13:00 01/08/2022

Lộ diện 3 đơn vị vận hành 5 tuyến buýt "chết yểu" sẽ nhận trợ giá hơn 168 tỷ đồng

Anh Tú

Ba đơn vị vừa được Sở Giao thông vận tải Hà Nội chỉ định thầu sẽ tiếp tục vận hành 5 tuyến mà Công ty Bắc Hà vừa xin bỏ vì vỡ nợ, bắt đầu từ ngày 1/8. Nhà nước sẽ trợ giá hơn 168 tỷ đồng đến khi hợp đồng kết thúc...

Theo tính toán, từ ngày 1/8 đến khi kết thúc hợp đồng, các đơn vị sẽ đạt doanh thu bán vé hơn 54 tỷ nhưng chi phí vận hành lên tới 223 tỷ, do đó, Nhà nước sẽ bù hơn 168 tỷ đồng.
Theo tính toán, từ ngày 1/8 đến khi kết thúc hợp đồng, các đơn vị sẽ đạt doanh thu bán vé hơn 54 tỷ nhưng chi phí vận hành lên tới 223 tỷ, do đó, Nhà nước sẽ bù hơn 168 tỷ đồng.

Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa phê duyệt kết quả chỉ định thầu đối với 5 tuyến xe buýt có trợ giá số 41, 42, 43, 44, 45 sau khi ngừng hợp đồng với Công ty TNHH Bắc Hà. 

 

Ba đơn vị được chỉ định thầu gồm: Công ty cổ phần Xe điện Hà Nội với tuyến số 41 (Nghi Tàm - Bến xe Giáp Bát), 44 (Trần Khánh Dư - Bến xe Mỹ Đình), 45 (Times City - Nam Thăng Long); Công ty cổ phần Xe khách Hà Nội với tuyến số 42 (Bến xe Giáp Bát - Đức Giang); Công ty Liên doanh vận chuyển quốc tế Hải Vân với tuyến số 43 (Công viên Thống Nhất - thị trấn Đông Anh).

Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, các tuyến buýt trên sẽ kết thúc hợp đồng thầu cũ với Công ty TNHH Bắc Hà từ ngày 1/8.

Do đó, để bảo đảm các tuyến buýt được vận hành liên tục không bị gián đoạn, ảnh hưởng nhu cầu đi lại hằng ngày của người dân, việc lựa chọn nhà thầu đối với 5 tuyến buýt này phải thực hiện xong chậm nhất là ngày 31/7.

Khi đó, đơn vị trúng thầu có thời gian chuẩn bị phương án thực hiện hợp đồng mới từ ngày 1/8.

Được biết, 5 tuyến buýt số 41,42, 43, 44, 45 có hợp đồng gói thầu là 5 năm (60 tháng). Tổng giá trị 5 tuyến buýt trong 5 năm thực hiện theo hợp đồng là hơn 298 tỷ đồng.

Trong đó, thứ nhất, tuyến số 41 bắt đầu thực hiện hợp đồng từ 1/4/2021. Đến nay thực hiện 1 năm 4 tháng (16 tháng), thời gian còn lại 3 năm 8 tháng (44 tháng) đến hết ngày 31/3/2026.

Thứ hai, tuyến số 42 thực hiện từ 1/4/2020. Thời gian còn lại 2 năm 8 tháng (32 tháng), thời gian kết thúc hợp đồng 31/3/2025.

Thứ ba, tuyến số 43 thực hiện hợp đồng từ ngày 1/4/2019, 3 năm 4 tháng (40 tháng). Thời gian còn lại 1 năm 8 tháng (20 tháng), thời gian kết thúc hợp đồng 31/3/2024.

Thứ tư, tuyến số 44 thực hiện hợp đồng từ ngày 1/4/2021, thực hiện 1 năm 4 tháng (16 tháng). Thời gian còn lại 3 năm 8 tháng (44 tháng), thời gian kết thúc hợp đồng 31/3/2026.

Thứ năm, tuyến số 45 thực hiện hợp đồng từ ngày 1/4/2020, thực hiện được 2 năm 4 tháng (28 tháng). Còn lại 2 năm 8 tháng (32 tháng), hợp đồng kết thúc ngày 31/5/2025.

Từ năm 2019 - 2022, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP. Hà Nội (Tramoc) thanh toán cho loạt 5 tuyến buýt này hơn 105 tỷ đồng.

Trong đó, năm 2021 thanh toán gần 40 tỷ, năm 2022 tạm ứng hơn 26 tỷ, giá trị còn lại phải thanh toán trong năm 2021 là hơn 345 triệu. Giá trị hợp đồng đến hết ngày 31/7, 5 tuyến buýt đạt doanh thu bán vé hơn 42 tỷ, chi phí vận hành hơn 172 tỷ, trợ giá hơn 130 tỷ.

Như vậy, giá trị còn lại tính từ ngày 1/8 là doanh thu vận tải hơn 54 tỷ, chi phí vận hành 223 tỷ, Nhà nước trợ giá hơn 168 tỷ, tương đương giá trị hợp đồng còn lại là 56,4%.

Trước đó, Sở Giao thông vận tải Hà Nội Hà Nội đề xuất 2 phương án xử lý khi Công ty TNHH Bắc Hà xin bỏ loạt tuyến buýt.

Cụ thể, phương án 1, chấm dứt hợp đồng với Công ty Bắc Hà và chỉ định thầu cho đơn vị thay thế có đủ có năng lực, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu thực hiện phần công việc còn lại của gói thầu để tiếp tục khai thác vận hành 5 tuyến buýt.

Giá trị phần khối lượng công việc chưa thực hiện giao cho nhà thầu mới được tính bằng giá trị ghi trong hợp đồng trừ đi giá trị của phân khối lượng công việc đã thực hiện trước đó.

Phương án 2, chấm dứt hợp đồng với Công ty Bắc Hà, tạm dừng khai thác đối với 5 tuyến buýt để rà soát, tính toán lại dự toán, chi phí, thiết kế tuyến để hình thành gói thầu mới, làm cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá hai phương án, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề xuất UBND TP. Hà Nội lựa chọn phương án 1. UBND TP. Hà Nội sau đó cũng có văn bản đồng ý với đề xuất này.