14:48 13/11/2023

Lao động tìm việc lương cao giảm

Nhật Dương

Kinh tế còn nhiều khó khăn, đơn hàng sụt giảm hoặc chưa có nhiều cải thiện sẽ phần nào khiến các doanh nghiệp phải tính toán lại chi phí, trong đó có chi phí lao động, vì thế xu hướng tìm việc lương cao của người lao động ít nhiều có giảm...

Người lao động đăng ký tìm việc tại phiên giao dịch việc làm ở Hà Nội.
Người lao động đăng ký tìm việc tại phiên giao dịch việc làm ở Hà Nội.

Tình hình kinh tế suy thoái đã tác động không nhỏ đến thị trường lao động, kéo theo những kỳ vọng của người lao động về mức lương khi tìm kiếm công việc ít nhiều có sự thay đổi.

PHẦN LỚN NGƯỜI LAO ĐỘNG MONG MUỐN TÌM VIỆC LƯƠNG 5 - 10 TRIỆU ĐỒNG 

Báo cáo thị trường lao động quý 3/2023 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội công bố mới đây cho thấy, xu hướng người lao động tìm việc có mức lương cao, nhất là các công việc có mức lương trên 20 triệu đồng, đã giảm đáng kể so với quý trước.

Trong quý 3/2023, mức lương kỳ vọng của người lao động tìm việc chủ yếu vẫn từ 5 – 10 triệu đồng, chiếm gần 40% (giảm so với mức 48% của quý 2/2023); hơn 32% người tìm việc mức lương 10 – 15 triệu đồng, và chỉ có chưa đầy 10% người tìm việc từ 15 – 21 triệu đồng.

Tại Hà Nội, báo cáo thị trường lao động hồi tháng 9 của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng phần nào thể hiện rõ hơn xu hướng này, khi mức lương từ 5 – 10 triệu đồng cũng là mong muốn của hơn 40% người lao động tìm việc trong tháng, cao nhất so với kỳ vọng ở các phân khúc thu nhập còn lại; chỉ 21,32% người tìm việc lương từ 10 - 15 triệu đồng/tháng.

Theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, với mức lương từ 5 – 10 triệu đồng thông thường dành cho đại bộ phận các vị trí việc làm ổn định như, kế toán, nhân viên văn phòng, lễ tân, các vị trí lao động phổ thông có tay nghề…

Còn từ mức 10 triệu đồng trở lên sẽ dành cho các chỉ tiêu tuyển dụng chất lượng cao, người lao động có kinh nghiệm và chuyên môn tốt, có khả năng chịu áp lực công việc cao, hoặc tuyển dụng vào các vị trí kinh doanh, quản lý, giám sát, trưởng – phó phòng…

Kỳ vọng về mức lương của người lao động cũng gần như tương quan với khả năng chi trả của doanh nghiệp. Ông Vũ Quang Thành cho rằng về mức lương, tuỳ theo yêu cầu và từng vị trí việc làm, doanh nghiệp sẽ chi trả các mức lương khác nhau.

Trong tháng 9/2023, nếu như nhóm lao động chủ yếu tìm việc có mức 5 – 10 triệu đồng, thì đây cũng là mức được nhà tuyển dụng chi trả phổ biến, chiếm 37,32%, cao nhất so với các mức lương khác; gần 25% doanh nghiệp chi trả mức lương dao động từ 10 - 15 triệu đồng/tháng và 9,8% vị trí có mức lương trên 20 triệu đồng.

Theo số liệu thu thập của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, trong quý 3 và 9 tháng năm 2023, các chỉ số hoạt động kinh doanh của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng tăng so với cùng kỳ, kinh tế tiếp tục phục hồi tích cực và phát triển tốt.

Nhiều ngành, lĩnh vực tiếp tục duy trì xu hướng tích cực, như: khu vực công nghiệp có tốc độ tăng nhẹ, tăng trưởng trong lĩnh vực bán lẻ hàng hoá, lạm phát tiếp tục có xu hướng giảm dần.

Tuy nhiên, bên cạnh các yếu tố thuận lợi, nền kinh tế vẫn đang đối mặt với một số khó khăn, thách thức khi cầu thế giới phục hồi yếu; động lực từ khu vực sản xuất tuy đã có cải thiện so với nửa đầu năm, nhưng còn khá yếu do thiếu hụt đơn hàng; thị trường xuất khẩu thu hẹp.

Vì thế, dự báo thị trường lao động trong thời gian tới, cũng như nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tiếp tục sự có sự biến động.

TẬP TRUNG VÀO CHẤT LƯỢNG NHIỀU HƠN

Theo các chuyên gia, suy thoái kinh tế toàn cầu đã gây ra những tác động không nhỏ đến nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Bên cạnh đó, thiếu hụt nhân sự chất lượng cao cùng những thách thức trong bài toán thu hút và giữ chân nhân tài đã buộc nhiều doanh nghiệp phải thay đổi lại cơ cấu nhân sự và chiến lược tuyển dụng.

Doanh nghiệp phỏng vấn tuyển dụng lao động. Ảnh - N.Dương.
Doanh nghiệp phỏng vấn tuyển dụng lao động. Ảnh - N.Dương.

Từ đó, sự cạnh tranh giữa các nhân sự trong thị trường lao động ngày càng trở nên gay gắt hơn, khiến nhiều lao động phải không ngừng nâng cấp bản thân để đáp ứng nhu cầu thị trường, thậm chí chấp nhận giảm lương, đảm nhận khối lượng công việc nhiều hơn để giữ việc làm.

Đây cũng là thực tế của nhân sự công nghệ thông tin - vốn là ngành luôn có nhu cầu tuyển dụng ổn định, ngay cả trong thời điểm đại dịch, đã được đề cập trong một báo cáo về Thực trạng nhân sự và tuyển dụng ngành công nghệ giai đoạn 2022-2025 của VietnamWorks inTECH.

Báo cáo đã chỉ ra rằng trước khi diễn ra làn sóng cắt giảm, mức lương và cơ hội thăng tiến trong công việc là 2 yếu tố được rất nhiều nhân sự quan tâm.

Tuy nhiên, sau làn sóng này, có đến 32,4% nhân sự có phần bớt khắt khe hơn trong việc lựa chọn môi trường và phúc lợi làm việc, thậm chí có đến hơn 27% nhân sự sẵn sàng chấp nhận đảm nhận lượng công việc nhiều hơn, đa nhiệm hơn.

Báo cáo kết quả khảo sát tình hình doanh nghiệp hồi tháng 5 năm nay của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính, thuộc Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân với gần 10.000 doanh nghiệp cũng cho thấy, có đến trên 82% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh, hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2023.

Trong số các doanh nghiệp còn hoạt động năm 2023, hơn 70% dự kiến giảm quy mô lao động trên 5%.

Bộ Lao động Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng dự báo, trong quý 4/2023, bên cạnh một số ngành dự báo tăng tuyển dụng lao động thì vẫn có những ngành có xu hướng giảm việc làm, như sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính, và sản phẩm quang học; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim các loại…

Trước những thực tế đó, các chuyên gia nhận định, tình trạng khó khăn chung, đơn hàng sụt giảm, phần nào khiến nhiều doanh nghiệp phải tính toán lại chi phí, trong đó có chi phí lao động, từ đó có thể hạn chế các vị trí lương cao, hoặc tính toán lại tập trung vào chất lượng nhiều hơn.

Theo đó, doanh nghiệp sẽ yêu cầu tuyển dụng khắt khe hơn, ưu tiên các ứng viên đa nhiệm, có thể đảm nhận nhiều công việc và có kinh nghiệm…