Lại tranh nhau bán tháo, gần 150 mã giảm sàn, VN-Index bốc hơi 45 điểm
Nhà đầu tư vẫn bán tháo ồ ạt mạnh hơn trong phiên chiều nay, đẩy hàng trăm cổ phiếu lao dốc không phanh. Tính chung 3 sàn có tới 147 cổ phiếu giảm kịch biên độ, trong đó HoSE đóng góp 83 mã. Từ chỗ cực kỳ hưng phấn khi VN-Index tăng 4,2% phiên thứ Sáu tuần trước, chỉ đúng một vòng T+2,5, thị trường lại đảo chiều cực sốc với mức giảm 4,11%...
Bất chấp tin tích cực về nới room xuất hiện, nhà đầu tư vẫn bán tháo ồ ạt mạnh hơn trong phiên chiều nay, đẩy hàng trăm cổ phiếu lao dốc không phanh. Tính chung 3 sàn có tới 147 cổ phiếu giảm kịch biên độ, trong đó HoSE đóng góp 83 mã. Từ chỗ cực kỳ hưng phấn khi VN-Index tăng 4,2% phiên thứ Sáu tuần trước, chỉ đúng một vòng T+2,5, thị trường lại đảo chiều cực sốc với mức giảm 4,11%.
Đại đa số áp lực bán hôm nay đến từ nhà đầu tư trong nước. Ví dụ, HoSE thanh khoản tổng (cả thỏa thuận) cao kỷ lục 9 tháng với trên 23.500 tỷ đồng thì chỉ khoảng 6,1% đến từ các lệnh bán của nhà đầu tư nước ngoài. Thậm chí khối này vẫn còn mua ròng 784,5 tỷ đồng trên HoSE.
Các cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất cũng không liên quan gì nhiều đến giá. Ví dụ DCM bị bán ròng 39,5 tỷ đồng thì lượng bán của khối này cũng chưa tới 13% lượng giao dịch và giá DCM vẫn tăng 4,34%. VRE, CII, VSC, DPM là các cổ phiếu khác bị bán ròng nhiều nhất còn lại, giá trị cũng chỉ loanh quanh 10 tỷ tới dưới 20 tỷ đồng ròng.
Nhà đầu tư trong nước hôm nay phản ứng rất mạnh. Ngoài việc các cổ phiếu blue-chips lớn giảm giá quá sâu tác động lên chỉ số, phần còn lại đa số cổ phiếu cũng giảm mạnh, cho thấy áp lực bán lan tỏa rộng rãi. HoSE kết phiên chỉ còn 87 mã tăng/391 mã giảm. Số giảm ngoài 83 mã sàn, còn gần 130 mã khác giảm từ 2% trở lên.
VN30-Index đóng cửa giảm 5,12%, là mức giảm trong nhóm kỷ lục của năm 2022. Kể từ đầu năm tới giờ, chỉ số này chỉ có 2 phiên giảm quá 5% giá trị một ngày, là các phiên 25/4 với mức giảm 5,4% và ngày 12/5 với mức giảm 5,2%.
Mức giảm quá lớn này có hiệu ứng ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, kết hợp với nhiều cổ phiếu lớn khác. VPB giảm sàn -6,89%, TCB giảm 6,72%, ACB giảm 5,51%, MBB giảm sàn -6,84%, STB sàn -6,59%, VCB giảm 5,88%. Như vậy cổ phiếu ngân hàng chiếm 6/10 mã khiến VN30-Index mất điểm nhiều nhất. Còn lại là HPG giảm sàn 7%, VHM giảm 5,66%, MWG giảm 6,83% và FPT giảm 2,94%.
Thị trường chiều nay chứng kiến áp lực bán lớn gây sốc ở nhiều cổ phiếu. HPG là ví dụ, lực xả dồn dập ngay từ khi mở cửa trở lại và đến taàm 1h30 đã xuống sát giá sàn. Khoảng 2h giá chạm sàn và cuối phiên hàng triệu cổ xả khiến mất thanh khoản. Tính riêng chiều nay HPG bị xả hơn 61,5 triệu cổ trị giá 645 tỷ đồng. Cả phiên HPG giao dịch gần 62,78 triệu cổ trị giá 1.204,3 tỷ đồng. NVL, STB là các mã khác giảm sàn cũng bị bán quy mô cực lớn, tương ứng 1.082,2 tỷ đồng và 1.055,7 tỷ đồng.
Đợt xả này một phần là do giá rất nhiều cổ phiếu đã tăng cực tốt trong nhịp vừa qua, gần như là một “món quà” bất ngờ dịp cuối năm. Những nhà đầu tư giữ được tiền trong nhịp giảm và bắt đúng đáy có thể đạt lợi nhuận hàng chục phần trăm, thậm chí gấp đôi. Những nhà đầu tư mắc kẹt cũng “về bờ” khá nhiều. Phiên xả hàng hôm nay là một hệ quả bình thường của biên độ tăng trước đó.
Tổng giá trị khớp lệnh HoSE và HNX tăng vọt 25% so với hôm qua, đạt gần 24.446 tỷ đồng, mức cao kỷ lục kể từ cuối tháng 4/2022. Tính chung 3 sàn và cả thỏa thuận, giá trị giao dịch đạt 26.972 tỷ đồng, cũng là kỷ lục trong thời gian này. Mức giao dịch rất lớn hôm nay đi kèm với cổ phiếu giảm giá la liệt cho thấy quan điểm thoát hàng là chủ đạo. Nhà đầu tư nỗ lực thu tiền về hiện thực hóa lợi nhuận.
Sàn HoSE kết phiên tuy giảm đa số, nhưng cũng vẫn còn 87 mã đi ngược dòng, thậm chí 18 mã vẫn kịch trần. HAG, HAH, VHC, BFC, MCG, HNG, ANV, IDI tiếp tục tăng hết biên độ với thanh khoản tốt. Các mã DCM, CMX, DBC, TTF, VSC, BAF, DPM, GIL, DPG cũng tăng mạnh trên 2% với thanh khoản ấn tượng. Như vậy vẫn có một bộ phận nhỏ dòng tiền kiên định với cổ phiếu của mình giúp giá vượt qua áp lực điều chỉnh chung.
Khối ngoại vẫn là điểm sáng khi duy trì mua ròng 784,5 tỷ đồng ở HoSE, 41,6 tỷ ở HNX và chỉ bán ròng nhẹ gần 9 tỷ ở UpCOM. Tuy vị thế vẫn là mua ròng, nhưng có vẻ như khối này cũng tranh thủ bán ra nhiều hơn. Tổng giá trị giải ngân ở HoSE vẫn tới 2.213 tỷ đồng, nhưng mức ròng lại thấp hơn hôm qua do bán nhiều hơn. Tổng giá trị bán tại sàn này đạt 1.429 tỷ đồng là mức bán với cổ phiếu cao nhất 12 phiên trở lại đây.