14:51 18/10/2010

Làm thế nào tránh chiến tranh tiền tệ?

An Huy

Bản chất của cuộc tranh cãi xung quanh vấn đề tỷ giá và biện pháp ngăn chặn một cuộc chiến tiền tệ

Tạp chí The Economist mới đây đã đăng một bài viết đáng chú ý, nói về bản chất cuộc tranh cãi xung quanh vấn đề tỷ giá và biện pháp ngăn chặn một cuộc chiến tiền tệ. VnEconomy xin trích lược để độc giả tham khảo.

Trong mấy tuần gần đây, thế giới nói nhiều tới nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tiền tệ. Từ khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Brazil, ông Guido Mantega, phát biểu hôm 27/9 rằng “một cuộc chiến tranh tiền tệ quốc tế” đã bùng nổ, vấn đề này đã trở thành một chủ đề nóng trên báo chí cũng như trong các cuộc trao đổi của các quan chức.

Từ chỗ đề cao quan điểm hợp tác chính sách để thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu, các quốc gia giờ đây bắt đầu tỏ thái độ gay gắt xung quanh câu chuyện tỷ giá. Các nước lần lượt lên tiếng buộc tội lẫn nhau bóp méo nhu cầu thị trường toàn cầu bằng đủ thứ “vũ khí” từ chính sách nới lỏng định lượng (in tiền để mua tài sản), tới can thiệp vào thị trường ngoại hối và kiểm soát các dòng vốn.

Về thực chất, cuộc tranh cãi nảy lửa này tồn tại trên ba “trận tuyến”.

Thứ nhất là thái độ trì hoãn của Trung Quốc trong việc đẩy nhanh tốc độ tăng giá của đồng Nhân dân tệ. Các quan chức Mỹ và châu Âu đã đồng thanh lên tiếng về “sự năng động kinh tế gây thiệt hại” xuất phát từ đồng Nhân dân tệ bị cho là định giá thấp hơn giá trị thực.

Tháng trước, với tỷ lệ ủng hộ áp đảo, Hạ viện Mỹ đã thông qua một dự luật cho phép Chính phủ Mỹ cân nhắc áp dụng các hàng rào thuế quan đối với hàng hóa từ các quốc gia có đồng tiền mà Washington cho là bị định giá thấp. Hoạt động cạnh tranh thương mại bị xem là “không bình đẳng” của Trung Quốc đã trở thành một chủ đề nóng trong cuộc chạy đua tranh cử vào Quốc hội Mỹ.

“Trận tuyến” thứ hai của cuộc tranh cãi về tỷ giá nằm ở chính sách tiền tệ của các nước giàu, đặc biệt là khả năng các ngân hàng trung ương lớn có thể sớm áp dụng trở lại chính sách in tiền để mua vào trái phiếu chính phủ. Đồng USD gần đây đã lao dốc vì thị trường tài chính kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ hành động nhanh nhất và quyết liệt nhất với chính sách này. Đồng Euro thì đã tăng giá mạnh do các quan chức của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tỏ ít hứng thú nhất với chính sách nới lỏng định lượng.

Theo quan điểm của Trung Quốc (cũng như nhiều quốc gia mới nổi khác) chính sách nới lỏng định lượng tạo ra sự bóp méo trên diện rộng đối với nền kinh tế toàn cầu vì có thể thúc đẩy giới đầu tư đổ xô vào một số thị trường, đặc biệt là các thị trường mới nổi lên, để tìm kiếm mức lợi tức cao hơn.

Thứ ba, cuộc tranh cãi về tỷ giá còn nằm ở các phản ứng của các quốc gia đang phát triển trước các dòng vốn ngoại đổ vào nền kinh tế của nước mình. Thay vì cho phép tỷ giá đồng nội tệ tăng, nhiều chính phủ đã can thiệp để ghìm tỷ giá nội tệ bằng cách mua vào ngoại tệ, hoặc áp thuế đối với các dòng vốn ngoại. Brazil mới đây đã tăng gấp đôi thuế đánh vào các nhà đầu tư nước ngoài mua trái phiếu của nước này. Tuần trước, Thái Lan cũng tuyên bố đánh thuế vào các nhà đầu tư trái phiếu.

Ở thời điểm hiện tại, những cuộc “đụng độ” về tỷ giá trên giữa các quốc gia chưa thể được xem là biểu hiện của một cuộc chiến tranh tiền tệ thực sự. Nhiều trong số những thứ “vũ khí” chính sách mà các nước áp dụng, nếu được xem xét kỹ lưỡng, thực ra không quá đáng lo ngại. Việc kiểm soát dòng vốn mới chỉ diễn ra ở mức độ khiêm tốn. Trong số các nước giàu, mới chỉ có Nhật Bản gần đây vận tới biện pháp can thiệp vào thị trường ngoại hối, và cũng chỉ can thiệp có một lần.

Bên cạnh đó, rủi ro những va chạm nho nhỏ này leo thang tới mức xảy ra trả đũa thương mại cũng còn rất nhỏ. Dự luật trả đũa thương mại đối với Trung Quốc của Mỹ cũng mới chỉ được Hạ viện thông qua, và muốn trở thành luật, dự luật này còn phải chờ sự thông qua của Thượng viện và chữ ký của Tổng thống Barack Obama.

Mặc dù vậy, thế giới vẫn có những lý do để cảm thấy lo lắng. Một vài mâu thuẫn nhỏ hiện nay có khả năng leo thang thành một cuộc chiến thực sự. Những điều kiện dẫn tới sự khác biệt chính sách kinh tế giữa các quốc gia - đặc biệt là tốc độ tăng trưởng trì trệ ở các nước giàu - có thể tồn tại trong nhiều năm. Một khi các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” trong chi tiêu chính phủ phát huy tác dụng, nhu cầu giảm giá đồng nội tệ để tạo sức cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu sẽ gia tăng, và vì thế, áp lực buộc các chính trị gia gây áp lực đòi Trung Quốc tăng mạnh hơn tỷ giá Nhân dân tệ cũng cao hơn.

Và nếu dòng vốn ngoại đổ vào gia tăng, các nước đang phát triển có thể buộc phải lựa chọn giữa: để đồng nội tệ tăng giá, bào mòn sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu; áp dụng những biện pháp kiểm soát dòng tiền ngặt nghèo; hoặc để mặc cho nền kinh tế của nước mình đương đầu nguy cơ tăng trưởng quá nóng.

Điều mà thế giới cần hiện nay rõ ràng là sự tái cân bằng trong nhu cầu toàn cầu, trong đó nhu cầu cần được dịch chuyển từ các quốc gia giàu có nhưng nặng nợ sang các quốc gia đang phát triển. Các cải cách cơ cấu để tăng chi tiêu ở những nền kinh tế có thặng dư thương mại lớn sẽ có tác dụng trong việc tạo sự tái cân bằng này, nhưng mặt khác, tỷ giá hối đoái thực tế của các nước này cũng cần tăng lên.

Trong khi đó, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc vẫn bị nhiều ý kiến cho là đang được định giá quá thấp. Một đồng Nhân dân tệ bị định giá thấp hơn giá trị thực không chỉ tác động tiêu cực tới các nước phương Tây mà còn cả các nước đnag phát triển khác, nhất nhà các nước có tỷ giá hối đoái thả nổi. Trên thực tế, đồng Nhân dân tệ giá thấp cũng gây ảnh hưởng bất lợi đối với Trung Quốc, vì làm giảm sức mua nội địa của quốc gia này.

Tuy nhiên, việc tái cân bằng nhu cầu của thế giới chắc chắn sẽ không phải là một quá trình không gây ra những tổn thất. Trung Quốc đã đúng khi lo ngại về nguy cơ bất ổn xã hội nếu công nhân tại các doanh nghiệp xuất khẩu của nước này mất việc làm.

Và ngay cả những lựa chọn xem chừng hợp lý, như sự kết hợp giữa thắt chặt chi tiêu công và chính sách tiền tệ nới lỏng ở các nước giàu, sẽ gây ra những ảnh hưởng không mấy dễ chịu đối với các nước đang phát triển có thị trường mở, vì sẽ làm gia tăng dòng vốn đổ vào các quốc gia này. Tác động từ sự gia tăng các dòng vốn này có thể ít nguy hiểm hơn so với việc các nước phương Tây rơi vào tình trạng giảm phát hoặc tăng trưởng trì trệ, nhưng ít nhiều vẫn gây rắc rối cho các nước mới nổi.

Thực trạng trên dẫn tới đòi hỏi phải có một giải pháp đa phương, trong đó những định chế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G-20) cần thúc đẩy sự đồng thuận giữa các nền kinh tế lớn. Tuy nhiên, cho tới nay, giải pháp mang tính đa phương này vẫn chưa đem lại kết quả gì đáng kể.

Do vậy, đã xuất hiện một hướng giải quyết vấn đề mới, trong đó các nước “không hẹn mà gặp” tập trung tỏ thái độ gay gắt hơn với Trung Quốc.

Một số biện pháp trả đũa đã được nhắc tới đâu đó như không cho phép Trung Quốc tiếp tục mua trái phiếu kho bạc Mỹ, hay các biện pháp trừng phạt thương mại. Thậm chí ngay cả một số người theo quan điểm tự do thương mại cũng cho rằng, “bạo lực” kinh tế là cách duy nhất để buộc Trung Quốc phải đẩy nhanh tốc độ tăng tỷ giá - một cách làm có lợi không chỉ cho phương Tây mà cho cả Trung Quốc - đồng thời tránh được nguy cơ lan rộng của chủ nghĩa bảo hộ về sau.

Tuy nhiên, quan điểm này dường như là không thuyết phục. Việc de dọa Trung Quốc không khác gì “rung cây dọa khỉ” (làm sao có thể ngăn không cho Bắc Kinh tiếp tục mua trái phiếu kho bạc Mỹ, loại tài sản giao dịch rộng nhất trên thị trường tài chính toàn cầu?) và cũng chẳng khác gì một hành vi khiêu khích nguy hiểm. Một khi đối mặt với một tối hậu thư về thương mại, Trung Quốc có thể đi tới kết luận rằng, lựa chọn trả đũa nước Mỹ là hợp lý. Và đó là cách mà các cuộc chiến tranh thương mại bắt đầu.

Tuy nhiên, việc chỉ tập trung vào Mỹ và Trung Quốc sẽ dẫn tới hiểu lầm về bản chất của vấn đề. Các cuộc chiến tiền tệ không chỉ có một “tội đồ” và một “nạn nhân”.

Điều cần làm để tránh nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh tiền tệ là tăng cường những nỗ lực đa phương, nhất là bằng cách lôi kéo sự tham gia của các quốc gia mới nổi bị ảnh hưởng bởi chính sách tỷ giá của Trung Quốc. Brazil và một số nước khác mới chỉ bắt đầu lên tiếng. Hàn Quốc sẽ đăng cai hội nghị cấp cao G20 vào tháng tới, và sự kiện này nên được tận dụng như một cơ hội để làm sáng tỏ cuộc tranh cãi về tỷ giá và gia tăng áp lực đối với Trung Quốc.

Tỷ giá các đồng tiền là một vấn đề mà ở đó, chiến tranh tốt hơn hết được ngăn chặn, thay vì để xảy ra.