17:48 19/05/2023

Lao động trực tiếp khó làm đến tuổi nghỉ hưu

Nhật Dương

Đều có mong muốn đóng đủ thời gian tham gia bảo hiểm, về hưu đúng tuổi để nhận một khoản lương hưu khi về già, song với những công nhân lao động trực tiếp trong các nhà máy, việc có thể chờ đến tuổi nghỉ hưu có thể rất khó…

Ảnh minh họa. Nguồn - ILO.
Ảnh minh họa. Nguồn - ILO.

Dù không phải lần đầu tiên vấn đề giảm tuổi nghỉ hưu được đưa ra, song mỗi lần có sự thay đổi chính sách, vấn đề này lại lần nữa được “hâm nóng”, thể hiện sự quan tâm lớn của người lao động, đặc biệt với nhóm lao động trực tiếp.

Năm nay 40 tuổi và có gần 20 năm tham gia bảo hiểm xã hội, nhưng anh Nguyễn Đan Đích, công nhân một công ty chuyên về sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy tại Sóc Sơn (Hà Nội) băn khoăn không biết mình có thể làm công việc này đến lúc nghỉ hưu được hay không, bởi theo anh, dù đã đóng đủ 20 năm bảo hiểm, nhưng chờ đến lúc được hưởng lương hưu thì quá lâu, chưa kể nếu nghỉ hưu trước tuổi sẽ bị trừ tỷ lệ phần trăm.

Anh Đích nhẩm tính, dù số năm tham gia bảo hiểm xã hội đáp ứng yêu cầu, song về tuổi nghỉ hưu thì anh cần 22 năm nữa mới đủ điều kiện hưởng lương hưu. Trong khi đó, anh cho biết, với đặc thù công việc sản xuất linh kiện xe máy hiện khá vất vả, sức khỏe ngày càng đi xuống, thường xuyên bị đau lưng nên anh dự tính mình sẽ cố làm thêm vài năm nữa.

Khi được hỏi có dự tính gì nếu như nghỉ việc giữa chừng mà chưa đủ tuổi về hưu hay không, anh Đích nói bản thân hiện giờ chưa có kế hoạch gì, nhưng vì lo ngại càng lớn tuổi hơn khả năng không còn đáp ứng được yêu cầu công việc.

Trong thời gian làm việc tại nhà máy, anh Đích nói mình cũng được biết có nhiều công nhân khác đã có ý định rút bảo hiểm xã hội một lần, cũng vì lo lắng thời gian để được hưởng lương hưu quá dài và quá lâu, dù bản thân các công nhân đều mong muốn được đóng bảo hiểm đến cùng nhưng sức khỏe không còn cho phép để làm việc được trong nhà máy.

“Tôi biết rất nhiều người đã nghỉ trước để rút bảo hiểm xã hội một lần, chúng tôi cũng thấy như vậy là rất đáng tiếc, nên mong muốn được rút ngắn thời gian nghỉ hưởng lương hưu. Chúng tôi đi làm công nhân cũng chỉ mong khi về già có lương hưu để trang trải cuộc sống nhưng thực sự thời gian chờ cảm thấy quá lâu”, anh Đích bộc bạch.

Kiến nghị giảm tuổi nghỉ hưu với nhóm lao động trực tiếp cũng được bà Ngô Thị Hồng Hà, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Đồ chơi Chee Wah Việt Nam tại khu công nghiệp Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) nêu tại cuộc đối thoại giữa chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố với công nhân hôm 18/5.

Nêu đề xuất, bà Hà cho rằng, lao động trực tiếp bị áp chung độ tuổi nghỉ hưu như hiện nay là quá cao, bởi lẽ tuổi nghề của công nhân hạn chế hơn vì phải tăng ca, thời gian làm việc chân tay lớn nên khó duy trì lâu dài.

“Công nhân làm việc trực tiếp mà áp dụng tuổi nghỉ hưu chung như hiện nay là quá dài, trong khi thực tế, nhiều trường hợp người lao động chỉ đi làm được 15 năm. Vì vậy, chúng tôi đề nghị cơ quan liên quan xem xét thêm về vấn đề này”, bà Hà trăn trở.

Về mức hưởng lương hưu, vị cán bộ công đoàn cũng cho rằng, theo quy định hiện hành thì trường hợp người lao động có 20 năm tham gia đóng bảo hiểm xã hội sẽ được hưởng lương hưu với tỷ lệ 45%, đóng 35 năm được hưởng mức tối đa 75%, song với mức lương đóng bảo hiểm xã hội khoảng 5 triệu đồng/tháng của công nhân thì khi nghỉ hưu, mức lương hưu mà họ nhận được sẽ chỉ gần 3 triệu đồng.

Với mức lương hưu này, sẽ khó để đảm bảo được cuộc sống của người lao động, do đó cán bộ công đoàn cũng đề nghị cần xem xét về mức hưởng lương hưu.

Công nhân nhà máy may tại Thái Nguyên- Ảnh - Nhật Dương. 
Công nhân nhà máy may tại Thái Nguyên- Ảnh - Nhật Dương. 

Trước những băn khoăn của người lao động về tuổi nghỉ hưu, ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội cho biết, Bộ luật Lao động 2019 quy định từ năm 2021 bắt đầu lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đến khi đủ 60 tuổi với lao động nữ, 62 tuổi với lao động nam.

Vì vậy, việc giảm tuổi nghỉ hưu là khó khả thi. Bên cạnh đó, nhiều nước trên thế giới hiện tuổi nghỉ hưu cũng đã được nâng lên rất cao. “Chúng tôi ghi nhận, tiếp thu để báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét”, ông Mến nói.

Đối với những vấn đề về quyền lợi bảo hiểm xã hội của người lao động, ông Mến thừa nhận, qua thời gian thực hiện, chính sách đã có nhiều nội dung chưa phù hợp cần phải sửa đổi, bổ sung trong lần sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sắp tới.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội dự kiến mở rộng quyền, lợi ích cho các đối tượng tham gia như giảm điều kiện tối thiểu về số năm tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng hưu, hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần, tăng sự hấp dẫn chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện.

“Dù phương án nào thì mục tiêu cuối cùng cũng là khuyến khích người lao động ở lại hệ thống để được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, tránh những thiệt hại bất lợi khi họ hưởng bảo hiểm xã hội một lần”, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội nhấn mạnh.