TP.HCM và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ hợp tác phát triển kinh tế xã hội
Phát triển du lịch; kết nối cung - cầu, xúc tiến đầu tư và thương mại; phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực; phát triển nông nghiệp; và hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu là 5 lĩnh vực hợp tác chung mà TP.HCM và các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ đã thống nhất cùng hợp tác phát triển...
Ngày 15/4, tại tỉnh Khánh Hòa đã diễn ra Hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TPHCM và các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ; định hướng hợp tác phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025.
Dự Hội nghị có lãnh đạo các tỉnh, thành phố: TPHCM, Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi và lãnh đạo các sở, ngành, các doanh nghiệp đến từ các địa phương này.
Tại hội nghị, ngoài 5 lĩnh vực hợp tác chung nêu trên, TP.HCM cũng sẽ ký kết hợp tác song phương theo đặc thù với từng địa phương. Các địa phương sẽ ký kết hợp tác chung cả vùng và riêng ở một số lĩnh vực, tránh các tỉnh cạnh tranh lẫn nhau làm mất động lực phát triển chung.
TP.HCM và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, gồm 6 tỉnh: Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định và Quảng Ngãi đã có các chương trình hợp tác phát triển kinh tế xã hội từ những năm 2013 và gặt hái được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, chương trình hợp tác đã có sức lan tỏa rộng trên các lĩnh vực đầu tư, xúc tiến đầu tư và thương mại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, văn hóa du lịch, y tế, giáo dục, thông tin và truyền thông, các hoạt động an sinh xã hội.
Vừa qua, các địa phương đã tổng kết các hoạt động trong chương trình hợp tác cùng phát triển và đề ra kế hoạch cho giai đoạn 2023 – 2025, nhằm thực hiện tốt hơn nữa vai trò kết nối cung cầu hàng hóa giữa các địa phương với nhau và giữa TP.HCM với các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ.
Vùng duyên hải Nam Trung Bộ là một trong những vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, có vai trò quan trọng là cầu nối kinh tế, quốc phòng giữa vùng Bắc Trung Bộ với Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, giữa đất liền với các quần đảo. Vùng được xác định là một trong 4 vùng trọng tâm trong chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển của Việt Nam.
Đánh giá những kết quả đạt được trong thời gian qua, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho rằng, với thành tựu đạt được, các địa phương chúng ta cũng cần phải nhìn nhận đúng thực tế là tình hình phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh trong vùng duyên hải Nam Trung Bộ vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có. Một số nội dung hợp tác chưa thực sự phát huy hiệu quả cao nhất.
Chính vì thế, theo người đứng đầu chính quyền tỉnh Khánh Hòa, việc tiếp tục xây dựng và ký kết chương trình hợp tác giữa TP.HCM với các tỉnh trong vùng cần có những định hướng mới, có hiệu quả, trọng tâm hơn. Đây là điều hết sức cần thiết.
Trong khi đó, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM nhận định rằng trong nhiều nội dung hợp tác vừa qua, các lĩnh vực như du lịch, kết nối cung - cầu thương mại, chuyển đổi số và nông nghiệp là các mảng mà TP.HCM và các tỉnh Nam Trung Bộ có triển vọng hợp tác hiệu quả nhất.
Ông Mãi cũng lưu ý cần quan tâm đến lĩnh vực hợp tác về y tế, giáo dục là lĩnh vực mà TP.HCM có lợi thế. TP.HCM sẽ tăng cường hơn nữa tiêu thụ hàng hóa của các tỉnh Nam Trung Bộ; ở chiều ngược lại, Thành phố sẽ đưa các doanh nghiệp công nghệ, chế biến của mình tham gia vào khâu sau sản xuất ở các địa phương.
Về kế hoạch trong thời gian tới 2023 – 2025, các địa phương thống nhất cho rằng cầntriển khai cụ thể, hiệu quả hơn nữa. Các địa phương cần phát huy lợi thế của các bên, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương dựa trên nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện, các bên cùng có lợi. Nội dung hợp tác cụ thể, khả thi, dựa trên nhu cầu thực tế và năng lực thực hiện của các bên. Các cơ quan, đơn vị xây dựng, triển khai kế hoạch từng nội dung hợp tác cụ thể, có kế hoạch tổ chức sơ kết hằng năm tại đơn vị.
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM đề xuất Chương trình hợp tác sẽ thành lập hội đồng điều phối chung, theo đó mỗi tỉnh cử ra một cơ quan thường trực, chuyên ngành tham gia. TP.HCM chịu trách nhiệm xây dựng chương trình hợp tác cụ thể cho từng năm; đồng thời lập một trang điện tử cập nhật liên tục các hoạt động liên kết.
“Các địa phương cũng cần tạo điều kiện, cũng như tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp bởi đây là lực lượng triển khai hiệu quả liên kết nhất. Cộng đồng doanh nghiệp TP.HCM và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ tăng cường kết nối giao thương, xúc tiến đầu tư, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ nhau về kinh nghiệm, công nghệ trong quản lý và sản xuất để cùng phát triển”, ông Phan Văn Mãi đề xuất thêm.
Thời gian qua, trong lĩnh vực y tế, TP.HCM đã thực hiện công tác chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật cũng như đào tạo nguồn nhân lực, thực hiện các chương trình y tế quốc gia (Đề án 1816), bệnh viện vệ tinh,… cho nhiều cơ sở y tế của vùng duyên hải Nam Trung Bộ.
Các địa phương đã ký kết các chương trình hợp tác, được cụ thể hóa thành các chương trình, đề án, hành động cụ thể để đến cuối năm 2025 sẽ có những kết quả hợp tác có thể nhìn thấy được, định lượng được, góp phần thiết thực cho sự phát triển kinh tế xã hội của mỗi địa phương trong vùng và của cả vùng, cũng như giữa TP.HCM với toàn vùng.
Một số chương trình hợp tác song phương giữa TP.HCM với các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, như: TP.HCM – Bình Thuận: Hỗ trợ đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho các bệnh viện ở Bình Thuận; TP.HCM – Khánh Hòa: Phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, hợp tác về y tế; TP.HCM – Ninh Thuận: Hợp tác đầu tư, khai thác cảng biển tổng hợp Cà Ná, kinh doanh bất động sản; TP.HCM – Quảng Ngãi: Xúc tiến đầu tư thương mại du lịch, tiêu thụi sản phẩm đặc trưng địa phương…