Lao động có trình độ đại học trở lên ngày càng được săn đón
Xu hướng tuyển dụng của các doanh nghiệp ở nhóm trình độ đại học trở lên đang gia tăng, chiếm gần 50% trong quý 3/2023, cao nhất so với các nhóm trình độ khác. Ở chiều người đi tìm việc, đây cũng là nhóm tham gia tìm kiếm việc làm nhiều nhất của quý này…
Số liệu thị trường lao động quý 3/2023 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội công bố mới đây cho thấy, xu hướng tuyển dụng lao động trên thị trường đang có sự gia tăng ở nhóm có trình độ từ đại học trở lên.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, qua phân tích dữ liệu đăng tuyển dụng của doanh nghiệp và người lao động tìm việc làm từ internet, trong quý 3/2023 cho thấy có 18.300 lượt doanh nghiệp đăng tuyển dụng 66.887 lao động, 73.085 lao động tìm việc.
Trong 5 nghề có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất, đứng đầu là môi giới bất động sản – trái ngược với tình trạng tuyển dụng ảm đạm so với giai đoạn trước; theo sau là nhóm thực phẩm và đồ uống; kỹ thuật điện, nhân viên an ninh; nhân viên marketing; giám sát công trình.
Cùng với đó, cũng có 5 nhóm nghề người lao động đi tìm việc nhiều nhất là kho vận; nhân viên công nghệ thông tin; nhân viên marketing; phân tích tài chính kế toán; bảo hiểm và môi giới bảo hiểm.
Đáng chú ý, xu hướng tuyển dụng trình độ đại học trở lên chiếm tỷ lệ cao nhất, với 49,2%. Theo sau là nhóm trình độ trung cấp, cao đẳng với 31,5%; còn lại không yêu cầu chuyên môn kỹ thuật.
Các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng cao hơn cả ở vị trí nhân viên, chiếm gần 70%; trong khi các vị trí quản lý bậc trung và vị trí quản lý bậc cao chiếm tỷ lệ khá cách biệt, với lần lượt là 14,8% và 13,4%.
Ở chiều người đi tìm việc cũng chủ yếu có trình độ đại học trở lên, chiếm 45,6%; trình độ cao đẳng, trung cấp và không có bằng cấp chứng chỉ không có sự chênh lệch lớn, trong khoảng từ 20 – 30%.
Nhu cầu tìm việc của người lao động cũng gần như có sự tương đồng với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, khi vị trí nhân viên cũng được phần lớn người lao động tìm kiếm, chiếm gần 50%; 25,1% tìm các công việc tạm thời, và chỉ hơn 22% tìm việc ở vị trí quản lý bậc trung. Người tìm việc chủ yếu từ 20 – 40 tuổi.
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp đều đang dần thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ để phát triển, mở rộng, tăng khả năng lợi thế cạnh tranh, cũng như thích ứng linh hoạt với sự khó khăn, áp lực của thị trường và kỳ vọng của khách hàng.
Vì vậy, các doanh nghiệp sẽ yêu cầu cao hơn về năng lực, trình độ chuyên môn kỹ thuật của nhân sự, từ đó gia tăng nhu cầu tuyển dụng nhóm lao động có trình độ từ đại học trở lên.
Báo cáo thị trường lao động Hà Nội hồi tháng 9 của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng cho thấy, thống kê trong tháng, các vị trí phần lớn đều yêu cầu trình độ đại học trở lên, chiếm gần 33%, trong khi số không yêu cầu trình độ chuyên môn kỹ thuật chiếm hơn 23%; và yêu cầu trình độ cao đẳng chỉ chiếm 10,4%.
Để đáp ứng nguồn nhân lực qua đào tạo, nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp, TS. Trịnh Thu Nga, Phó Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cũng cho rằng cần tăng cường đào tạo tại chỗ cho các doanh nghiệp.
Theo bà Nga, về phía Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong thời gian qua, Bộ này cũng đã có các chương trình phối hợp, hỗ trợ với các doanh nghiệp FDI để đào tạo, đào tạo nâng cao cho người lao động nhằm đáp ứng yêu cầu của ứng dụng các công nghệ mới, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI lớn tại Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang…
“Việc tăng cường đào tạo tại chỗ trong ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao trước mắt là rất quan trọng”, TS. Trịnh Thu Nga nói.
Ngoài ra, bà Nga cho rằng, cần phát huy vai trò của các Trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương trong tăng cường kết nối cung - cầu để gắn kết, liên thông, kết nối với các tỉnh, thành phố lân cận, hoặc giữa các vùng với nhau. Từ đó, thực hiện tốt việc điều phối, thu hút nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp trên địa bàn.