06:50 22/04/2022

Lãnh đạo Vissan lý giải giá cổ phiếu không tăng, không chia cổ tức năm 2022

Mộc Minh

Năm 2022 là năm thứ 3 Vissan tiếp tục không chia cổ tức cho cổ đông, trong khi đó mảng thực phẩm tươi sống của công ty đang phải cạnh tranh khốc liệt…

Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan – mã VSN) vừa tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, với nhận định tình hình thị trường tiêu thụ hàng hoá vẫn còn khó khăn, sức mua giảm.

Điều này thể hiện ngay trong quý 1/2022 khi lợi nhuận trước thuế của công ty giảm 2% so với cùng kỳ, đạt hơn 45 tỷ đồng. Doanh thu chỉ đạt 19% kế hoạch năm, ước đạt 956 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo Vissan cho biết, trong quý đầu năm nay, mảng thực phẩm tươi sống sụt giảm nhiều nhất do tình hình thị trường vẫn còn khó khăn. Sau Tết Nguyên đán 2022 đến cuối quý này, sức mua cực kỳ thấp thông qua việc khảo sát thị trường trên kênh hiện đại, truyền thống của thành phố lớn và nông thôn. Trong đó, TP.HCM có sức mua rất thấp, ngành hàng chế biến và tươi sống cả ở  kênh hiện đại và truyền thống giảm đáng kể trên toàn thị trường.

Với những biến động khách quan hiện nay trên thế giới và trong nước, như: xung đột vũ trang giữa Nga – Ukraine kéo dài khiến giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào tiếp tục tăng cao, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến người dân hạn chế mua sắm nơi công cộng, tâm lý thắt chặt chi tiêu làm cho sức mua của người tiêu dùng tiếp tục giữ ở mức thấp.

Đối thủ cạnh trạnh xuất hiện ngày càng nhiều với tiềm lực tài chính mạnh mẽ sẽ khiến sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong ngành ngày càng khốc liệt.

Trong khi đó, dịch bệnh trên đàn heo, đặc biệt là dịch tả heo châu Phi (ASF) tiếp tục có những diễn biến phức tạp, bùng phát ở một số địa phương có tổng đàn lớn, mật độ chăn nuôi cao dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nguồn cung trong dài hạn.

Ban lãnh đạo Vissan cho rằng những yếu tố nêu trên sẽ làm tăng chi phí; ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của công ty cả về sản lượng, doanh thu và lợi nhuận.

Do đó, năm 2022 là năm thứ 3 công ty tiếp tục không chia cổ tức cho cổ đông, dành nguồn vốn này để tăng năng lực tài chính để thực hiện dự án “Di dời và đổi mới công nghệ nhà máy giết mổ gia súc và chế biến thực phẩm Vissan” và đầu tư máy móc thiết bị sản xuất.

Doanh thu quý 1/2022 của Vissan chỉ đạt 19% kế hoạch năm, ước đạt 956 tỷ đồng - Ảnh: ITN.
Doanh thu quý 1/2022 của Vissan chỉ đạt 19% kế hoạch năm, ước đạt 956 tỷ đồng - Ảnh: ITN.

Dự kiến, năm 2022, doanh thu thuần của công ty đạt 4.974 tỷ đồng, tăng 16% trên cơ sở sản lượng thực phẩm tươi sống đạt 18.448 tấn, tăng 20%; thực phẩm chế biến 28.000 tấn, tăng 18%. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế dự kiến giảm 9% so với thực hiện năm 2021, còn 170 tỷ đồng.

Năm nay, Vissan tiếp tục đẩy mạnh chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu heo hơi theo hướng 3F, hướng đến đáp ứng 20-30% nhu cầu của công ty trong dài hạn.

Công ty cũng sẽ rà soát đề ra mô hình mới cho hoạt động kinh doanh ở chợ truyền thống để tăng tính cạnh tranh, phục vụ người tiêu dùng tốt hơn. Đẩy mạnh công tác bán hàng online thông qua liên kết với các sàn thương mại điện tử, website. Tăng cường chiến lược sử dụng thịt mát cho ngành thực phẩm tươi sống phu hợp với xu hướng tiêu dùng hiện đại…

Ban lãnh đạo Vissan chia sẻ thêm về tiến độ thực hiện"Dự án di dời và đổi mới công nghệ nhà máy giết mổ và chế biến thực phẩm Vissan" có tổng mức đầu tư 1.587 tỷ đồng, bao gồm 2 công trình: Cụm công nghiệp chế biến thực phẩm Vissan (xã Lương Bình, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) có giá trị đầu tư hơn 1.307 tỷ đồng và công trình Văn phòng điều hành kinh doanh của công ty và các kho trung chuyển tại Khu công nghiệp Tân Tạo, có giá trị đầu tư gần 280 tỷ đồng.

Trong đó, công trình “Cụm công nghiệp chế biến thực phẩm Vissan” mới hoàn thiện hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, tổng dự toán toàn bộ công trình và hồ sơ thiết kế công nghệ và dự toán dây chuyền giết mổ heo công suất 360 con/1 giờ. Nguyên nhân, do ảnh hưởng của dịch Covid -19 và đặc biệt do thủ tục phức tạp nên thời gian xem xét quyết định đầu tư kéo dài đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư.

Trả lời câu hỏi cổ đông vì sao giá cổ phiếu VSN của công ty không tăng trong khi có nhiều cổ phiếu tăng giá mạnh? Lãnh đạo Vissan cho biết, mã VSN đang chưa được niêm yết, đang được giao dịch trên sàn UPCoM. Cổ đông của công ty “cô đặc” khi có 3 cổ đông lớn chiếm hơn 90% vốn, do đó làm thanh khoản thấp, cổ phiếu ít tăng. Với những mã cổ phiếu tăng hàng chục lần có thể do đội lái, Vissan không làm như vậy, để tự nhiên theo giá thị trường.