11:40 30/05/2016

Lào kêu gọi đối thoại tìm giải pháp hoà bình cho biển Đông

An Huy

Với thực tế như hiện nay, các nước ASEAN khó đưa ra được một tuyên bố chung về biển Đông

Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith - Ảnh: Nikkei.<br>
Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith - Ảnh: Nikkei.<br>
Trả lời phỏng vấn tờ báo Nhật Bản The Nikkei, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith ngày 28/5 cho biết ông sẽ “hối thúc các quốc gia liên quan tiến hành đối thoại để tìm ra giải pháp hòa bình” cho các tranh chấp lãnh thổ. 

Nikkei cho rằng “các quốc gia liên quan” mà Thủ tướng Lào nói đến ở đây là Việt Nam và Philippines.

Tờ báo này nhận định, những tuyên bố trên của ông Thongloun là đáng chú ý trong bối cảnh năm nay, Lào là nước giữ cương vị Chủ tịch luân phiên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Một số nước ASEAN, trong đó có Việt Nam và Philippines, có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc trên biển Đông.

“Với cương vị Chủ tịch ASEAN, Lào sẽ nỗ lực để tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự đàm phán tích cực giữa các quốc gia có liên quan”, ông Thongloun phát biểu. Ông cũng nói Lào sẽ hối thúc các nước kiềm chế có bất kỳ hành động nào có thể đẩy căng thẳng gia tăng.

Trước đó, đối mặt với sự hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông, Việt Nam và Philippines đã kêu gọi các nước còn lại trong ASEAN tạo thành một mặt trận đoàn kết trong vấn đề này. Philippines đã kiện Trung Quốc lên tòa án trọng tài quốc tế ở The Hague, Hà Lan, và đang chờ phán quyết của tòa trong vụ kiện.

Philippines cũng đang kêu gọi các nước ASEAN ra một tuyên bố chung về phán quyết của tòa án trọng tài nhằm thể hiện sự đoàn kết của khối trong vấn đề Biển Đông.

Tuy nhiên, theo The Nikkei, Thủ tướng Lào đã thể hiện một lập trường thận trọng đối với việc ra một tuyên bố chung như vậy. Ông Thongloun nói rằng các nước ASEAN nên đưa ra quyết định về vấn đề này “một cách thận trọng, dựa trên tình hình thực tế”.

Hiện nay, 10 nước ASEAN có quan điểm không nhất quán về việc ra một tuyên bố chung về vấn đề biển Đông. Một số nước như Singapore ủng hộ ý tưởng này, trong khi một số khác như Campuchia còn phản đối.

Cả Campuchia và Lào đều có mối quan hệ kinh tế mật thiết với Trung Quốc.

Thủ tướng Thongloun nhấn mạnh rằng ASEAN hoạt động dựa trên nguyên tắc đồng thuận. Với thực tế như hiện nay, các nước ASEAN khó đưa ra được một tuyên bố chung như Philippines mong muốn.

Trong cuộc trao đổi với Nikkei, ông Thongloun cũng cho biết Lào đang xem xét gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ông nói Lào đang “tiến hành nghiên cứu kỹ” để xác định xem địa vị thành viên TPP sẽ đem lại cho nước này những lợi ích như thế nào.

Trong số các nước ASEAN, đã có 4 nước tham gia TPP, gồm Singapore, Malaysia, Việt Nam và Brunei. Các nước Philippines, Indonesia và Thái Lan cũng đang quan tâm tới việc gia nhập hiệp định này.