giải pháp phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng", đại diện Bộ Tài chính đánh giá tâm lý tiêu dùng còn thận trọng dù các dấu hiệu kinh tế vĩ mô tiến triển tốt. Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho rằng nếu ngành bán lẻ "không có đột phá thì khó đạt mục tiêu tăng trưởng 12%". Bộ này đang thu thập các đề xuất để hoàn thiện đề án kích cầu tiêu dùng nội địa, dự kiến trình trước 30/4.

Ông Trần Hữu Linh cho rằng các địa phương cần tăng tần suất khuyến mại nhân các ngày lễ lớn, đồng thời đổi mới Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Theo Bộ Công Thương, các chương trình kết nối cung - cầu, bình ổn thị trường sẽ giúp tạo hiệu ứng và niềm tin cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, năm nay có nhiều dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn cùng với kỳ nghỉ dài là điểm thuận lợi khuyến khích người dân tiêu dùng, mua sắm hàng hóa.

Việc khai thác tốt thị trường nội địa có thể giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững và xây dựng thương hiệu mạnh mẽ. Hiện cả nước có 1.241 siêu thị, 254 trung tâm thương mại. Hơn 10 thương hiệu của các nhà phân phối đến từ châu Âu và châu Á đã đầu tư xây dựng cơ sở ở Việt Nam như: Lotte, Central Group, TCC Group, Aeon, Circle K, KMart, Auchan, Family Mart…). Toàn quốc đã thiết lập trên 100 điểm bán hàng cố định với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại hầu hết các địa phương.

Kỳ vọng sức mua tăng 20 - 30% trong dịp lễ 30/4 - Ảnh 3

Về phía doanh nghiệp, các nhà bán lẻ cho rằng chiến lược bán lẻ đa kênh, kết hợp giữa kênh trực tuyến (thương mại điện tử, mạng xã hội, livestream) và trực tiếp (siêu thị, cửa hàng tiện lợi) đã trở thành động lực chính thúc đẩy sức mua. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Siêu thị GO! Thăng Long, chia sẻ doanh nghiệp bán lẻ nên xây dựng chiến lược bán hàng trực tuyến mạnh mẽ, tương tác hiệu quả trên mạng xã hội và tận dụng dữ liệu để cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng.

“Kênh trực tuyến của GO! hiện xử lý 700  -750 đơn hàng/ngày, chiếm 11% tổng doanh thu. Đơn hàng từ 200.000 đồng trở lên được miễn phí giao trong bán kính 10km, kết hợp các chương trình khuyến mãi hấp dẫn tại cửa hàng. Nhờ đó, doanh thu quý 1/2025 có sự tăng trưởng tốt”, ông Tuấn thông tin.

Tuy vậy, các địa phương cho biết đang gặp khó trong nâng cấp hạ tầng bán lẻ hiện hữu. Các chuỗi bán lẻ hiện đại cũng nêu tính cấp thiết xây dựng và liên kết hệ thống hạ tầng logistics, bán lẻ đồng bộ. Đại diện WinCommerce đề xuất các địa phương có chính sách và biện pháp thu hút đầu tư phát triển hạ tầng logistics đồng bộ, giảm chi phí cho ngành.

Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Nguyễn Anh Đức đồng tình cần cấu trúc lại chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của lĩnh vực phân phối trong nước. "Việc tinh gọn bộ máy, sáp nhập tỉnh, thành tạo ra không gian mới cho ngành phát triển. Do đó, các địa phướng mới cần quy hoạch lại ngành thương mại để tạo nền tảng cho giai đoạn mới", ông Đức nhận định.