19:20 21/11/2023

Làm rõ nguyên nhân tỷ lệ tội phạm “càng chống càng tăng”

Đỗ Phong

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao giải thích về những băn khoăn của đại biểu vì sao càng chống, càng đấu tranh quyết liệt với tội phạm, thì tình trạng vi phạm pháp luật, phạm tội lại càng tăng lên?...

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí giải trình làm rõ những vấn đề đại biểu nêu chiều ngày 21/11/2023.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí giải trình làm rõ những vấn đề đại biểu nêu chiều ngày 21/11/2023.

Công tác phòng chống tội phạm trên các lĩnh vực thời gian qua mặc dù đạt được nhiều kết quả rất khích lệ, góp phần làm giảm thiểu tội phạm, đem lại cuộc sống bình yên cho người dân.

Tuy nhiên, các loại tội phạm có loại giảm không nhiều, có loại lại tăng, nhất là tài sản bị thiệt hại tăng hơn 40-50%, số vụ giết người tăng hơn 12%, cướp tài sản tăng hơn 44%, lừa đảo chiếm đoạt tài sản tăng hơn 61%, cho vay nặng lãi tăng hơn 67%, gây rối trật tự công cộng tăng 80%, tội phạm công nghệ thông tin mạng Internet tăng hơn 200 vụ, xâm hại trẻ em tăng hơn 41%.

TÌNH HÌNH TỘI PHẠM CÒN DIỄN BIẾN PHỨC TẠP, GIA TĂNG VỀ SỐ VỤ

Thảo luận tại hội trường Quốc hội chiều 21/11, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, đoàn Khánh Hòa cho rằng tình hình kinh tế xã hội phát triển rất nhanh và mạnh mẽ, kinh tế càng phát triển thì mâu thuẫn tranh chấp kinh tế không thể tránh khỏi, kể cả vi phạm pháp luật và tội phạm.

Ông Thịnh ghi nhận những nỗ lực trong phòng chống tội phạm, đã khởi tố truy tố và xét xử, tạo lập được niềm tin của người dân, của cử tri, tin tưởng vào pháp luật, vào công lý và xa hơn nữa là tin tưởng vào chế độ. “Sự nỗ lực của các cơ quan hiện nay rất đáng ghi nhận nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước chưa và tạo lập niềm tin vững chắc với người dân”, ông Thịnh nói.

Theo đại biểu, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực đang được Đảng, Nhà nước ta quan tâm, đã đạt được những kết quả nhất định, ngành kiểm soát đã tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh này. Tuy nhiên, đấu tranh với tội phạm tham nhũng ngay trong hoạt động tư pháp đang là vấn đề được Quốc hội, cử tri, dư luận xã hội rất quan tâm.

Trong báo cáo có nêu về các số liệu vụ án, số bị can bị các cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao khởi tố điều tra. Viện kiểm sát nhân tối cao cũng đã khởi tố điều tra các bị can là công chức ngành Kiểm sát về tội nhận hối lộ.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông, đoàn Bình Thuận cho biết, qua nghiên cứu Báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023 của Chính phủ, đại biểu đánh giá cao việc Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông, đoàn Bình Thuận, phát biểu thảo luận tại hội trường chiều ngày 21/11/2023.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông, đoàn Bình Thuận, phát biểu thảo luận tại hội trường chiều ngày 21/11/2023.

Qua đó bảo đảm phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, đấu tranh có hiệu quả đối với các vi phạm pháp luật và tội phạm. Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, trong đó Bộ Công an là nòng cốt tiếp tục chủ động nắm phân tích, dự báo tình hình của thế giới cũng như trong nước, triển khai nhiều phương án, kế hoạch phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật nhằm giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội.

“Mặc dù đã có những cố gắng nhưng tổng thể nhìn chung thực trạng tội phạm vẫn đang gia tăng cả về số vụ, số người chết và thiệt hại về tài sản, trong đó có tội phạm về ma túy là vấn đề mà cử tri và nhân dân là hết sức quan tâm”, ông Thông nhận định.

Đại biểu dẫn chứng, tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy, nhất là ma túy tổng hợp tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện dịch vụ lưu trú diễn ra ở nhiều địa phương, xuất hiện một số loại ma túy, hình thức núp bóng dưới thuốc lá điện tử, đồ uống, thực phẩm đã gây tác hại nhiều mặt đến người sử dụng, nhất là thanh thiếu niên. Từ thực trạng này, đại biểu đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành cần đánh giá và đề ra những giải pháp căn cơ để giải quyết, ngăn chặn loại tội phạm này trong thời gian tới.

Cùng chung nhận định, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, đoàn Bắc Kạn, cho biết theo báo cáo của Chính phủ trong năm 2023 tình hình tội phạm còn nhiều diễn biến phức tạp, số vụ vi phạm về trật tự xã hội tăng và tăng về số người chết, số người bị thương, tăng thiệt hại về tài sản. Nhóm tội phạm phức tạp tăng trở lại như giết người, cố ý gây thương tích, xâm hại trẻ em; nhất là tội phạm giết người do mâu thuẫn vay nợ, tranh chấp đất đai, tài sản...

Từ những vụ giết người có tính chất tàn bạo, côn đồ vừa qua cho thấy đây là một trong những hiện tượng xã hội đáng lo ngại, cần có nghiên cứu đánh giá sâu hơn về những nguyên nhân làm gia tăng nhóm tội phạm này.

Về nguyên nhân dẫn đến tình hình tội phạm tăng. Theo báo cáo Chính phủ chủ yếu do sau dịch COVID-19 với những khó khăn về kinh tế xã hội tác động đến đời sống, việc làm, thu nhập của một bộ phận nhân dân.

Tuy nhiên theo đại biểu Hoàng Quốc Khánh, đoàn Lai Châu, còn một số nguyên nhân khác, đó là công tác đánh giá, dự báo tình hình chưa tốt và công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức, thực hiện hiệu quả còn thấp, nhất là việc cảnh báo phương thức, thủ đoạn phạm tội để người dân biết phòng ngừa, đấu tranh. Đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá đầy đủ nguyên nhân làm gia tăng tội phạm để từ đó có những giải pháp phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả.

TẬP TRUNG CÔNG TÁC PHÒNG NGỪA ĐỂ CHỦ ĐỘNG NGĂN CHẶN KỊP THỜI

Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí giải thích về những băn khoăn vì sao khi chúng ta càng chống, càng đấu tranh quyết liệt với tội phạm, thì tình trạng vi phạm pháp luật, phạm tội lại tăng lên?

Lý giải nguyên nhân, ông Trí cho rằng, tội phạm có những loại càng chống càng tăng. Ví dụ với các loại tội phạm tham nhũng, ma tuý, tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp... có đặc thù ẩn. Nếu chúng ta đấu tranh chống tội phạm loại này mạnh thì sẽ phát hiện và xử lý nhiều hơn.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng khẳng định chắc chắn, so với trước đây, tội phạm tham nhũng đã giảm nhưng giảm bao nhiêu thì cần tiếp tục đánh giá thêm.

Còn một nguyên nhân khác, có những loại tội phạm đã xảy ra từ trước đây, bây giờ chúng ta đang tích cực làm rõ để bằng mọi phương pháp thu hồi tài sản về cho Nhà nước, xử lý răn đe những kẻ cầm đầu.

Chính vì vậy, vấn đề tội phạm tăng cũng do nhiều nguyên nhân. Ông Trí khẳng định, tội phạm tham nhũng hiện nay tuy giảm nhưng vẫn còn nên vẫn phải đấu tranh, vẫn phải xử lý.

Để ngăn chặn tội phạm từ gốc thì một trong những giải pháp là quan tâm, coi trọng và tập trung cho công tác phòng ngừa để có thể chủ động ngăn chặn kịp thời. Theo Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, công tác phòng ngừa liên quan tới cả công tác xây dựng pháp luật, cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội cùng phải tham gia đồng bộ… Có như vậy, công tác đấu tranh sẽ hiệu quả hơn.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Cùng tham gia giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm chia sẻ, từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình thế giới, khu vực diễn biến rất phức tạp, tác động sâu sắc đến tình hình trong nước, cùng với những khó khăn tích tụ trong đại dịch Covid-19 đã làm cho các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, vi phạm pháp luật nhiều hơn so với các năm trước.

Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, của sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ của các bộ, ban, ngành từ Trung ương đến các địa phương, lực lượng công an nhân dân đã phát huy vai trò nòng cốt, triển khai quyết liệt các kế hoạch giải pháp phòng ngừa và đấu tranh và đạt được những kết quả tích cực.

Bộ trưởng bày tỏ, với khối lượng công việc, các cơ quan chức năng phải giải quyết trong năm 2023 rất lớn, gần 170.000 tin báo tố giác tội phạm, trên 134.000 vụ án với gần 210.000 bị can, trên 6 triệu vụ xử lý vi phạm hành chính trải rộng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội thì việc còn những tồn tại, hạn chế cũng là điều khó tránh khỏi.

Làm rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, theo Bộ trưởng, nhóm nguyên nhân thuộc về chủ quan của các cơ quan chức năng như vấn đề triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; các vi phạm trong điều tra, xử lý tội phạm; về phối hợp giữa các cơ quan chức năng; về tinh thần, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ...

Bên cạnh đó, những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp luật, cơ chế chính sách; khó khăn về nguồn lực trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Bộ trưởng cho rằng có những tồn tại, khó khăn, vướng mắc nêu trên có thể khắc phục được ngay nhưng có vấn đề cũng cần phải có thời gian. Do đó, Chính phủ và Bộ Công an tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của các vị đại biểu Quốc hội để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác phòng chống tội phạm vi phạm pháp luật, góp phần xây dựng xã hội lành mạnh, trật tự kỷ cương, bảo đảm cuộc sống bình yên, hạnh phúc, an toàn cho nhân dân