06:00 04/12/2021

Ráo riết "phủ sóng" hoá đơn điện tử tạo cuộc cách mạng chuyển đổi ngành Thuế

Trâm Anh

Để "cách mạng" chuyển đổi hóa đơn điện tử thành công, các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, bên cạnh cơ quan chức năng cần đảm bảo kết nối thông suốt, đặt vấn đề bảo mật lên hàng đầu, tránh rủi ro “lộ” dữ liệu kinh doanh, chính bản thân doanh nghiệp cũng cần chủ động...

Phủ sóng hóa đơn điện tử tại 6 tỉnh, thành phố lớn trước tháng 3/2022.
Phủ sóng hóa đơn điện tử tại 6 tỉnh, thành phố lớn trước tháng 3/2022.

Từ ngày 1/7/2022 theo quy định của Luật Quản lý thuế, doanh nghiệp sẽ chuyển đổi hoàn toàn từ sử dung hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử. Tuy nhiên, trên thực tế bắt đầu từ ngày 21/11/2021, ngành Thuế chính thức kích hoạt hệ thống hóa đơn điện tử giai đoạn 1 tại địa bàn 6 tỉnh, thành phố, với số lượng doanh nghiệp chiếm khoảng 60% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động và lượng hóa đơn chiếm đến 70% hóa đơn cả nước.

Trên cơ sở kết quả triển khai giai đoạn 1, Bộ Tài chính tiếp tục tổ chức triển khai giai đoạn 2 từ tháng 4/2022 đảm bảo đến 1/7/2022, 100% doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sử dụng sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Lộ trình triển khai hoá đơn điện tử.
Lộ trình triển khai hoá đơn điện tử.

BA ĐIỂM NỔI BẬT VỀ HOÁ ĐƠN ĐIỆN TỬ

Từ năm 2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 quy định về hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ và theo đó đã có sự thay đổi trong cơ chế phát hành, quản lý hóa đơn.

Cụ thể là chuyển đổi phương thức phát hành, quản lý hóa đơn từ cơ chế “doanh nghiệp mua hóa đơn của cơ quan thuế” sang cơ chế “doanh nghiệp tự đặt in, tự in hóa đơn hoặc sử dụng hóa đơn điện tử nếu đủ điều kiện”.

Từ lâu, hoá đơn điện tử được sử dụng trong hệ thống hóa đơn chứng từ hạch toán kế toán của doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Lưu Đức Huy cho hay, trước đây, hoá đơn điện tử do doanh nghiệp tự khởi tạo, phát hành, thông báo trước khi sử dụng, báo cáo sử dụng cũng như huỷ hoá đơn tới cơ quan thuế tại quy định trước đây tại Thông tư số 32/TT-BTC ngày 14/03/2011 hướng dẫn về khởi tạo, phát hành và sử dụng hoá đơn điện tử bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

 

"Nhiều doanh nghiệp không kinh doanh nhưng được sử dụng hóa đơn, xuất hóa đơn khống, sử dụng hóa đơn lòng vòng để khấu trừ, hoàn khống thuế giá trị gia tăng hoặc rút tiền thanh toán từ ngân sách nhà nước, không kê khai nộp thuế để trốn thuế".

Bộ Tài chính.

Trong quá trình thực thi nhiều chính sách trước đây, ngành Thuế phát hiện một số đối tượng lợi dụng sự thông thoáng của Luật Doanh nghiệp trong thủ tục thành lập doanh nghiệp để thành lập nhiều doanh nghiệp hoặc mua lại doanh nghiệp.

Ngành Thuế phối hợp và triệt phá nhiều đường dây mua bán trái phép hóa đơn lên tới hàng nghìn tỷ đồng bị các lực lượng chức năng triệt phá. Năm 2019, ngành Thuế chuyển cơ quan công an 135 trường hợp và năm 2020 là 162 trường hợp.

Để nâng cao tính pháp lý của việc sử dụng, quản lý hóa đơn, chứng từ, hàng loạt chính sách được ban hành: Luật Quản lý thuế, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định về hóa đơn, chứng từ, Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17/09/2021 hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế số 38 ngày 13/6/2019, Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ, tạo bước chuyển mình mạnh mẽ, tạo nên cuộc “cách mạng” ngành Thuế.

Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế phân tích, hóa đơn điện tử theo thông tư 78 có nhiều điểm mới đáng chú ý.

Thứ nhất, hóa đơn điện tử theo định dạng chuẩn của cơ quan thuế. Khi sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế, cơ sở kinh doanh, người bán hàng phải chuyển dữ liệu hóa đơn cho cơ quan thuế.

Thứ hai, khi sử dụng hóa đơn điện tử, cơ sở kinh doanh chỉ cần làm thủ tục đăng ký sử dụng tại Cổng Thông tin điện tử Tổng cục Thuế hoặc thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử, không phải làm các thủ tục nào khác.

Thứ ba, việc truyền nhận dữ liệu hóa đơn điện tử về cơ quan thuế, là đặc điểm nổi trội nhất, sẽ tạo ra hệ thống cơ sở dữ liệu hóa đơn phục vụ công tác quản lý thuế, quản lý khác của Nhà nước và tạo thuận lợi cho người nộp, thuế.

LẬT TẨY HÀNH VI GIAN LẬN HOÁ ĐƠN

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, hóa đơn điện tử được bảo vệ bằng chữ ký số của người bán hàng, khi bị tẩy xóa, thay đổi dữ liệu thì hóa đơn sẽ không đảm bảo tính toàn vẹn của chữ ký số. Khi có tình trạng giả mạo, cơ quan thuế dựa vào hệ thống công nghệ thông tin sẽ phát hiện được và xử lý ngay theo quy định.

Đồng thời, áp dụng hoá đơn điện tử sẽ cung cấp thông tin hoá đơn kịp thời để người mua hàng, bên thứ ba, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan để có thể đối chiếu, kiểm tra đảm bảo tính hợp lệ, hợp pháp của hoá đơn.

Bên cạnh đó, toàn bộ dữ liệu hóa đơn điện tử đều được gửi đến cơ quan thuế. Trên cơ sở đó, cơ quan thuế sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu hoá đơn điện tử tập trung tại Tổng cục Thuế để cung cấp các dịch vụ cho người bán, người mua hàng có thể tự tra cứu, đối chiếu dữ liệu của hóa đơn với dữ liệu được quản lý tại cơ quan thuế.

Dựa trên công nghệ phân tích dữ liệu lớn (big data), cơ quan thuế phân tích, đối chiếu chéo thông tin hoá đơn với các thông tin về khai thuế, nộp thuế để có thể phát hiện sớm các trường hợp có dấu hiệu vi phạm về sử dụng hoá đơn điện tử.

Cùng quan điểm trên, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng “phủ sóng” hoá đơn điện tử sẽ giúp nguồn thu thuế được được đảm bảo hơn, công bằng hơn, tránh tình trạng gian lận, mua bán hóa đơn, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Từ đó, kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, sòng phẳng hơn, tạo động lực dài hạn cho doanh nghiệp làm ăn chân chính.

ĐỀ CAO TÍNH BẢO MẬT, TRÁNH LỘ LỌT THÔNG TIN

Theo ông Đậu Anh Tuấn, ở góc độ người nộp thuế, lợi ích thấy rõ nhất của hoá đơn điện tử là giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí phát hành, lưu giữ hoá đơn cũng như nhanh chóng hoàn thuế. Bên cạnh đó, những giao dịch được xác nhận qua qua Tổng cục Thuế cũng giúp doanh nghiệp an tâm khi giao dịch với các đối tác, các bạn hàng, tránh rủi ro, từ đó giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thuận lợi.

Tuy nhiên, ông Tuấn lưu ý: “Lợi ích của doanh nghiệp sẽ được đảm bảo nếu giải quyết những vấn đề lo ngại, hệ thống được vận hành ổn định. Doanh nghiệp không chỉ hoạt động ở các thành phố lớn mà còn hoạt động ở những vùng sâu, vùng xa, những vùng biên giới hải đảo nên việc kết nối cần được thông suốt”.

Đặc biệt, chi phí đảm bảo hợp lý vì phần đông các doanh nghiệp Việt Nam vẫn là doanh nghiệp vừa, nhỏ, vừa, siêu nhỏ và hàng triệu hộ doanh nghiệp và phải có những hỗ trợ giai đoạn đầu để doanh nghiệp làm quen. Bên cạnh đó, có nhiều lo ngại về tính bảo mật của hệ thống.

Theo chia sẻ của ông Phùng Huy Tâm, Giám đốc Công ty CP Công nghệ thẻ Nacencomm, một đơn vị cung cấp giải pháp về hóa đơn điện tử, những quy định về giải pháp hoá đơn, đường truyền hoá đơn đưa ra rất chặt chẽ vì hệ thống hóa đơn từ hiện nay đòi hỏi lưu lượng rất là lớn, độ chính xác tuyệt đối.

Bảo mật là vấn đề nhạy cảm, vì vậy, Nacencomm cùng đội ngũ nhân sự luôn tập trung cao độ để cố gắng làm tốt nhất có thể. “Nacencomm phối hợp chặt chẽ giữa hệ thống, quy trình, nhiều giải pháp công nghệ khác nhau và con người”, ông Tâm nhấn mạnh. Công ty cũng áp dụng những bộ tiêu chuẩn ISO cho bảo mật thông tin khách hàng, ISO cung cấp dịch vụ tin cậy, ISO đảm bảo an ninh, an toàn hạ tầng theo cấp độ, từ đó, đảm bảo tính an toàn bảo mật tổng thể.

 
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

“Hàng ngày chúng ta đi Grab hay sử dụng rất nhiều những dịch vụ khác, những giao dịch nhỏ vài chục ngàn nhưng rất công khai minh bạch. Với những lợi ích đã rất rõ ràng và với quyết tâm lớn của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục thuế, hơn ai hết, các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm hiểu thông tin, chuẩn bị ngay về hệ thống hạ tầng và nguồn nhân lực, tôi tin rằng chương trình này sẽ thực hiện thành công.

Tuy nhiên, phải lưu ý vấn đề bảo mật, an toàn trong các giao dịch, hay những thông tin về doanh số, đối tác là những thông tin hết sức nhạy cảm, quan trọng bậc nhất trong hoạt động kinh doanh, không thể bị lộ lọt vì sẽ ảnh hưởng đến sự tồn tại của doanh nghiệp”.

 

 
Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Tổng cục Thuế.
Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Tổng cục Thuế.

“Mặc dù có một số vướng mắc trong giai đoạn đầu liên quan đường truyền, giải pháp phần mềm, tuy nhiên, cả cơ quan thuế và các tổ chức cung cấp giải pháp, tổ chức kết nối đều thường xuyên nâng cấp ứng dụng, giải đáp thường xuyên thắc mắc cho doanh nghiệp đảm bảo việc lập hóa đơn điện tử để gửi đến cơ quan thuế để cấp mã diễn ra nhanh chóng.

Theo số liệu từ hệ thống hóa đơn điện tử của Tổng cục Thuế, kể từ khi công bố áp dụng hoá đơn điện tử, sau 10 ngày hệ thống tiếp nhận đăng ký của khoảng 40.000 doanh nghiệp, hiện có khoảng trên 81.000 hóa đơn điện tử được lập".