19:20 25/08/2022

Lễ hội Cơ giới hóa châu Á 2022: Cơ hội cho ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp cận công nghệ tiên tiến hướng tới phát triển bền vững

Chu Khôi

Hàng trăm công ty từ nhiều quốc gia đã đem đến Cần Thơ nhiều máy nông nghiệp hiện đại để xuống đồng trình diễn tại Lễ hội Cơ giới hóa châu Á (Agritechnica Asia Live 2022). Đây là diễn đàn hữu ích để ngành nông nghiệp Việt Nam, cùng các quốc gia châu Á có thêm cơ hội tiếp cận với kỹ thuật, công nghệ đồng bộ, hiện đại,..

Cắt băng khai mạc Lễ hội Cơ giới hóa châu Á 2022.
Cắt băng khai mạc Lễ hội Cơ giới hóa châu Á 2022.

Trong hai ngày 25-26/8/2022, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI) và Hiệp hội Nông nghiệp Đức (DLG) tổ chức lễ hội Cơ giới hóa Châu Á (Agritechnica Asia Live 2022) với chủ đề "Cơ giới hóa đồng bộ hướng tới nền nông nghiệp bền vững”.

SỰ KIỆN QUỐC TẾ TRỌNG ĐIỂM CỦA NGÀNH NÔNG NGHIỆP

Phát biểu khai mạc lễ hội vào sáng 25/8, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Trưởng ban tổ chức Agritechnica Asia Live 2022, cho biết có 4.000 nông dân tham dự toàn bộ các sự kiện của lễ hội. Đây là "ngày hội" cơ giới hoá lớn nhất từ trước tới nay được tổ chức tại Việt Nam, là dịp để chúng ta nhìn nhận lại xem chúng ta cần làm những gì để thúc đẩy quá trình cơ giới hoá đồng bộ, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.

"Đây cũng là cơ hội để tạo một thị trường về cơ giới hoá, các doanh nghiệp, hợp tác xã, bà con nông dân tìm hiểu, kết nối lẫn nhau; là cơ hội để các doanh nghiệp trong và ngoài nước học hỏi về công nghệ, tìm kiếm cơ hội hợp tác", ông Thanh nhấn mạnh.

Các hoạt động tại lễ hội gồm: Hội thảo cơ giới hóa đồng bộ hướng tới nền nông nghiệp bền vững; hội thảo tham vấn xây dựng trung tâm cơ khí nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long; trình diễn máy móc, thiết bị, công nghệ trực tiếp trên đồng ruộng; trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP,…

Sự kiện thu hút nhiều tổ chức quốc tế như: Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan, Hiệp hội Nông nghiệp Đức, Đại sứ quán Đức, Hội thương mại Đức, Viện Lúa IRRI,... cũng như các doanh nghiệp, hợp tác xã trong nước và nông dân đến trưng bày, triển lãm, tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác giao thương, góp phần tạo động lực chuyển đổi nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam theo hướng phát triển bền vững.

 

"Sự kiện sẽ giúp nông dân tiếp cận được những máy móc hiện đại, đồng thời kết nối để các nhà sản xuất máy nắm rõ hơn nhu cầu của nông dân để sản xuất máy nông nghiệp phù hợp. Chỉ khi nào chúng ta xây dựng được thị trường cơ giới hoá thì mới mong công cuộc này đi nhanh hơn, thực chất hơn".

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Phát biểu tại lễ hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhận định: Đây là sự kiện quốc tế trọng điểm mang dấu ấn của ngành nông nghiệp nhằm thúc đẩy canh tác nông nghiệp bền vững thông qua ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Nêu ví dụ điển hình, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết nông dân trồng quýt Lai Vung điều khiển hệ thống tưới bằng điện thoại di động. Các cơ sở cơ khí nông nghiệp tại miền Tây Nam bộ nghiên cứu chế tạo, lắp ráp và tùy chỉnh máy móc hoạt động với năng suất, hiệu quả cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, địa hình đặc trưng của đồng bằng châu thổ. 

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, với chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới, Chính phủ đã và đang tiếp tục quan tâm, ban hành, xem xét nhiều chính sách hỗ trợ phát triển cơ giới hóa nông nghiệp. Bên cạnh đó, các hoạt động về huấn luyện, đào tạo lao động sử dụng máy, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp... cũng được chú trọng.

“Sự kiện cơ giới hóa nông nghiệp châu Á 2022 là diễn đàn hữu ích để ngành nông nghiệp của Việt Nam, cùng các quốc gia châu Á có thêm cơ hội tiếp cận với kỹ thuật, công nghệ đồng bộ, hiện đại, phù hợp với điều kiện, quy mô sản xuất”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, đồng thời hy vọng các đại biểu tham dự chuỗi sự kiện cũng thảo luận và đề xuất nhiều giải pháp để nông dân, hợp tác xã có thể tiếp cận nhanh và hiệu quả nhất các công nghệ tiên tiến, hiện đại, những thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

HÀNG TRĂM MÁY NÔNG NGHIỆP XUỐNG ĐỒNG TRÌNH DIỄN

Trong chuỗi sự kiện Agritechnica Asia Live 2022, sáng 25/8, tại Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, các doanh nghiệp đã trình diễn cơ giới sản xuất lúa trên đồng ruộng. Bộ trưởng Lê Minh Hoan, các đại biểu trong nước và quốc tế cùng ra đồng. Có hàng ngàn nông dân của 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long về tham quan trình diễn máy móc cơ giới hóa.

Tại đây, hàng trăm công ty đến từ nhiều quốc gia đã đem đến đến trình diễn những cỗ máy nông nghiệp rất hiện đại. Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Sài Gòn Kim Hồng trình diễn 2 thiết bị là máy sạ cụm và máy bay không người lái (drone) từ Hàn Quốc. Với ưu điểm của các thiết bị này là giúp giảm giống, qua đó giảm lượng phân, thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế được sâu bệnh, nâng cao năng suất và chất lượng lúa thương phẩm.

Trình diễn máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật
Trình diễn máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật

Máy gặt đập liên hợp YH850G của Công ty Yanmar cũng được nông dân rất chú ý với loại bồn chứa và vòi xả hỗ trợ thuận tiện cho việc đóng bao lúa ngay tại đồng ruộng, từ đó giúp tiết kiệm công lao động và chi phí.

Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long giới thiệu mô hình canh tác lúa tiên tiến: Ứng dụng cơ giới hóa trong khâu gieo sạ/cấy và các tiến bộ kỹ thuật đồng bộ nhằm tiết kiệm giống, phân bón, công lao động, giúp cây lúa khỏe, phát triển tốt, ít sâu bệnh, hạn chế đổ ngã. 

Khách tham quan bộ giống lúa mới của Viện Lúa có đặc tính vượt trội. Các giống lúa trình diễn có thời gian sinh trưởng ngắn (85 - 100 ngày), gồm các nhóm giống lúa chất lượng cao cấp, chất lượng cao, giống lúa cao sản, nếp và Japonica. Tổng số giống lúa trình diễn là 16 giống, trong đó sử dụng giống OM4900 và OM5451 làm đối chứng.

Trình diễn là phẳng mặt ruộng.
Trình diễn là phẳng mặt ruộng.

Trung tâm đổi mới xanh Việt Nam (GIC) giới thiệu mô hình các kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến tại Đồng bằng sông Cửu Long. Mô hình nhằm trình diễn các kỹ thuật canh tác lúa cải tiến trong bối cảnh sản xuất bền vững giúp nâng cấp chuỗi giá trị lúa gạo; đồng thời thuyết phục nông dân áp dụng kỹ thuật, đạt yêu cầu chất lượng - MRL phù hợp với thị trường chất lượng cao ở EU và Hoa Kỳ, giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập và giảm khí thải.

Cùng với đó, mô hình cơ giới sạ lúa tăng hiệu suất và giảm tác động môi trường là công nghệ được phát triển bởi sự hợp tác giữa Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI), Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long và Công ty APV Austria. Mục tiêu là giảm hơn 50% lượng giống so với phương pháp sạ truyền thống; giảm trên 20% phân bón; giảm nguy cơ sâu bệnh, dịch hại và lưu trú; không giảm năng suất nhưng giảm 10-25% phát thải khí nhà kính.

Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) và Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM (NLU) trình diễn công nghệ san phẳng laser. Đây là công nghệ cơ giới hóa chính xác, giúp cho mặt ruộng bằng phẳng (không dốc và không chênh lệch).

Tham quan trình diễn canh tác áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như các giải pháp cơ giới hoá đồng bộ, nông dân đã được học hỏi những mô hình canh tác lúa tiên tiến; canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu...  Tại các điểm tham quan, nông dân cũng được trực tiếp quan sát các khâu trong sản xuất nông nghiệp như làm đất, sạ cụm, bón phân, phun thuốc, sạ lúa bằng drone, máy gặt đập liên hợp...