08:47 13/08/2007

Lập câu lạc bộ các cổ đông thiểu số?

Lan Hương

Ý tưởng thành lập một câu lạc bộ các cổ đông thiểu số đang được Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) nghiên cứu

"Bảo vệ cổ đông thiểu số là một trong những vấn đề cơ bản trong quản trị công ty."
"Bảo vệ cổ đông thiểu số là một trong những vấn đề cơ bản trong quản trị công ty."
Ý tưởng thành lập một câu lạc bộ các cổ đông thiểu số đang được Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) nghiên cứu.

Theo ông Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban Nghiên cứu chính sách kinh tế vĩ mô (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), trong điều kiện của Việt Nam hiện nay còn quá nhiều khoảng trống luật pháp khiến cho nhiều cổ đông nhỏ trở nên khốn khổ và thiệt thòi, thì mô hình câu lạc bộ này hy vọng sẽ là một giải pháp giúp các cổ đông nhỏ tự bảo vệ mình tốt hơn.

Thưa ông, những quy định của pháp luật hiện nay có những gì khiếm khuyết khiến cho các cổ đông nhỏ yếu thế hơn những cổ đông khác?

Bảo vệ cổ đông thiểu số là một trong những vấn đề cơ bản trong quản trị công ty. Vì vậy, pháp luật trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã chú trọng khá nhiều đến việc bảo vệ cổ đông thiểu số, nhất là trong Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán cũng như các văn bản hướng dẫn. Ở đó chúng ta cũng đã quy định khá đầy đủ quyền của các cổ đông, nhất là các cổ đông thiểu số, những công cụ và cơ chế mà cổ đông có thể thực hiện để bảo vệ lợi ích của mình.

Để bảo vệ được lợi ích của các cổ đông thiểu số, trước hết phải dựa vào số lượng thông tin mà họ tiếp cận được, chất lượng của các thông tin và thời điểm, tính kịp thời của thông tin mà họ có thể nhận được và từ đó phân tích để bảo vệ lợi ích của các cổ đông. Đồng thời với những cái đó còn phụ thuộc vào năng lực của các nhà đầu tư. Liệu nhà đầu tư có khả năng phân tích đánh giá những thông tin có được để từ đó đầu tư một cách thích hợp?

Xét về pháp luật chúng ta đã quy định khá đầy đủ. Tuy nhiên xét về mặt công bố thông tin so với những thông lệ tốt nhất thì chúng ta mới chủ yếu chú ý đến thông tin quá khứ, những thông tin công bố định kỳ về báo cáo tài chính hàng quý, những thông tin đột xuất mà công ty phải công bố, những giao dịch nội bộ mà công ty phải công bố theo quy định của Thông tư số 38/2007-TT-BTC của Bộ Tài chính về hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

Riêng những thông tin đánh giá về tương lai của công ty như nhóm thông tin về hội đồng quản trị và nhóm thông tin về đánh giá của hội đồng quản trị về tương lai quản trị của công ty, thì hiện nay còn thiếu và pháp luật chưa yêu cầu.

Cụ thể là những thông tin gì, thưa ông?

Nhóm thông tin về đánh giá của hội đồng quản trị như: về thay đổi thị trường sản phẩm, thị trường đầu ra của công ty, những tác động của thị trường vốn và những yếu tố khác.

Nhóm thông tin về hội đồng quản trị như: thành viên hội đồng quản trị có sở hữu bao nhiêu phần trăm trong công ty và những công ty khác, năng lực kinh nghiệm của hội đồng quản trị, ai giới thiệu vào hội đồng quản trị.

Những thông tin này rất quan trọng, không những giúp nhà đầu tư đánh giá được năng lực của đội ngũ hội đồng quản trị, mà còn đánh giá được tính khách quan, công bằng, vô tư không thiên vị trong hoạt động kinh doanh.

Đối với các nhà đầu tư thiểu số, hai nhóm thông tin về tương lai rất quan trọng. Bởi có như vậy thì mọi giao dịch của công ty kể cả giao dịch chuyển nhượng cổ phần của thành viên hội đồng quản trị mới có thể đánh giá được một cách minh bạch và công bằng.

Trong hoàn cảnh còn thiếu quá nhiều thứ như vậy, để bảo vệ chính quyền lợi của mình, theo ông các nhà đầu tư nhỏ phải làm gì?

Theo tôi, có 3 giải pháp:

Thứ nhất, các nhà đầu tư thiểu số cần hợp lại với nhau, kiến nghị thay đổi bổ sung vào những quy định, những công cụ mà qua đó có thể bảo vệ lợi ích của họ. Ví dụ, luật không cấm khi hội đồng quản trị chuyển nhượng cổ phần của mình ra cho người khác.

Tuy nhiên, để ngăn ngừa chuyện này thì có thể bổ sung vào điều lệ công ty quy định là: các thành viên hội đồng quản trị trong giai đoạn nhiệm kỳ chuyển nhượng cổ phiếu của mình cho người khác, được quyền chuyển nhượng nhưng phải được sự chấp thuận của hội đồng quản trị về số lượng, thời điểm được chuyển nhượng để đảm bảo sự chuyển nhượng đó không gây bất ổn, thay đổi cung cầu một cách quá mức, có thể làm hại lợi ích của cổ đông thiểu số.

Thứ hai, họ có thể tập hợp nhau lại thành Câu lạc bộ của nhà đầu tư thiểu số, nhằm trao đổi, học hỏi kinh nhiệm lẫn nhau, cùng nhau góp tiếng nói chung, nâng cao sức mạnh của mình.

Thứ ba, khi bỏ tiền ra họ phải hiểu biết, nếu chưa hiểu biết thì phải đi học hỏi, đặc biệt là nâng cao khả năng phân tích, đánh giá thông tin, các yếu tố có thể tác động đến khoản đầu tư của mình và từ đó đề ra quyết định đầu tư một cách hợp lý. Một khi cổ đông nhỏ nắm chắc được luật pháp thì cổ đông lớn ắt phải dè chừng.

Một vài nét phác thảo về câu lạc bộ các cổ đông thiểu số mà ông và những người bạn đang nghiên cứu và xây dựng?

Theo định hướng thì câu lạc bộ sẽ là nơi tập hợp các cổ đông thiểu số, cùng nhau trao đổi thông tin, kiến thức, cùng nhau đi đòi quyền lợi chính đáng của mình... Nhưng ở Việt Nam, để có thể tập hợp nhau lại không dễ.

Thực tế, mô hình câu lạc bộ mới manh nha ở một số hoạt động của một vài nhóm người chủ yếu là bạn bè như: cùng nhau tập hợp lại, lựa chọn người của mình vào hội đồng quản trị bằng cách bầu dồn phiếu.

Ý tưởng này có thể dần dần tìm kiếm thêm nhiều người, tăng thêm lực lượng, nhưng cách làm này vẫn mang tính chất tự phát, tự nguyện không chính thức. Nếu để hoạt động có hiệu quả hơn, cần phải có “bà đỡ”, có người đi đầu, có tiêu chí, và cần người đi tiên phong.