Làn sóng Omicron có dấu hiệu đạt đỉnh ở nhiều bang, Mỹ không muốn “nói điều tốt đẹp quá sớm”
Sau mấy tuần tăng bùng nổ, làn sóng Covid-19 do Omicron gây ra ở Mỹ đang có dấu hiệu đạt đỉnh ở một số khu vực...
Sau mấy tuần tăng bùng nổ, làn sóng Covid-19 do Omicron gây ra ở Mỹ đang có dấu hiệu đạt đỉnh ở một số khu vực bị biến chủng mới này tấn công đầu tiên. Những dữ liệu mới nhất mang đến một tia hy vọng về việc đợt bùng dịch này bắt đầu dịu đi, nhưng giới chức Mỹ tiếp tục cảnh báo thận trọng.
Dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins cho thấy trong tuần trước, Mỹ ghi nhận bình quân mỗi ngày 800.000 ca nhiễm Covid mới, cao gấp hơn 3 lần so với kỷ lục trước đó thiết lập hồi đầu năm 2021. Tuy nhiên, tại một số bang và thành phố, đặc biệt ở khu vực Bờ Đông, số ca nhiễm mới có vẻ đi ngang và giảm trong những ngày gần đây.
Tại New York, số ca nhiễm mới bình quân mỗi ngày trong 7 ngày gần nhất đã giảm xuống, sau khi lập kỷ lục 85.000 ca mỗi ngày vào hôm 9/1 – theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins. Vào cuối tháng 12 và đầu tháng 1, có những tuần số ca nhiễm mới ở New York tăng gấp đôi. Tuy nhiên, trong tuần trước, số ca nhiễm mới bình quân mỗi ngày ở bang này đã sụt mạnh còn 51.500 ca. Riêng tại thành phố New York, số ca nhiễm mới bình quân hàng ngày giảm 31% trong tuần trước.
“Sẽ đến lúc chúng ta có thể nói rằng đại dịch này đã qua. Giờ chưa phải lúc đó, nhưng ngày đó sắp đến và chúng ta đã đợt từ rất lâu rồi”, Thống đốc New York, bà Kathy Hochul, phát biểu tại họp báo hôm thứ Sáu.
Câu chuyện tương tự cũng diễn ra ở thủ đô Washington DC. Cuối tháng 12, bang này có số ca nhiễm mới bình quân đầu người cao nhất toàn quốc, với tốc độ nhiễm 2.500 ca/ngày. Hiện nay, số ca nhiễm mới bình quân mỗi ngày ở Washington DC giảm còn 1.700 ca.
Tại Maryland, số ca nhiễm mới sau khi lập kỷ lục vào hôm 8/1 đã lao dốc. Trong tuần trước, số ca nhiễm mới bình quân mỗi ngày ở Maryland giảm 27% so với tuần trước đó.
Không chỉ ở một số bang Mỹ mà số ca nhiễm mới ở Nam Phi và Anh, hai trong số những nước đầu tiên bị biến chủng Omicron càn quét, cũng đang giảm mạnh. Dữ liệu của Đại học John Hopkins cho thấy số ca nhiễm mới bình quân hàng ngày ở Nam Phi trong tuần trước đã giảm 80% từ mức đỉnh thiết lập hôm 17/12. Tại Anh, số ca nhiễm mới bình quân hàng ngày đã giảm 42% kể từ mức đỉnh thiết lập hôm 5/1.
Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm rằng số ca nhiễm mới vẫn đang tăng ở hầu hết các bang của Mỹ, với 23 bang báo cáo tốc độ lây nhiễm kỷ lục trong tuần tính đến ngày Chủ nhật vừa rồi.
Nhiều chuyên gia dự báo rằng làn sóng Omicron sẽ dịu đi nhanh chóng như lúc nổi lên và đến khoảng tháng 2 hoặc tháng 3, số ca nhiễm mới ở Mỹ sẽ giảm về mức tương đối thấp. Những thành phố có làn sóng này nổi lên sớm nhất cũng sẽ là những nơi vượt qua sớm nhất. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ báo Pháp Le Figaro, CEO Albert Bourla của Pfizer lạc quan nhận định rằng cuộc sống trên thế giới có thể sớm trở lại bình thường.
Số ca nhập viện do Covid ở Mỹ hiện cũng đã vượt qua mức đỉnh thiết lập vào đầu năm ngoái, với bình quân mỗi ngày trong tuần trước có 156.000 bệnh nhân Covid điều trị trong các bệnh viện tại nước này. Dù vậy, số bệnh nhân phải nằm phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) chỉ bằng khoảng 87% so với thời điểm đầu năm 2021. Số ca tử vong do Covid mỗi ngày ở Mỹ hiện là gần 1.800 ca, đang tăng nhưng chỉ bàng khoảng một nửa so với mức đỉnh thiết lập cùng kỳ năm ngoái.
Giới chức Chính phủ Mỹ tỏ ra thận trọng. Cố vấn cấp cao nhất về Covid-19 của Nhà Trắng, tiến sỹ Anthony Fauci, nói rằng còn quá sớm để kết luận liệu biến chủng Omicron có báo hiệu cho sự dịch chuyển của Covid từ đại dịch thành một căn bệnh thường gặp.
“Liệu Omicron có thể trở thành một virus gây bệnh thường gặp như mọi người đang hy vọng hay không? Đây là một câu hỏi còn bỏ ngỏ”, ông Fauci phát biểu ngày 17/1 tại một hội thảo trực tuyến trong khuôn khổ chuỗi sự kiện của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).
Theo ông Fauci, tốc độ lây nhiễm nhanh dẫn tới số ca nhiễm rất lớn của Omicron có thể lấn át khả năng ít gây bệnh nặng của biến chủng này, từ đó vẫn khiến hệ thống y tế bị quá tải. Ông cũng nhấn mạnh rằng việc quan trọng là cần tập trung nỗ lực vào chống đại dịch nói chung, thay vì phản ứng với từng biến thể. Ông khuyến nghị dồn nỗ lực vào phát triển các vaccine có thể mang lại sự bảo vệ trước nhiều đột biến của virus.
“Chúng ta đều không muốn phải có một vaccine cho mỗi biến chủng”, ông Fauci nói. “Vì như thế, bạn phải chạy theo virus mãi mãi.