15:08 07/07/2011

Liệu Trung Quốc đã hết thời thao túng đất hiếm?

Hồng Ngọc

Phát hiện trữ lượng đất hiếm dưới đáy Thái Bình Dương của Nhật Bản được coi là sẽ làm đảo lộn ván bài độc quyền của Trung Quốc

Việc hạn chế xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc đã khiến giá mặt hàng này tăng vọt.
Việc hạn chế xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc đã khiến giá mặt hàng này tăng vọt.
Mới đây, nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Tokyo đã công bố phát hiện trong bùn dưới đáy biển Thái Bình Dương có nồng độ đất hiếm cao, với trữ lượng gấp 800 lần so với tổng trữ lượng đất hiếm trên đất liền.

Đảo lộn ván cờ...

Nhóm nghiên cứu Nhật Bản đã phát hiện thấy bùn có nồng độ các thành phần của đất hiếm (như Neodym) trên 400 ppm, phân bố tại nhiều địa điểm dưới đáy biển ở độ sâu từ 3.500 - 6.000m. Đặc biệt, bùn có nồng độ đất hiếm cao tập trung ở phía đông nam và giữa Thái Bình Dương.

Trữ lượng đất hiếm trong lớp bùn dày từ 8 - 23,6 m dưới đáy biển ở những nơi khảo sát lên đến 88 tỷ tấn, gấp khoảng 800 lần so với tổng trữ lượng đất hiếm 110 triệu tấn trên đất liền. Nếu tính trữ lượng đất hiếm dưới đáy biển toàn bộ Thái Bình Dương, thì trữ lượng có thể gấp vài nghìn lần so với trên đất liền.

Nhóm nghiên cứu Nhật Bản cũng cho biết nồng độ quặng đất hiếm của Trung Quốc từ 500 - 1.000 ppm, trong khi nồng độ đất hiếm cao nhất trong bùn dưới đáy biển lên tới 2.230 ppm. Hơn một nửa lượng bùn chứa đất hiếm dưới đáy biển nằm ở các vùng biển quốc tế, nếu xin phép tổ chức quản lý đáy biển quốc tế thì có thể có quyền khai thác, nhưng do từ trước đến nay chưa có tiền lệ khai thác tài nguyên như vậy, nên cần có thời gian hình thành các thỏa thuận mang tính quốc tế.

Giáo sư địa chất học Yasuhiro Kato, đại học Tokyo, tác giả chính của nghiên cứu cho biết, nhiều công ty khai thác mỏ chưa biết sự hiện diện của đất hiếm nhóm địa chất đã phát hiện. "Khoảng 30 năm trước, một công ty mỏ của Đức đã thành công trong việc khai thác bùn dưới đáy Biển Đỏ. Vì vậy, chúng tôi tin bùn dưới biển có thể khai thác như một loại tài nguyên khoáng sản", giáo sư Yasuhiro Kato nói.

Nhật Bản hiện nhập khẩu tới 90% nhu cầu đất hiếm từ Trung Quốc. Do đó, các chuyên gia Nhật Bản đang đặt mục tiêu tìm kiếm và phát hiện đất hiếm dưới đáy biển trong khu vực đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản để có thể sớm khai thác và giảm phụ thuộc vào nguồn đất hiếm của Trung Quốc.

Tờ Libération hôm 6/7 trong bài viết có tựa đề "Những loại đất càng ngày càng bớt hiếm’’, cho rằng, việc khám phá trữ lượng đất hiếm ở Thái Bình Dương có thể phá vỡ độc quyền của Trung Quốc. Theo RFI dẫn lời tác giả bài báo Vittorio de Filippis, phát hiện đang làm thay đổi ván cờ, đảo lộn thị trường đất hiếm thế giới.

Từ nhiều năm nay, Trung Quốc là nước chiếm tới 97% nguồn cung đất hiếm trên toàn thế giới, nên mặc sức làm mưa làm gió. Với ưu thế là nhà xuất khẩu đất hiếm lớn nhất thế giới, Trung Quốc đã dùng nguyên liệu này như một thứ vũ khí "nắm thóp" để răn đe không chỉ trên sân chơi mậu dịch mà còn ở vũ đài chính trị.

Tờ New York Times của Mỹ số ra ngày 23/9/2010 dẫn lời một quan chức giấu tên thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, Trung Quốc đã ra lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản, nhằm tăng áp lực buộc Nhật Bản phải thả thuyền trưởng tàu Mân Tấn 5179 đã bị Nhật Bản bắt giữ hồi đầu tháng sau khi tàu của người này va chạm với các tàu tuần tra Nhật ở gần quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư).

Mặc dù, ông Trần Vinh Khải, người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc, đã bác bỏ thông tin này bằng tuyên bố “Trung Quốc không đưa ra bất kỳ biện pháp nào hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Nhật”. Tuy nhiên, sau đó các công ty Nhật khẳng định, việc vận chuyển đất hiếm từ Trung Quốc hầu như đã dừng lại kể từ sau khi Tokyo bắt giữ thuyền trưởng tàu cá Mân Tấn 5179. Số liệu của Hải quan Trung Quốc cũng cho thấy, từ tháng 9 - 11/2010, việc xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản hoàn toàn bị đình trệ.

Sang đầu năm nay, Trung Quốc vừa hạ thấp hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm vừa tăng thuế, theo đó, thuế xuất khẩu đất hiếm tăng từ 15% lên 25%, thuế tài nguyên tăng từ 0,5 USD/kg lên 8 USD/kg, có hiệu lực từ ngày 1/4. Chính sách hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc khiến nguồn cung đất hiếm trên thị trường toàn cầu bị sụt giảm nghiêm trọng, đẩy giá cả lên cao và khiến thế giới phải phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc.

Tiếp đó, theo một bản tin của Bloomberg hôm 17/6 vừa qua, giá các loại đất hiếm nặng đã tăng gấp hơn 2 lần trong vòng 2 tuần, sau khi Trung Quốc thông báo kế hoạch tập trung kiếm soát các mỏ khai thác đất hiếm ở nước này.

Giá dysprosium oxide, được sử dụng trong các nam châm, laser và các lò phản ứng hạt nhân, đã tăng từ 700 – 740 USD/kg hồi đầu tháng 6 lên 1.470 USD/kg trong ngày 16/6. Giá europi oxide, được sử dụng trong các sản phẩm lân quang trong TV Plasma, điện thoại thông minh và bóng đèn tiết kiệm năng lượng, đã tăng khoảng 142% trong cùng thời gian này từ 1.260 – 1.300 USD/kg lên 3.400 USD/kg.

Tin cho hay, trước đó, hồi cuối tháng 5, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Đất đai Trung Quốc Xu Shaoshi tiết lộ kế hoạch sáp nhập hoặc đóng cửa các mỏ đất hiếm, kiểm tra thường xuyên và đẩy mạnh việc ngăn chặn khai thác bất hợp pháp. Thông tin này đã khiến giá đất hiếm không ngừng leo thang. Theo các nguồn tin địa phương, ngoài việc bảo vệ tài nguyên khoáng sản và nguồn cung cấp thị trường trong nước, động thái này còn nhằm thiết lập một kho dự trữ chiến lược cho đất hiếm nặng của Trung Quốc.

Trong khi đó, nhu cầu toàn cầu về đất hiếm đang gia tăng nhanh chóng. Dudley Kingsnorth, Giám đốc điều hành công ty tư vấn về khoáng sản công nghiệp của Australia (IMCOA), dự báo, nhu cầu đất hiếm sẽ tăng gấp đôi trong mười năm tới, từ 124.000 tấn năm 2010 lên 250.000 tấn năm 2020; các công ty Nhật tiêu thụ một nửa số đó.

... hay con dao hai lưỡi?

Theo lời một chuyên gia trên tờ Libération, đất hiếm đang làm mọi người điên đảo, nhưng không có gì bảo đảm là việc khám phá tất nhiên dẫn đến công cuộc khai thác. Trong những năm 1970, người ta cũng đã rất hồ hởi với loại đá thạch chứa nhiều kim loại nằm ở đáy đại dương, cho đó có thể là nguồn năng lượng tương lai, nhưng rốt cuộc thì mọi người đã tính sai, vì không bõ công đầu tư khai thác.

Lần này có lẽ sẽ không như thế. Các chuyên gia Nhật Bản đưa ra con số, trữ lượng đất hiếm trong lớp bùn dày từ 8 - 23,6 m dưới đáy biển ở những nơi khảo sát lên đến 88 tỷ tấn, gấp khoảng 800 lần so với tổng trữ lượng đất hiếm 110 triệu tấn trên đất liền.

Nếu tính trữ lượng đất hiếm dưới đáy biển toàn bộ Thái Bình Dương, thì trữ lượng có thể gấp vài nghìn lần so với trên đất liền. Sản xuất của Trung Quốc tuy chiếm 97% sản lượng thế giới, nhưng chỉ là 120.000 tấn mỗi năm, không thấm vào đâu trước những con số to lớn nói trên.

Nhóm nghiên cứu Nhật Bản còn khẳng định là ở những vùng giàu đất hiếm nhất của Thái Bình Dương, chỉ cần khai thác trên một diện tích 5 cây số vuông thôi, cũng đủ cung cấp cho nhu cầu thế giới trong một năm. Như nói trên, việc khám phá này đã khiến giới kinh doanh đất hiếm rất hồ hởi. Một thương gia, ông George Pichon, đứng đầu một tập đoàn chuyên kinh doanh đất hiếm, đã nhìn thấy là tuy việc khai thác khám phá này còn xa vời, nhưng một điều chắc chắn là nó sẽ làm thay đổi cục diện hiện nay.

Tuy nhiên, theo Libération, khám phá của Nhật cũng là con dao kinh tế hai lưỡi là vì một mặt nó là một thông điệp mạnh gởi đến Trung Quốc. Do lo ngại mất thị trường, Trung Quốc sẽ phải giám giá. Nhưng mặt khác nếu giá cả tuột giảm thì việc khai thác lòng đại dương sẽ không mang lợi gì nhiều.

Ngoài ra, hệ sinh thái ở vùng này của Thái Bình Dương được đánh giá là rất mảnh mai, nên vấn đề môi trường rất đáng quan tâm. Khu vực phát hiện còn nằm ở hải phận quốc tế, là của chung của mọi nguời, và muốn khai thác thì phải có một hiệp ước quốc tế. Do đó, Trung Quốc vẫn còn dư địa để tiếp tục "thao túng" thị trường đất hiếm.

Thay vào sự trông chờ từ khai thác đất hiếm dưới đáy đại dương, các nước có thể trông chờ vào sản lượng đất hiếm ở các nơi khác trên thế giới sẽ dần thay thế vai trò của Trung Quốc. Hôm 21/6, trả lời phỏng vấn tờ China Daily, ông Wang Caifeng, cựu quan chức Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc cho rằng, 2 năm tới Trung Quốc sẽ chỉ cung cấp 60% sản lượng đất hiếm toàn cầu, thay vì 95% như hiện nay.

Trung Quốc chỉ có 30% trữ lượng đất hiếm toàn cầu, đang dần cạn kiệt và phải gánh chịu thiệt hại môi trường do khai thác tràn lan. Trong khi, Mỹ, Australia cũng có trữ lượng đất hiếm khá lớn. Sở dĩ hai nước này giảm sản lượng khi là do tình trạng sản xuất dư thừa ở Trung Quốc.

Theo đó, một khi Trung Quốc giảm xuất khẩu để bảo vệ tài nguyên, giá thế giới tăng cao, các quốc gia sẽ buộc phải tìm nguồn thay thế. Và những nước có trữ lượng đất hiếm lớn như Mỹ, Australia đã bắt đầu phải xem xét tới việc khởi động lại hay tăng sản lượng.

Giá đất hiếm tăng vọt cũng thúc đẩy xu thế mua bán, sáp nhập doanh nghiệp trong ngành. Hồi đầu tháng 4, công ty Solvay - một tập đoàn hóa công nghiệp lớn của Bỉ công bố sẽ bỏ ra 4,8 tỷ USD mua lại hãng Rhodia của Pháp. Rhodia là một công ty có kỹ thuật tiên tiến trong việc chế tạo những hóa chất phức tạp từ các nguyên tố đất hiếm.

Cùng thời điểm, công ty Molycorp của Mỹ cho biết đã bỏ ra 89 triệu USD mua 90% cổ phần của hãng Silmet ở Estonia - một công ty nhỏ nhưng là đối thủ châu Âu duy nhất cạnh tranh với tập đoàn Rhodia trong lĩnh vực chế biến đất hiếm.

Dudley Kingsnorth, Giám đốc điều hành công ty tư vấn về khoáng sản công nghiệp của Australia dự báo, trong ba năm tới, sản lượng đất hiếm ngoài Trung Quốc có thể tăng 10 lần, từ mức 6.000 tấn/năm hiện nay lên khoảng 40.000 - 60.000 tấn/năm và đến năm 2020, vị thế độc quyền của Trung Quốc trong lĩnh vực đất hiếm sẽ bị xóa bỏ, khi thế giới có thể tự túc được nguồn nguyên liệu quý giá này với sản lượng đạt mức 180.000 tấn/năm.