17:41 11/06/2017

Lính đặc nhiệm Mỹ giúp Philippines đánh phiến quân thân IS

Bình Minh

Lời đề nghị Mỹ giúp đỡ được Philippines đưa ra 8 tháng sau khi Tổng thống Duterte dọa sẽ chấm dứt tập trận quân sự chung với Mỹ

Binh sỹ quân đội Philippines giữ vị trí sau khi thoát khỏi một trận bắn tỉa của phiến quân Maute ở Marawi, ngày 25/5 - Ảnh: Getty/CNBC.<br>
Binh sỹ quân đội Philippines giữ vị trí sau khi thoát khỏi một trận bắn tỉa của phiến quân Maute ở Marawi, ngày 25/5 - Ảnh: Getty/CNBC.<br>
Lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã bắt đầu tham gia cùng với binh sỹ quân đội Philippines trong chiến dịch giải phóng thành phố Marawi khỏi sự chiếm đóng của Maute, một nhóm phiến quân thân tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) - hãng tin Bloomberg dẫn thông tin từ đại sứ quán Mỹ ở Manila cho hay.

Theo đó, Mỹ quyết định hỗ trợ cho Philippines trong cuộc chiến này sau khi Chính phủ Philippines có đề nghị. Tham gia chiến dịch, lực lượng đặc nhiệm Mỹ sẽ trợ giúp các chỉ huy của quân đội Philippines.

Hiện phía Philippines chưa đưa ra bất kỳ thông tin nào về sự hỗ trợ trên của Mỹ.

“Chúng tôi thường xuyên tham vấn với các đối tác Philippines ở cấp cao nhằm hỗ trợ nỗ lực chống khủng bố của chính quyền [Tổng thống Rodrigo] Duterte”, đại sứ quán Mỹ tại Philippines nói trong một tuyên bố. “Nước Mỹ tự hào là một đồng minh của Philippines, và chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với Philippines để giải quyết những nguy cơ chung đối với hòa bình và an ninh của hai nước, bao gồm vấn đề chống chủ nghĩa khủng bố”.

Lời đề nghị Mỹ giúp đỡ được Philippines đưa ra 8 tháng sau khi Tổng thống Duterte dọa sẽ chấm dứt tập trận quân sự chung với Mỹ. Khi đó, ông Duterte đã “nổi đóa” trước sự chỉ trích của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama nhằm vào chiến dịch chống ma túy đẫm máu do ông khởi xướng.

Khác với người tiền nhiệm Obama, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tránh chỉ trích ông Duterte và thậm chí còn mời người đồng cấp Philippines tới thăm Nhà Trắng khi hai nhà lãnh đạo có cuộc điện đàm vào tháng 4. Gần đây, ông Trump thậm chí còn ca ngợi những nỗ lực của ông Duterte trong cuộc chiến chống ma túy.

Tại đối thoại an ninh Shangri-La ở Singapore vào tuần trước, các quan chức an ninh châu Á-Thái Bình Dương đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về sự nổi lên của các nhóm chiến binh Hồi giáo cực đoan ở Đông Nam Á - khu vực chiếm 15% trong dân số theo đạo Hồi 1,57 tỷ người của thế giới.

Cũng tại diễn đàn này, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ James Mattis đã trấn an các đồng minh trong khu vực, nhấn mạnh những nỗ lực của Mỹ nhằm tăng cường chia sẻ thông tin và đào tạo lực lượng chống khủng bố của Philippines chiến đấu ở miền Nam nước này.

Từ khi lên cầm quyền, ông Duterte đã thề sẽ mạnh tay với các nhóm phiến quân Hồi giáo, nhất là ở các tỉnh nghèo hơn ở miền Nam Philippines. Theo ước tính có khoảng 250-400 chiến binh Hồi giáo ngoại quốc đang hoạt động ở Philippines.

Thông tin về việc Mỹ giúp Philippines đánh phiến quân Maute được đưa ra vào ngày thứ Bảy, sau khi lực lượng Philippines chịu tổn thất lớn trong một cuộc giao tranh vào ngày thứ Sáu. Theo nhà chức trách, 13 binh sỹ quân đội đã thiệt mạng và 40 binh sỹ khác bị thương trong một đụng độ kéo dài 14 giờ đồng hồ với phiến quân Maute tại một khu làng ở Marawi.

Thành phố  Marawi thuộc đảo Mindanao, miền Nam Philippines, đã bị nhóm Maute chiếm cách đây hơn 2 tuần. Toàn bộ đảo Mindanao đã bị đặt trong tình trạng thiết quân luật nhằm ngăn bạo lực lan rộng.

Thiệt hại ngày thứ Sáu là tổn thất lớn nhất về người mà lực lượng quân đội Chính phủ Philippines phải hứng chịu kể từ đầu chiến dịch giải phóng Marawi. Trước đó, vào hôm 1/6, một vụ không kích nhầm mục tiêu đã khiến 10 binh sỹ thiệt mạng.

Đến nay, quân đội Philippines đã mất 58 binh sỹ trong chiến dịch. Ngoài ra, 20 dân thường và hơn 100 phần tử phiến quân cũng đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh ở Marawi.

Hãng tin Reuters cho biết, ít nhất 200 phần tử phiến quân hiện vẫn đang cố thủ ở Marawi, trong khi 500-1.000 dân thường bị mắc kẹt trong thành phố. Trong đó, nhiều người dân thường bị phiến quân Maute sử dụng làm lá chắn, nhiều người khác phải ẩn náu trong nhà trong tình trạng không có điện, thiếu nước và thực phẩm.