Lộ diện 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam
Tổng cục Thuế vừa công bố danh sách 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (V1000) năm 2020, với tổng số thuế nộp ngân sách gần 146.000 tỷ đồng...
Đây là năm thứ 5 liên tiếp, Tổng cục Thuế xây dựng danh sách 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất.
Đứng đầu danh sách V1000 này là Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội. Tiếp đến là Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam; Công ty Honda Việt Nam; Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam; Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam; Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên...
Đáng chú ý, qua 5 năm thực hiện công khai V1000, có 423 doanh nghiệp liên tiếp trụ vững danh sách V1000 trong suốt 5 năm, từ năm 2006-2020.
Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có 180 doanh nghiệp với số nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, chiếm 32,91% tổng số nộp thu nhập cá nhân năm 2020 của 423 doanh nghiệp.
Tiếp đến, lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có 60 doanh nghiệp, nộp thuế chiếm 30,6%. Thông tin và truyền thông có 8 doanh nghiệp, nộp thuế chiếm 10,71%.
Lĩnh vực kinh doanh bất động sản có 35 doanh nghiệp, nộp thuế chiếm 6,6%. Bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác có 39 doanh nghiệp, nộp thuế chiếm 5,68%. Các ngành nghề khác là 101 doanh nghiệp, nộp thuế chiếm 13,5%.
Nếu tính theo địa bàn thì Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu, tương ứng với 109 doanh nghiệp, nộp thuế chiếm 43,26% và 134 doanh nghiệp với số nộp thuế chiếm 29,81%.
Tỉnh Đồng Nai có 29 doanh nghiệp, Vĩnh Phúc 9 doanh nghiệp, Bình Dương 39 doanh nghiệp, các tỉnh, thành phố khác 103 doanh nghiệp.
Tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp của các doanh nghiệp trong bảng xếp hạng 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (V1000) năm 2020 là 145.934 tỷ đồng, chiếm 62,4% tổng thu ngân sách nhà nước về thuế thu nhập doanh nghiệp, tăng 3,74% so với số nộp của các doanh nghiệp trong danh sách V1000 năm 2019.
Trong 423 doanh nghiệp 5 năm liên tiếp thuộc danh sách V1000, khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm tỷ lệ cao nhất với 267 doanh nghiệp, nộp thuế chiếm 60,2%.
Tiếp đó là khối doanh nghiệp nhà nước có 71 doanh nghiệp, nộp thuế chiếm 25,64%.
Khối đầu tư nước ngoài có 77 doanh nghiệp, nộp thuế chiếm 13,32% và 8 doanh nghiệp thuộc các loại hình khác.
Doanh nghiệp lựa chọn đưa vào danh sách xếp hạng là doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài và các tổ chức khác có hoạt động sản xuất kinh doanh và có thu nhập.
Trường hợp doanh nghiệp có các chi nhánh, đơn vị trực thuộc thì số nộp tính cho doanh nghiệp bao gồm số nộp của trụ sở chính và số nộp của các chi nhánh, đơn vị trực thuộc.
Tổng cục Thuế cho biết thêm, danh sách V1000 trên cơ sở mức nộp thuế thu nhập doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước hàng năm của doanh nghiệp, không xem xét đến tính tuân thủ pháp luật thuế nên danh sách V1000 năm 2020 không nhằm mục đính tôn vinh doanh nghiệp thực hiện tốt pháp luật thuế.
Trong quá trình hoạt động, nếu doanh nghiệp bị cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền phát hiện sai phạm thì tùy vào mức độ vẫn bị xử lý theo đúng quy định.
Bảng xếp hạng năm 2020 có 300 doanh nghiệp trong danh sách V1000 năm 2019 bị loại ra, đây là những doanh nghiệp bị sáp nhập hoặc chuyển đổi mô hình tổ chức, từ hạch toán độc lập sang phụ thuộc. Một số trường hợp khác, dù có số thuế thu nhập doanh nghiệp theo quyết toán năm 2020 lớn nhưng doanh nghiệp lại thực hiện nộp trong năm 2021.
Danh sách V1000 năm 2020 cũng được bổ sung 300 doanh nghiệp. Đa phần là các doanh nghiệp có số nộp ngân sách phát sinh từ các hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng vốn hoặc phải nộp theo quyết định truy thu của các cơ quan có thẩm quyền. Có doanh nghiệp hết thời gian hưởng ưu đãi, miễn giảm thuế, thực hiện nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trở lại.
Bên cạnh đó, cũng có những doanh nghiệp hoàn thành dự án, nghiệm thu công trìn, hoặc các trường hợp hoạt động trong ngành nghề có doanh thu, thu nhập đột biến.
Đặc biệt, một số doanh nghiệp thích ứng được trong bối cảnh dịch bệnh, mở rộng tăng vốn, phát triển sản xuất kinh doanh nên tăng doanh thu, đóng góp số thuế lớn vào ngân sách nhà nước.