Lại một chu kỳ suy thoái mới?
Dường như cứ sau khoảng 10 năm, các chấn động chu kỳ với các mức độ khác nhau của nền kinh tế toàn cầu lại diễn ra
Dường như cứ sau khoảng 10 năm, các chấn động chu kỳ với các mức độ khác nhau của nền kinh tế toàn cầu lại diễn ra.
Suy thoái cơ cấu theo quy luật?
Sau cú sốc dầu mỏ 1973, cuộc khủng hoảng 1974-1975 đã làm cho nền kinh tế thế giới rơi vào tình trạng đình trệ - lạm phát và theo đó, mọi sự điều chỉnh theo nguyên tắc tăng, giảm tổng cầu hiệu quả đã làm cho nền kinh tế thế giới chuyển từ tình trạng lạm phát sang tình trạng suy thoái và ngược lại.
Cuộc khủng hoảng chu kì ở nửa đầu những năm 80 đưa đến sự ra đời của nguyên tắc điều chỉnh nền kinh tế thế giới theo hướng tăng cung và sự tăng, giảm từ từ số lượng tiền tệ, chính sách Regannomics và các giải pháp về giảm thuế, thi hành các chính sách khôi phục đầu tư cho các tập đoàn sản xuất lớn đã đưa nền kinh tế tăng trưởng trở lại.
Tuy vậy, sự tích tụ của các nguyên nhân tạo nên tăng trưởng của nền kinh tế thế giới trong suốt 10 năm sau đó, đã làm xuất hiện một loạt các cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ: khủng hoảng tiền tệ ở Mexico (1995); khủng hoảng tài chính-tiền tệ ở Đông Á (1997-1998) và lây lan đến Nga, Brazil (dĩ nhiên là ở những mắt xích yếu nhất trong hệ thống kinh tế toàn cầu)...
Lần này, bắt đầu từ năm 2007, sự tăng giá cao đột ngột của dầu lửa, sự bùng nổ của xuất khẩu từ các nền kinh tế mới nổi, sự mất giá liên tục của đồng USD và theo đó là sự suy giảm của nền kinh tế Mỹ... và ngay từ đầu năm 2008, lạm phát gia tăng và có khuynh hướng trở thành xu thế phổ biến ở nhiều nước châu Á, không thể không khiến cho người ta suy luận đến một đặc điểm phát triển mới của nền kinh tế thế giới.
Cũng cần lưu ý thêm rằng, trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay, sự chấn động xấu ở bất kỳ khu vực nào cũng đều trở thành vấn đề chung của thế giới. Điều đặc biệt là, trong khi nền kinh tế Mỹ suy thoái thì các nền kinh tế châu Á lại rơi vào tình thế lạm phát gia tăng.
Có lẽ đây là điểm khác biệt cơ bản so với thời kỳ 1974-1975, khi dường như toàn bộ các chấn động chu kỳ chỉ diễn ra ở các nước công nghiệp phát triển; còn ngày nay, lạm phát diễn ra đồng loạt ở nhiều nước đang phát triển, nghĩa là tính lan toả của các chấn động chu kì đã mang tính toàn cầu, và rõ ràng, hiện tượng suy thoái và lạm phát đã diễn ra đồng thời nếu chúng ta tiếp cận nền kinh tế thế giới như một tổng thể.
Thực vậy, nền kinh tế Trung Quốc sau nhiều thập kỷ tăng trưởng liên tục, luôn ở mức bình quân 9,5-10% năm, trở thành một cực tăng trưởng của thế giới, đã phải đối mặt với tình trạng lạm phát bất thường. Năm 2007, mức lạm phát cả năm là 6,5%. Riêng tháng 1/2008, chỉ số giá cả đã tăng tới 8,5%, mức tăng cao nhất trong hơn 10 năm qua.
Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã tuyên bố trong kế hoạch kinh tế - xã hội 2008 là Trung Quốc phải thực hiện giảm tốc độ tăng trưởng xuống còn 8% (năm 2007 là 11,4%), và kiềm chế lạm phát ở mức 4,8%. Singapore, một nền kinh tế phát triển tương đối lành mạnh, có mức tăng trưởng khá cao (năm 2007 đạt 8,5%) cũng đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát gia tăng. Bài toán khá đau đầu của thủ tướng tái đắc cử Malaysia cũng là vấn đề lạm phát..., tuy rằng tỷ lệ lạm phát ở các nước này vẫn còn ở dưới mức tăng trưởng.
Cho dù hầu hết các dự báo đều cho rằng các nước đã chủ động trong việc đề ra các biện pháp thắt chặt tiền tệ, giảm mạnh chi tiêu... và tình trạng lạm phát sẽ sớm được khắc phục, song không ai dám chắc là tình hình sẽ tốt hơn, bởi dầu lửa vẫn tiếp tục tăng giá; giá hầu hết các mặt hàng, nhất là lương thực, thực phẩm và vàng liên tục gia tăng; nền kinh tế Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi và đặc biệt, đồng USD mất giá kỷ lục so với các ngoại tệ mạnh khác (hiện 1,58 USD/1 EUR) với lãi suất cơ bản ở Mỹ là ở mức thấp nhất.
Một cú sốc mang tính chu kỳ của nền kinh tế thế giới đã hé lộ. Sau một thập niên tăng trưởng liên tục, luôn ở mức 3,0-3,5% với sự đóng góp đáng kể của các nền kinh tế mới nổi, trong đó sự liên tục gia tăng đầu tư, thúc đẩy tín dụng rẻ và lãi suất thấp, sự mở rộng chi tiêu chính phủ, sự gia tăng nhu cầu ở cả 2 khu vực công và tư... nền kinh tế thế giới, về cơ bản, vẫn là nền kinh tế dựa trên tiêu dùng dầu mỏ (các khả năng thay thế năng lượng dầu mỏ còn rất hạn chế ). Các nền kinh tế lớn luôn dư thừa vốn (dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc và Nhật Bản gia tăng trên 1.000 tỷ USD/mỗi nước)...
Những xu thế này đã tích tụ lại, tạo nên một tình trạng bất cân đối giữa cung và cầu; giữa sự lưu chuyển nhanh của các dòng vốn và khả năng hấp thụ yếu của các nền kinh tế; giữa lãi suất thấp và sự khiên cưỡng về tỷ giá để tạo ra một sự “lành mạnh” không thực chất với môi trường đầu tư và xuất khẩu; giữa nhu cầu dầu lửa vô hạn và khả năng cung ứng có hạn (cộng với sự kìm chế của các động thái chính trị-an ninh)...
Như vậy, không nghi ngờ gì nữa, thế giới đang đứng trước nguy cơ về một cú sốc suy thoái lớn có tính chu kỳ. Sau sự bùng nổ tăng trưởng là giảm tốc, thậm chí sẽ suy thoái. Điều rất đáng lo ngại là nếu không có cảnh báo tốt và không có giải pháp hợp lý, rất có thể nền kinh tế thế giới sẽ dễ rơi vào trạng thái dao động từ lạm phát sang suy thoái và ngược lại.
Vận dụng thận trọng các giải pháp
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn là liệu có một sự suy thoái mang tính cơ cấu diễn ra đồng thời hay không?
Như chúng ta đã biết, trong khi các nền kinh tế phát triển đang hướng mạnh vào kinh tế tri thức, tăng trưởng chủ yếu dựa trên các ngành công nghệ cao và tri thức (trên thực tế, nhu cầu tiêu dùng của các nền kinh tế này cũng không tăng một cách tương ứng vì đa số các nước đang phát triển vẫn là các nước có thu nhập trung bình thấp ) thì hầu hết các nước đang phát triển vẫn là các nền kinh tế tăng trưởng dựa trên các lợi thế so sánh bậc thấp: đất đai, tài nguyên, lao động và mức độ tăng trưởng dựa trên đầu tư, năng suất tổng các nhân tố (TFP) còn thấp, thậm chí nhiều nền kinh tế vẫn là các nền kinh tế gia công xuất khẩu.
Cũng do vậy, tuy đã thay đổi mô hình tăng trưởng từ thay thế nhập khẩu sang hướng vào xuất khẩu, các nền kinh tế này, về thực chất, vẫn là các nền kinh tế nhập khẩu đầu vào về nguyên liệu, bán thành phẩm, để chế tác gia công xuất khẩu. Theo đó, xuất khẩu không những đóng góp vào thành tích tăng trưởng GDP không lớn (vì giá trị gia tăng thấp) mà còn góp phần “nhập khẩu” lạm phát một khi các biến động xấu của giá cả thế giới diễn ra.
Điều hết sức rõ ràng là nếu vẫn đeo đuổi chính sách thúc đẩy xuất khẩu bằng mọi giá, các nền kinh tế này tiếp tục không thể thoát ra khỏi tình trạng lạm phát, ngay cả khi đề ra chính sách giảm nhập khẩu máy móc, thiết bị, vô hình trung, đã gián tiếp triệt tiêu các động lực và điều kiện để vừa phải duy trì tăng trưởng, vừa phải khắc phục lạm phát.
Cho đến nay, chúng ta chưa thấy có dấu hiệu của sự giảm giá dầu lửa và trong một thời gian ngắn, nhiều nền kinh tế đang phát triển vẫn chưa thể chuyển đổi ngay mô hình phát triển, vậy nên những vấn đề mang tính cơ cấu (cho dù diễn ra cục bộ ở một số nhóm nước) có thể coi là một trong những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng phát triển hiện nay hay không?
Vẫn còn là quá sớm để khẳng định liệu thế giới đã và đang xuất hiện trở lại của một cú sốc chu kỳ diễn ra đồng thời với khả năng suy thoái mang tính cơ cấu?
Tuy vậy, những phán đoán bước đầu của chúng tôi, xét trên hiện tượng, cho thấy nền kinh tế thế giới đang diễn ra nhiều biến động giống như tình hình của những năm 1974-1975 và điểm khác biệt chỉ là: trước kia, các tình trạng này diễn ra trong phạm vi của từng nền kinh tế công nghiệp phát triển (thế giới tư bản chủ nghĩa) thì ngày nay, dưới ảnh hưởng của toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế, chúng đã trở thành vấn đề chung của thế giới.
Nước ta đang nằm trong vòng xoáy của tình trạng lạm phát mang tính toàn cầu, rất cần có cảnh báo đúng và phân tích kỹ lưỡng tình hình quốc tế và khu vực để mọi giải pháp đưa ra của chúng ta không những ngăn chặn được tình trạng lạm phát trước mắt mà còn tiếp tục duy trì được các động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong cả trung hạn và dài hạn.
Suy thoái cơ cấu theo quy luật?
Sau cú sốc dầu mỏ 1973, cuộc khủng hoảng 1974-1975 đã làm cho nền kinh tế thế giới rơi vào tình trạng đình trệ - lạm phát và theo đó, mọi sự điều chỉnh theo nguyên tắc tăng, giảm tổng cầu hiệu quả đã làm cho nền kinh tế thế giới chuyển từ tình trạng lạm phát sang tình trạng suy thoái và ngược lại.
Cuộc khủng hoảng chu kì ở nửa đầu những năm 80 đưa đến sự ra đời của nguyên tắc điều chỉnh nền kinh tế thế giới theo hướng tăng cung và sự tăng, giảm từ từ số lượng tiền tệ, chính sách Regannomics và các giải pháp về giảm thuế, thi hành các chính sách khôi phục đầu tư cho các tập đoàn sản xuất lớn đã đưa nền kinh tế tăng trưởng trở lại.
Tuy vậy, sự tích tụ của các nguyên nhân tạo nên tăng trưởng của nền kinh tế thế giới trong suốt 10 năm sau đó, đã làm xuất hiện một loạt các cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ: khủng hoảng tiền tệ ở Mexico (1995); khủng hoảng tài chính-tiền tệ ở Đông Á (1997-1998) và lây lan đến Nga, Brazil (dĩ nhiên là ở những mắt xích yếu nhất trong hệ thống kinh tế toàn cầu)...
Lần này, bắt đầu từ năm 2007, sự tăng giá cao đột ngột của dầu lửa, sự bùng nổ của xuất khẩu từ các nền kinh tế mới nổi, sự mất giá liên tục của đồng USD và theo đó là sự suy giảm của nền kinh tế Mỹ... và ngay từ đầu năm 2008, lạm phát gia tăng và có khuynh hướng trở thành xu thế phổ biến ở nhiều nước châu Á, không thể không khiến cho người ta suy luận đến một đặc điểm phát triển mới của nền kinh tế thế giới.
Cũng cần lưu ý thêm rằng, trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay, sự chấn động xấu ở bất kỳ khu vực nào cũng đều trở thành vấn đề chung của thế giới. Điều đặc biệt là, trong khi nền kinh tế Mỹ suy thoái thì các nền kinh tế châu Á lại rơi vào tình thế lạm phát gia tăng.
Có lẽ đây là điểm khác biệt cơ bản so với thời kỳ 1974-1975, khi dường như toàn bộ các chấn động chu kỳ chỉ diễn ra ở các nước công nghiệp phát triển; còn ngày nay, lạm phát diễn ra đồng loạt ở nhiều nước đang phát triển, nghĩa là tính lan toả của các chấn động chu kì đã mang tính toàn cầu, và rõ ràng, hiện tượng suy thoái và lạm phát đã diễn ra đồng thời nếu chúng ta tiếp cận nền kinh tế thế giới như một tổng thể.
Thực vậy, nền kinh tế Trung Quốc sau nhiều thập kỷ tăng trưởng liên tục, luôn ở mức bình quân 9,5-10% năm, trở thành một cực tăng trưởng của thế giới, đã phải đối mặt với tình trạng lạm phát bất thường. Năm 2007, mức lạm phát cả năm là 6,5%. Riêng tháng 1/2008, chỉ số giá cả đã tăng tới 8,5%, mức tăng cao nhất trong hơn 10 năm qua.
Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã tuyên bố trong kế hoạch kinh tế - xã hội 2008 là Trung Quốc phải thực hiện giảm tốc độ tăng trưởng xuống còn 8% (năm 2007 là 11,4%), và kiềm chế lạm phát ở mức 4,8%. Singapore, một nền kinh tế phát triển tương đối lành mạnh, có mức tăng trưởng khá cao (năm 2007 đạt 8,5%) cũng đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát gia tăng. Bài toán khá đau đầu của thủ tướng tái đắc cử Malaysia cũng là vấn đề lạm phát..., tuy rằng tỷ lệ lạm phát ở các nước này vẫn còn ở dưới mức tăng trưởng.
Cho dù hầu hết các dự báo đều cho rằng các nước đã chủ động trong việc đề ra các biện pháp thắt chặt tiền tệ, giảm mạnh chi tiêu... và tình trạng lạm phát sẽ sớm được khắc phục, song không ai dám chắc là tình hình sẽ tốt hơn, bởi dầu lửa vẫn tiếp tục tăng giá; giá hầu hết các mặt hàng, nhất là lương thực, thực phẩm và vàng liên tục gia tăng; nền kinh tế Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi và đặc biệt, đồng USD mất giá kỷ lục so với các ngoại tệ mạnh khác (hiện 1,58 USD/1 EUR) với lãi suất cơ bản ở Mỹ là ở mức thấp nhất.
Một cú sốc mang tính chu kỳ của nền kinh tế thế giới đã hé lộ. Sau một thập niên tăng trưởng liên tục, luôn ở mức 3,0-3,5% với sự đóng góp đáng kể của các nền kinh tế mới nổi, trong đó sự liên tục gia tăng đầu tư, thúc đẩy tín dụng rẻ và lãi suất thấp, sự mở rộng chi tiêu chính phủ, sự gia tăng nhu cầu ở cả 2 khu vực công và tư... nền kinh tế thế giới, về cơ bản, vẫn là nền kinh tế dựa trên tiêu dùng dầu mỏ (các khả năng thay thế năng lượng dầu mỏ còn rất hạn chế ). Các nền kinh tế lớn luôn dư thừa vốn (dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc và Nhật Bản gia tăng trên 1.000 tỷ USD/mỗi nước)...
Những xu thế này đã tích tụ lại, tạo nên một tình trạng bất cân đối giữa cung và cầu; giữa sự lưu chuyển nhanh của các dòng vốn và khả năng hấp thụ yếu của các nền kinh tế; giữa lãi suất thấp và sự khiên cưỡng về tỷ giá để tạo ra một sự “lành mạnh” không thực chất với môi trường đầu tư và xuất khẩu; giữa nhu cầu dầu lửa vô hạn và khả năng cung ứng có hạn (cộng với sự kìm chế của các động thái chính trị-an ninh)...
Như vậy, không nghi ngờ gì nữa, thế giới đang đứng trước nguy cơ về một cú sốc suy thoái lớn có tính chu kỳ. Sau sự bùng nổ tăng trưởng là giảm tốc, thậm chí sẽ suy thoái. Điều rất đáng lo ngại là nếu không có cảnh báo tốt và không có giải pháp hợp lý, rất có thể nền kinh tế thế giới sẽ dễ rơi vào trạng thái dao động từ lạm phát sang suy thoái và ngược lại.
Vận dụng thận trọng các giải pháp
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn là liệu có một sự suy thoái mang tính cơ cấu diễn ra đồng thời hay không?
Như chúng ta đã biết, trong khi các nền kinh tế phát triển đang hướng mạnh vào kinh tế tri thức, tăng trưởng chủ yếu dựa trên các ngành công nghệ cao và tri thức (trên thực tế, nhu cầu tiêu dùng của các nền kinh tế này cũng không tăng một cách tương ứng vì đa số các nước đang phát triển vẫn là các nước có thu nhập trung bình thấp ) thì hầu hết các nước đang phát triển vẫn là các nền kinh tế tăng trưởng dựa trên các lợi thế so sánh bậc thấp: đất đai, tài nguyên, lao động và mức độ tăng trưởng dựa trên đầu tư, năng suất tổng các nhân tố (TFP) còn thấp, thậm chí nhiều nền kinh tế vẫn là các nền kinh tế gia công xuất khẩu.
Cũng do vậy, tuy đã thay đổi mô hình tăng trưởng từ thay thế nhập khẩu sang hướng vào xuất khẩu, các nền kinh tế này, về thực chất, vẫn là các nền kinh tế nhập khẩu đầu vào về nguyên liệu, bán thành phẩm, để chế tác gia công xuất khẩu. Theo đó, xuất khẩu không những đóng góp vào thành tích tăng trưởng GDP không lớn (vì giá trị gia tăng thấp) mà còn góp phần “nhập khẩu” lạm phát một khi các biến động xấu của giá cả thế giới diễn ra.
Điều hết sức rõ ràng là nếu vẫn đeo đuổi chính sách thúc đẩy xuất khẩu bằng mọi giá, các nền kinh tế này tiếp tục không thể thoát ra khỏi tình trạng lạm phát, ngay cả khi đề ra chính sách giảm nhập khẩu máy móc, thiết bị, vô hình trung, đã gián tiếp triệt tiêu các động lực và điều kiện để vừa phải duy trì tăng trưởng, vừa phải khắc phục lạm phát.
Cho đến nay, chúng ta chưa thấy có dấu hiệu của sự giảm giá dầu lửa và trong một thời gian ngắn, nhiều nền kinh tế đang phát triển vẫn chưa thể chuyển đổi ngay mô hình phát triển, vậy nên những vấn đề mang tính cơ cấu (cho dù diễn ra cục bộ ở một số nhóm nước) có thể coi là một trong những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng phát triển hiện nay hay không?
Vẫn còn là quá sớm để khẳng định liệu thế giới đã và đang xuất hiện trở lại của một cú sốc chu kỳ diễn ra đồng thời với khả năng suy thoái mang tính cơ cấu?
Tuy vậy, những phán đoán bước đầu của chúng tôi, xét trên hiện tượng, cho thấy nền kinh tế thế giới đang diễn ra nhiều biến động giống như tình hình của những năm 1974-1975 và điểm khác biệt chỉ là: trước kia, các tình trạng này diễn ra trong phạm vi của từng nền kinh tế công nghiệp phát triển (thế giới tư bản chủ nghĩa) thì ngày nay, dưới ảnh hưởng của toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế, chúng đã trở thành vấn đề chung của thế giới.
Nước ta đang nằm trong vòng xoáy của tình trạng lạm phát mang tính toàn cầu, rất cần có cảnh báo đúng và phân tích kỹ lưỡng tình hình quốc tế và khu vực để mọi giải pháp đưa ra của chúng ta không những ngăn chặn được tình trạng lạm phát trước mắt mà còn tiếp tục duy trì được các động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong cả trung hạn và dài hạn.